Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM: Nâng cao chất lượng tăng trưởng, chủ động chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Chủ động hội nhập, tăng tốc phát triển
Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM: Nâng cao chất lượng tăng trưởng, chủ động chuyển dịch cơ cấu kinh tế

“Những thành tựu 5 năm qua của TPHCM không chỉ đánh dấu bước phát triển mới trên con đường xây dựng TP phồn vinh, văn minh, hiện đại, mà còn là bài học thực tiễn quý báu để từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mục tiêu phát triển TP trong giai đoạn mới, tạo cơ sở, tiền đề cho Đảng bộ và nhân dân TPHCM tiếp tục đổi mới toàn diện và mạnh mẽ hơn nhằm đưa thành phố phát triển nhanh, bền vững. Thành công của Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (nhiệm kỳ 2011-2015)  càng làm tăng thêm sự phấn khởi, tin tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân TP mang tên Bác Hồ kính yêu. Tôi tin tưởng bước sang năm mới, toàn Đảng bộ và nhân dân TPHCM có thêm niềm tin mới, sáng tạo mới. Niềm tin và bản lĩnh vững vàng giúp chúng ta vượt qua tất cả!” - nhân dịp xuân mới Tân Mão, đồng chí LÊ THANH HẢI, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM  đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo SGGP. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải giới thiệu với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công trình xây dựng hầm Thủ Thiêm. Ảnh: Việt Dũng

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải giới thiệu với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công trình xây dựng hầm Thủ Thiêm. Ảnh: Việt Dũng

Chủ động hội nhập, tăng tốc phát triển

- Với mục tiêu “chủ động hội nhập, tăng tốc phát triển”, 5 năm qua, TPHCM đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Vậy đâu là điểm nhấn, thưa đồng chí Bí thư Thành ủy ?

Điểm nhấn lớn nhất là việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP bước đầu thu được kết quả tích cực, từng bước tạo chuyển biến về chất trong cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học - công nghệ cao. Các ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng 54,5%, có tốc độ tăng trưởng 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của cả nước, nhất là các ngành dịch vụ cao cấp có lợi thế cạnh tranh, có chất lượng và giá trị gia tăng cao. Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 bằng 1,85 lần giai đoạn 2001 - 2005, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu là cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất, chế biến tinh lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong giá trị sản xuất công nghiệp. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang chuyển dần sang các ngành thâm dụng vốn và khoa học - công nghệ, từng bước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và bảo vệ môi trường, đóng góp ngày càng nhiều vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Một điều không thể không nhắc tới là TP tập trung phát triển hạ tầng giao thông, như đại lộ Đông – Tây và hầm Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ… Đại lộ Đông - Tây và cầu Phú Mỹ không chỉ giải quyết điểm nghẽn lưu thông rất lớn từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây mà còn mở ra không gian rộng lớn về phát triển KT-XH giữa TPHCM với các tỉnh phía Nam. Nếu 10 năm trước, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một dấu ấn về cải tạo môi trường thì giờ đây, đại lộ Đông - Tây và cầu Phú Mỹ là công trình mang tính đột phá lớn của TP về giao thông và phát triển KT-XH, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế TP tăng trưởng nhanh và bền vững.

- Với ý thức “vì cả nước, cùng cả nước”, những năm qua TPHCM luôn chủ động, sáng tạo để vượt qua khó khăn thách thức,  vừa góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước, vừa đóng góp cho Trung ương nhiều kinh nghiệm quý trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành. Đồng chí có thể nói rõ hơn điều này?

TPHCM luôn nhận thức và phấn đấu thực hiện tốt phương châm “vì cả nước, cùng cả nước”. Trong hơn hai thập niên qua, kinh tế TP liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước… nhưng vấn đề quan trọng hơn là TP luôn chủ động tìm tòi, sáng tạo để tháo gỡ khó khăn; qua đó có những mô hình sinh động, hiệu quả và đã phần nào cung cấp kinh nghiệm thực tiễn cho Trung ương. Chẳng hạn, TP thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng để các doanh nghiệp di dời và đổi mới công nghệ. Hay mô hình xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục của thành phố, Trung ương có thêm kinh nghiệm để đề ra chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư và trả lãi cho doanh nghiệp.

Có thể nói TPHCM là địa phương sớm nhất dùng vốn ngân sách làm “vốn mồi” để thu hút đầu tư xã hội, huy động các nguồn vốn trong nước thông qua hình thức vay, phát hành trái phiếu công trình, trái phiếu đô thị theo cơ chế tự vay, tự trả bằng nguồn thu của ngân sách thành phố. Việc này  đã tạo thêm nhiều kênh huy động vốn quan trọng và thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng đô thị, mở một hướng đi mới, giảm áp lực đầu tư từ ngân sách.

Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 71 về thực hiện quy chế thí điểm đầu tư PPP theo hình thức đối tác công - tư. Theo tôi, quy chế thí điểm này là một bước phát triển mạnh mẽ trong tư duy, tạo cơ chế để tư nhân cùng tham gia đầu tư vào các dịch vụ hoặc công trình công cộng của Nhà nước. Với mô hình PPP, Nhà nước thiết lập các tiêu chuẩn về cung cấp dịch vụ và tư nhân được khuyến khích cung cấp bằng cơ chế thanh toán theo chất lượng dịch vụ. Đây là hình thức hợp tác mang lại lợi ích cho cả Nhà nước và người dân vì tận dụng được nguồn lực tài chính và quản lý từ tư nhân, trong khi vẫn đảm bảo các lợi ích cho người dân. TP đã có thực tiễn về hình thức đối tác công - tư này, góp phần để Chính phủ có thêm cơ sở ban hành quy chế trên qua cơ chế huy động vốn xây dựng cầu Phú Mỹ.

 
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tặng quà tết cho công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung. Ảnh: Việt Dũng

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tặng quà tết cho công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung. Ảnh: Việt Dũng

Linh hoạt, nhạy bén trong lãnh đạo, điều hành kinh tế

- Trong nhiệm kỳ qua, TPHCM cùng cả nước vượt qua “cơn bão” khủng hoảng tài chính toàn cầu, đến nay đã từng bước phục hồi kinh tế và đưa tốc độ tăng trưởng tăng cao. Đối với TPHCM- là trung tâm kinh tế cả nước, đồng chí có thể rút ra những bài học, kinh nghiệm này như thế nào?

Đứng trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, TP đã chủ động cùng với các bộ, ngành Trung ương nỗ lực tháo gỡ khó khăn của hệ thống ngân hàng, tài chính, giải quyết vốn cho doanh nghiệp.

“Quá trình thực hiện Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị về phát triển TPHCM, Trung ương cũng khẳng định những mô hình mới, cách làm hay của TPHCM, chẳng những đóng góp nhiều kinh nghiệm giúp Trung ương tổng kết thực tiễn, hình thành chính sách mới mà qua đó cũng cho thấy, vị trí, vai trò của TPHCM đối với khu vực và cả nước ngày càng được khẳng định trên nhiều lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách Nhà nước và kim ngạch xuất khẩu, huy động vốn đầu tư...”.

Thành phố cũng đã thực hiện nghiêm các chủ trương, quyết sách của Chính phủ nhằm góp phần ổn định nền tài chính, ngân hàng trên địa bàn; đồng thời chủ động can thiệp thị trường qua hỗ trợ từ ngân sách để các doanh nghiệp chủ động nguồn cung hàng hóa, dịch vụ thiết yếu bằng việc phát huy doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, hiệp hội doanh nghiệp để phát triển mạnh hệ thống phân phối, tăng sức mạnh trên thị trường nội địa, làm cơ sở bình ổn giá cả. TP đã ra sức phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, xem nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng, kết hợp nội lực với ngoại lực thành sức mạnh tổng hợp để phát triển.

Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, năm 2010, TP đã phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế như trước khi xảy ra khủng hoảng năm 2008. Điều này chứng tỏ sự linh hoạt, nhạy bén trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và khả năng dự báo của TP. Qua đối phó sự tác động của cuộc khủng hoảng  tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã cho thấy, càng nhiều khó khăn và thách thức, Đảng bộ và nhân dân TP càng phát huy truyền thống năng động và sáng tạo.

- Năm 2011, trước những thử thách to lớn, vấn đề lớn nhất đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội ở TPHCM là gì?

TP nhận thức năm 2011 và những năm tiếp theo sẽ rất nhiều khó khăn, nên Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đề ra mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế lên 12%, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững. Đây không chỉ phát huy vai trò đầu tàu kinh tế cả nước mà còn thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn “vì cả nước, cùng cả nước” của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP mang tên Bác Hồ kính yêu.

Với tinh thần đó, TPHCM tập trung thực hiện 6 chương trình đột phá nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, chủ động chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đẩy mạnh xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng. Đảng bộ TPHCM nhận thức rằng, cần phải tập trung khắc phục những tồn tại từ nhiều năm qua và những “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế trong năm 2011, chẳng hạn như ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường hay sự quá tải về hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục, nhà ở, áp lực di dân tự do… Tình hình khó khăn như trên đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân TPHCM càng phải chung sức, đồng lòng, hành động quyết liệt và có hiệu quả.

Chính quyền đô thị - lời giải bài toán đô thị

- Những bất cập đó năm nào cũng đặt ra và ngày càng gay gắt. Nếu TPHCM áp dụng thí điểm chính quyền đô thị thì những bất cập trên có được giải quyết cơ bản?

Với mô hình chính quyền đô thị, tôi tin là từng bước sẽ góp phần quan trọng giải quyết được những trở ngại hiện nay. Cần khẳng định rằng, việc xây dựng chính quyền đô thị xuất phát từ yêu cầu khách quan vừa cấp bách vừa lâu dài của TPHCM - một đơn vị hành chính được xếp loại đô thị đặc biệt.

Chính quyền đô thị ra đời nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước trên địa bàn, phù hợp với đặc điểm tính chất của đô thị và điều kiện vận hành của cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, xu hướng hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Chính quyền đô thị kế thừa và phát triển thành tựu, kinh nghiệm của hệ thống chính quyền địa phương, sẽ phát huy tốt tính năng động sáng tạo của địa phương; huy động cao nhất mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững, thúc đẩy xây dựng đô thị văn minh hiện đại, tạo sự công bằng trong hưởng thụ các dịch vụ đô thị.

Vấn đề đặt ra là nếu chúng ta không có đội ngũ cán bộ xứng tầm thì dù mô hình chính quyền đô thị có hay cỡ nào cũng không thể thành công được. Do vậy, một nhiệm vụ quan trọng là TP phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “vừa hồng, vừa chuyên”, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ, năng lực để phục vụ sự phát triển của thành phố, phục vụ nhân dân, đúng như bản chất của chế độ ta là của dân, do dân, vì dân. Chính quyền đô thị sẽ tháo các điểm nghẽn về cơ chế, nguồn nhân lực, tạo cơ sở pháp lý để huy động nguồn lực giải quyết đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

- Xin chân thành cảm ơn đồng chí.

Việc nêu gương sáng của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu để hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Trong thực tiễn công tác, nhiều đồng chí lãnh đạo các cấp đã nêu gương sáng trên các mặt như ý thức chấp hành các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tinh thần trách nhiệm trên lĩnh vực công tác được phân công phụ trách; ý thức phục vụ nhân dân; tự phê bình và phê bình; về phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác...

Không chỉ trong công tác, nhiều đồng chí còn nêu gương về đạo đức, lối sống của bản thân và gia đình. Chính điều này tác động đến tư tưởng, nhận thức và tình cảm của những người xung quanh, làm cho mọi người tự giác “làm theo” tấm gương Bác Hồ. Vì vậy, lãnh đạo ở cương vị càng cao thì càng phải thực sự gương mẫu, nói đi đôi với làm, tập trung khắc phục những khuyết điểm, yếu kém của cơ quan, đơn vị.

Tuấn Sơn thực hiện

Tin cùng chuyên mục