Hội nghị cán bộ toàn quốc về quy hoạch và luân chuyển cán bộ: Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu

Ngày 20-8, tại TPHCM, Ban Tổ chức Trung ương, được ủy quyền của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đã tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc triển khai Kết luận số 24-KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự và chỉ đạo hội nghị.
Hội nghị cán bộ toàn quốc về quy hoạch và luân chuyển cán bộ: Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu

(SGGP).– Ngày 20-8, tại TPHCM, Ban Tổ chức Trung ương, được ủy quyền của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đã tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc triển khai Kết luận số 24-KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự và chỉ đạo hội nghị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi cùng các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Việt Dũng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi cùng các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Việt Dũng

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, nhấn mạnh: Trong những năm gần đây, công tác quy hoạch cán bộ (CB) ở các bộ, ban, ngành, địa phương đã dần đi vào nề nếp, đạt được một số kết quả quan trọng.

Trong đó, nguồn quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý ở cấp huyện, cấp tỉnh và cấp bộ tương đối dồi dào. Trình độ đào tạo, cơ cấu ngành, tỷ lệ CB trẻ, CB nữ, CB dân tộc thiểu số đã có bước tiến bộ. Công tác luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng CB về cơ bản đã được thực hiện theo quy hoạch.

Về luân chuyển CB, đã góp phần đào tạo, rèn luyện, thử thách CB qua thực tiễn và tăng cường CB cho những nơi khó khăn, khắc phục một bước xu hướng cục bộ, khép kín, trì trệ của đội ngũ CB. Đồng chí Tô Huy Rứa cũng nhìn nhận những tồn tại, yếu kém mà Bộ Chính trị đã chỉ ra trong công tác quy hoạch và luân chuyển CB.

Đó là việc xây dựng và thực hiện quy hoạch CB ở một số địa phương, bộ, ngành chưa căn cứ chủ yếu vào đánh giá CB, chưa xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ và năng lực thực tiễn của CB, chưa gắn quy hoạch với đào tạo, bố trí, sử dụng CB, dẫn đến nhiều đề án quy hoạch còn hình thức, thiếu tính khả thi. Chất lượng quy hoạch CB chưa cao, chưa đồng đều và hầu hết đề án quy hoạch chưa có tầm nhìn xa, chưa bảo đảm cơ cấu ba độ tuổi.

Việc luân chuyển đào tạo CB ở không ít nơi dựa trên cơ sở đánh giá và quy hoạch CB; việc luân chuyển CB trong một ngành, giữa các ngành với nhau, giữa CB làm công tác Đảng, mặt trận, đoàn thể với quản lý Nhà nước nhìn chung còn ít, còn khép kín, còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu CB…

Các đại biểu tham dự hội nghị đã tập trung thảo luận kỹ về giải pháp thực hiện các chủ trương, định hướng về công tác CB nêu trong nghị quyết của trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị. Đồng thời cho ý kiến cụ thể vào các dự thảo bổ sung, sửa đổi quy định, hướng dẫn, nhất là những vấn đề liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác CB; về phân công, phân cấp quản lý CB; về tiêu chuẩn, tiêu chí, cách thức đánh giá CB; về bổ nhiệm, giới thiệu CB ứng cử; về bổ sung, sửa đổi hướng dẫn về quy hoạch, luân chuyển CB và các đề xuất quan trọng khác.

Chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Nghị quyết Trung ương 4 xác định 3 vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Trọng tâm, xuyên suốt cả 3 vấn đề cấp bách và cũng là đối tượng tác động của nghị quyết, chính là CB, đảng viên, trước hết là CB lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị. Chính vì vậy, bên cạnh các nhóm giải pháp thực hiện nghị quyết về giáo dục chính trị, tư tưởng, về tự phê bình và phê bình… là một khối lượng lớn nhiệm vụ thuộc về công tác tổ chức CB.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng đánh giá công tác này vẫn còn hạn chế, tồn tại. Đội ngũ CB cấp trung ương, cấp chiến lược quan trọng nhưng chưa được xây dựng một cách cơ bản. Tình hình đó đòi hỏi công tác xây dựng Đảng, trước hết là công tác CB cần phải được nghiên cứu, đổi mới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Quy hoạch CB là nhiệm vụ không thể không làm vì quy hoạch không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà để chuẩn bị cho các nhiệm kỳ sau. Kết quả thực tế cho thấy nhiều CB được luân chuyển qua 2 nhiệm kỳ vừa qua đã có bước trưởng thành từ thực tế của địa phương”. Tổng Bí thư cũng khẳng định, không phải CB nào qua luân chuyển cũng bổ nhiệm mà tùy thuộc vào kết quả hoạt động của CB qua luân chuyển thế nào thì mới bổ nhiệm.

Góp ý cụ thể vào các giải pháp thực hiện những chủ trương, định hướng về công tác CB, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý đây là những vấn đề mới, chẳng hạn nội dung đánh giá, chấm điểm CB; lấy ý kiến tín nhiệm CB… nên cần thảo luận kỹ lưỡng và thận trọng. Tổng Bí thư yêu cầu cần quán triệt quan điểm giai cấp trong công tác CB, đồng thời trên cơ sở đó phải có chính sách tập hợp rộng rãi CB, trọng dụng nhân tài của đất nước, mở rộng quan hệ quốc tế.

Công tác CB phải tiến hành theo nguyên tắc tập trung dân chủ; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu nhưng phải đặt trong mối quan hệ giữa tập thể theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong quá trình thực hiện phải có sự phân cấp, phân công chặt chẽ giữa các cơ quan. Đồng thời, phân công, phân cấp phải có giám sát, kiểm tra chặt chẽ công tác CB, qua đó cũng phải bảo vệ CB.

Tổng Bí thư lưu ý: cần hết sức chú ý về phương pháp tư tưởng, vấn đề nhận thức, quan điểm; những vấn đề có tính nguyên tắc về CB và công tác CB, trước hết là những vấn đề cơ bản; những quan điểm giữa đường lối chính trị và đường lối CB; giữa đức và tài; giữa kế thừa và phát triển; giữa sự quản lý thống nhất của Đảng với phát huy trách nhiệm của các cơ quan trong hệ thống chính trị; giữa thẩm quyền cá nhân và trách nhiệm tập thể; giữa phân cấp phân quyền và kiểm tra giám sát đồng thời phải xuất phát từ thực tiễn địa phương, đơn vị… Tránh cả hai khuynh hướng: xa rời nguyên tắc, lơi lỏng lãnh đạo, hạ thấp tiêu chuẩn CB và khuynh hướng bảo thủ hẹp hòi, không chịu đổi mới.

Hôm nay 21-8, hội nghị tiếp tục với phần thảo luận của các đại biểu.

Hồng Hiệp

Tin cùng chuyên mục