Cơ quan chống tham nhũng phải độc lập với hành pháp

Kỳ họp QH lần này dành rất nhiều thời gian để bàn về công tác phòng chống tham nhũng. PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Đỗ Văn Đương, ĐBQH TPHCM, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - người thường xuyên có những ý kiến thu hút sự chú ý của dư luận về phòng chống tham nhũng.

* Phóng viên: Thưa ông, tại sao phát hiện tham nhũng vừa qua của cơ quan chức năng phần nhiều ở cấp xã, huyện, còn ở cấp cao hơn đều phải nhờ tới nhân dân, báo chí?

* Ông ĐỖ VĂN ĐƯƠNG: Vì các cơ quan quản lý Nhà nước về kinh tế xã hội rất ít cung cấp tình hình, cơ quan điều tra thì không phải chỗ nào cũng vào được. Chủ yếu xử phạt trong lĩnh vực trật tự xã hội, xử phạt hành chính thông qua tội phạm xã hội. Trong lĩnh vực ngân hàng, phải là Ngân hàng Nhà nước vào cuộc; lĩnh vực công thương thì Bộ Công thương phải phát hiện. Đó là chưa kể nhiều lĩnh vực có tới mấy bộ quản lý, ví dụ an toàn vệ sinh thực phẩm dính tới 6 bộ, dễ khiến đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Vì thế, quan điểm của tôi là các bộ ngành phải cung cấp rõ tình hình tội phạm trong lĩnh vực quản lý của mình, nếu che giấu, trù dập người phát hiện, tố cáo sai phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều này phải sòng phẳng.

Xử lý tham nhũng thời gian qua mới chỉ là xử lý các vụ án vặt. Còn những đối tượng có chức vụ quyền hạn cao, nắm quyền, nắm vốn của Nhà nước, của doanh nghiệp, nhất là DNNN đáng phải xử nặng thì chưa làm được mấy.

* Tội phạm tham nhũng và tội phạm kinh tế rất gần nhau. Một số ĐBQH đề nghị có nghị quyết riêng về phòng chống tội phạm kinh tế, quan điểm của ông thế nào?

* Theo tôi, tội phạm kinh tế - tội phạm có chức vụ là một. Bất cứ ai có hành vi lấy tiền của người khác thông qua chức vụ, quyền lực của mình đều là tham nhũng.

* Ông có hy vọng QH thông qua nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm sẽ góp phần đẩy lùi tham nhũng?

* Có chứ. Sẽ góp phần quan trọng, vì việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ đánh vào tư tưởng con người. Con người ta sẽ phải thận trọng hơn, nghiêm túc hơn. phòng chống tham nhũng đòi hỏi nhiều biện pháp, lấy phiếu tín nhiệm sẽ là một trong các giải pháp hữu hiệu, vì nếu anh tham nhũng, anh sẽ bị đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, tức là có thể bị mất chức. Cho nên Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm chắc chắn có tác dụng, cũng giống như Nghị quyết TƯ 4 vừa rồi thực sự có tác dụng.

* Lần sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng này có đáp ứng yêu cầu của Công ước Liên hiệp quốc về phòng chống tham nhũng mà Việt Nam tham gia?

* Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi đã có sự cụ thể hóa nhiều quy định của Công ước phòng chống tham nhũng của Liên hiệp quốc. Ví dụ vấn đề kiểm soát thu nhập, kê khai tài sản, công khai một số lĩnh vực nhạy cảm thường xảy ra tham nhũng như hải quan, thuế, đất đai, ngân hàng, tổ chức cán bộ, trách nhiệm người đứng đầu… Về tổ chức phòng chống tham nhũng, trong công ước họ không quy định điều này. Họ chỉ nói phải bảo đảm tính công khai minh bạch trong sử dụng tài sản công, vì tham nhũng thường bắt nguồn từ quyền lực Nhà nước.

Cần phải có cơ quan chống tham nhũng độc lập với cơ quan hành pháp, kể cả thanh tra, kiểm toán cũng phải độc lập, để họ không bị chi phối, như thế chống tham nhũng mới hiệu quả được.

* Theo ông, Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi lần này đã đáp ứng được mong muốn của nhân dân về phòng chống tham nhũng?

* Do yêu cầu chính trị (đổi mô hình Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng từ Thủ tướng sang Tổng Bí thư) nên phải xử lý gấp việc sửa đổi luật; cộng với những bức xúc của nhân dân đòi hỏi phải minh bạch, công khai một số lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, trách nhiệm người đứng đầu, mở rộng diện phải kê khai tài sản; chuyển đổi vị trí công tác... nên lần này phải sửa một số điều bức bách. Công tác phòng chống tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, diễn biến trầm trọng, nhân dân hết sức bất bình nên Đảng, Nhà nước phải thể hiện quyết tâm, trước mắt là sửa luật. Đây mới chỉ là giải pháp tình thế, còn để sửa toàn diện, phải có thời gian nhiều hơn.

* Ông có hy vọng phòng chống tham nhũng trong năm tới sẽ chuyển biến?

* Kỳ này QH sẽ xem xét thông qua Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi, trong đó tạo điều kiện rất nhiều cho cơ quan phòng chống tham nhũng làm việc. Tôi tin chắc năm 2013 tình hình phòng chống tham nhũng sẽ có chuyển biến, đó cũng là đóng góp lớn của ĐBQH trong việc đã quyết liệt thông qua luật này. Cộng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Nghị quyết của TƯ Đảng, sự giám sát của các cơ quan dân cử, Đề án lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu và phê chuẩn... chắc chắn công tác phòng chống tham nhũng thời gian tới đây sẽ chuyển biến.

PHAN THẢO


Lập Quỹ phòng, chống tội phạm 

(SGGP).- Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định thành lập Quỹ phòng, chống tội phạm ở Trung ương và các tỉnh, thành để hỗ trợ công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy. Quỹ phòng, chống tội phạm của Trung ương giao Bộ trưởng Bộ Công an quản lý, điều hành. Quỹ phòng chống tội phạm cấp tỉnh do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quản lý, điều hành.

Quỹ phòng, chống tội phạm được hình thành từ các nguồn: tiền Việt Nam, ngoại tệ, tiền bán đấu giá tài sản, phương tiện, tang vật thu được (trừ các chất ma túy và những tang vật phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật), sau khi đã trừ đi các chi phí hợp lý theo quy định hiện hành về bán đấu giá tài sản (nếu có) từ các vụ án về hình sự và các vụ án về ma túy trên địa bàn các tỉnh, thành sau khi bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật.

Bên cạnh đó còn có các nguồn từ các khoản tài trợ, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy và nguồn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Nguồn hình thành Quỹ phòng chống tội phạm được trích 30% để thưởng cho các đơn vị, cá nhân trực tiếp truy bắt tội phạm, phát hiện điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, trích 30% cho Quỹ phòng, chống tội phạm Trung ương; trích 40% cho Quỹ phòng, chống tội phạm cấp tỉnh, nơi tòa án nhân dân xét xử sơ thẩm.

Quỹ này dành để hỗ trợ hoạt động truy quét các băng, ổ, nhóm tội phạm; hỗ trợ các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án điểm, trọng điểm; hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các bài thuốc cai nghiện, phục hồi chức năng cho người nghiện ma túy; hỗ trợ thân nhân những người hy sinh, những người bị thương tật, ốm đau do trực tiếp tham gia phòng, chống tội phạm... 

P.THẢO

Tin cùng chuyên mục