Nguyễn Văn Linh - người cộng sản mẫu mực, sáng tạo

Ngày 25-6, tại Hà Nội, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Thành ủy TPHCM đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc gia: “Đồng chí Nguyễn Văn Linh - người cộng sản mẫu mực, sáng tạo”, nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1-7-1915 – 1-7-2010). Tại hội thảo, nhiều tham luận khoa học của các nhà chính trị, nhà nghiên cứu đã làm rõ tấm gương ngời sáng của người cộng sản Nguyễn Văn Linh, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng.Cống hiến hết mình
Nguyễn Văn Linh - người cộng sản mẫu mực, sáng tạo

Ngày 25-6, tại Hà Nội, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Thành ủy TPHCM đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc gia: “Đồng chí Nguyễn Văn Linh - người cộng sản mẫu mực, sáng tạo”, nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1-7-1915 – 1-7-2010). Tại hội thảo, nhiều tham luận khoa học của các nhà chính trị, nhà nghiên cứu đã làm rõ tấm gương ngời sáng của người cộng sản Nguyễn Văn Linh, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng.

Cống hiến hết mình

Đề dẫn báo cáo tại hội thảo, GS-TS Lê Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, trong gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có những đóng góp lớn lao, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của Đảng và nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Dấn thân trên con đường cách mạng đầy gian khổ, hy sinh, những năm tháng tuổi thanh xuân đẹp nhất của đồng chí Nguyễn Văn Linh bị giam cầm trong nhà tù đế quốc. Hơn nửa cuộc đời gắn bó với cách mạng miền Nam, trong hoàn cảnh bom đạn ác liệt, khó khăn thiếu thốn, cái chết luôn rình rập nhưng đối với bất kỳ thử thách nào, đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng thể hiện ý chí kiên cường, một lòng một dạ trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng.

Để làm rõ hơn nhận định trên, Đại tướng Lê Văn Dũng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam nhấn mạnh: Đồng chí Nguyễn Văn Linh sớm giác ngộ cách mạng, đã hoạt động cách mạng từ khi 14 tuổi và trải qua tất cả các thời kỳ cam go, oanh liệt của nước ta trong suốt thế kỷ 20. Hai lần bị quân thù bắt và bị tù đày 10 năm nơi địa ngục trần gian Côn Đảo.

Sự mẫu mực của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh còn được biểu hiện rõ rệt ở đức tính liêm khiết, hy sinh, không ham hố quyền lực, địa vị. Minh chứng cho đức tính này, GS-TS Lê Hữu Nghĩa nhắc lại: Kết thúc nhiệm kỳ Đại hội VI năm 1991, dù có nhiều ý kiến tín nhiệm đề nghị đồng chí Nguyễn Văn Linh tiếp tục tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa VII nhưng đồng chí đã kiên quyết rút lui, với lời hứa “dù không còn ở trong Trung ương nữa, nhưng với trách nhiệm là người đảng viên, tôi xin cố gắng cống hiến sự hiểu biết và kinh nghiệm nhỏ bé của mình cho cách mạng, cho Đảng cho đến hơi thở cuối cùng”.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh nói chuyện với các giám đốc xí nghiệp dự Hội thảo Câu lạc bộ giám đốc năm 1984 tại TPHCM.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh nói chuyện với các giám đốc xí nghiệp dự Hội thảo Câu lạc bộ giám đốc năm 1984 tại TPHCM.

“Kiến trúc sư trưởng” của đổi mới

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, những đóng góp, cống hiến của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, đi vào con đường hội nhập, phát triển cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị lớn lao.

Nhắc lại thời kỳ này, GS-TS Lê Hữu Nghĩa nhấn mạnh: Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của thời kỳ đổi mới. Đồng chí đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường kiên định, cùng Bộ Chính trị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề ra những quyết sách, từng bước tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nông nghiệp và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu phát triển; đổi mới khâu phân phối lưu thông, đồng thời tích cực vận động quốc tế, phá thế bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch, tạo tiền đề đưa đất nước bước vào con đường hội nhập, phát triển.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh quan niệm rằng: “Đổi mới là cách mạng”, muốn thắng lợi, phải quyết tâm, phải có phương pháp đúng, phù hợp, đồng thời có sự đột phá. Đặc biệt, với loạt bài “Những việc cần làm ngay” đăng trên báo Nhân dân, đồng chí đã tạo một luồng sinh khí mới trong xã hội lúc đó, với tinh thần dân chủ, công khai, nói thẳng, nói thật, nói đi đôi với việc làm và được sự ủng hộ, hưởng ứng mạnh mẽ của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Đại tướng Lê Văn Dũng nhấn mạnh: Trong hoàn cảnh những năm đầu của thập niên 80, nền kinh tế của đất nước sa sút, lạm phát lên tới 3 con số, trước sự bao vây cấm vận của kẻ thù, hệ thống XHCN thế giới khủng hoảng nghiêm trọng, niềm tin của nhân dân với Đảng, chế độ suy giảm, đồng chí Nguyễn Văn Linh với trọng trách là Tổng Bí thư đã cùng tập thể Đảng ta nhạy bén, chủ động, sáng tạo, khôn khéo chèo lái con thuyền cách mạng nước ta vượt qua những bước hiểm nghèo của thời kỳ xảy ra những biến động to lớn trên thế giới. Đồng chí đã đưa đất nước vượt qua hiểm nghèo của khủng hoảng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, thu được nhiều thành tựu quan trọng.

Gắn bó máu thịt với TPHCM

Tại hội thảo, nhiều ý kiến, tham luận đã làm rõ và đánh giá rất cao những đóng góp của đồng chí Nguyễn Văn Linh đối với sự phát triển của Sài Gòn - Gia Định - TPHCM, từ những năm tháng còn chiến tranh ác liệt cho tới sau ngày đất nước hòa bình thống nhất. Đại tướng Lê Văn Dũng nêu rõ, gần một nửa cuộc đời hoạt động cách mạng, đặc biệt là những năm tháng chiến tranh ác liệt chống Mỹ, đồng chí Nguyễn Văn Linh hồi đó với trách nhiệm là Bí thư Trung ương Cục đã bám trụ ở miền Nam để góp phần lãnh đạo quân và dân ta đánh bại các chiến lược chiến tranh tàn bạo của kẻ thù.

Đặc biệt, sau khi đất nước thống nhất, trong những năm tháng khó khăn, với cương vị là Bí thư Thành ủy TPHCM, đồng chí tiếp tục tổ chức thực hiện nhiệm vụ khôi phục kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân, ổn định xã hội và xây dựng CNXH ở thành phố đông dân nhất nước, sau hàng trăm năm dưới sự thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới.

Đại tướng Lê Văn Dũng nhấn mạnh, hồi đó, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có quan điểm phát triển 5 thành phần kinh tế mà sau này Đảng và Nhà nước đã nhận định và đánh giá đây là một quan điểm hoàn toàn đúng đắn và chính xác phù hợp với sự phát triển của đất nước. Cũng chính những năm tháng ở TPHCM, từ tổng kết thực tiễn trên nhiều lĩnh vực, đồng chí đã có những đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc thiết kế đường lối, chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước, góp phần mở ra thời kỳ đổi mới trong xây dựng CNXH ở nước ta.

Làm rõ hơn những đóng góp của đồng chí Nguyễn Văn Linh với sự phát triển của TPHCM, PGS-TS Phan Xuân Biên (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM) khẳng định: Là người đứng đầu Đảng bộ TPHCM và giữ chức Bí thư Thành ủy lâu năm nhất, đã minh chứng sống động về những đóng góp, công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh đối với phong trào cách mạng đô thị lớn nhất nước - Sài Gòn - Gia Định - TPHCM qua các thời kỳ lịch sử, nhất là trong những thời điểm sóng gió, cam go, khốc liệt, với những bứt phá ngoạn mục để đến hôm nay TPHCM trở một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, với vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển đất nước.

 “Đồng chí Nguyễn Văn Linh - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một kiểu mẫu về người đảng viên cộng sản rất mực kiên cường, trung thành, tận tụy, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hành phúc của nhân dân… Con đường đi lên CNXH được chỉ ra trong Cương lĩnh năm 1991, cũng như những bài học về giữ vững nguyên tắc trong quan điểm, đồng thời linh hoạt trong sách lược, thực hiện đổi mới có nguyên tắc - đổi mới nhưng luôn giữ vững định hướng XHCN, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân… mà đồng chí góp phần nêu lên và chỉ ra có ý nghĩa thực tiễn vô cùng quý giá đối với chúng ta ngày nay và đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước…”.

(Trích kết luận hội thảo của đồng chí HUỲNH THỊ NHÂN, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM)

QUỐC KHÁNH

Tin cùng chuyên mục