Cử tri TPHCM kiến nghị: Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm quyền lợi người dân

Xác định giá đất sát với trị thường
Cử tri TPHCM kiến nghị: Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm quyền lợi người dân

Hôm nay (20-5), kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khóa XIII khai mạc. Trước thềm kỳ họp, hàng loạt vấn đề nóng bỏng hiện nay  thuộc thẩm quyền của Trung ương được cử tri TPHCM kiến nghị giải quyết.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tiếp xúc cử tri quận 10. Ảnh: Việt Dũng

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tiếp xúc cử tri quận 10. Ảnh: Việt Dũng

Xác định giá đất sát với trị thường

Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cử tri cho rằng cần bổ sung các quy định cụ thể để phòng, chống tình trạng tham nhũng về đất đai. Thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai phải thông thoáng, thuận tiện cho người dân. Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng, việc tranh chấp, khiếu nại về đất đai hiện nay chủ yếu liên quan đến giá đất nên phải tháo gỡ được vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng qua việc làm rõ khái niệm thế nào là giá đất theo thị trường.

Cử tri đề nghị cần có cơ chế khả thi xác định giá đất sát với giá thị trường để áp dụng bồi thường cho người dân, như vậy mới đảm bảo được quyền lợi cho người bị giải tỏa di dời. Nhiều cử tri đề nghị không nên thu hồi đất đối với các dự án phát triển kinh tế xã hội và các dự án khai thác khoáng sản, mà phải áp dụng cơ chế trưng mua do quan hệ thị trường quyết định. Đối với việc xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất cần phân định rõ nếu do ngân sách nhà nước đầu tư thì thu hồi, nếu không do ngân sách nhà nước đầu tư phải thỏa thuận với người dân.

Một số cử tri cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định quyền của Nhà nước quá rộng, bao gồm quyền thu hồi, định giá đất và giải quyết tranh chấp, khiếu nại tố cáo trong đất đai. Do đó, cần thiết lập cơ chế giám sát thích hợp, hiệu quả, tăng cường vai trò giám sát của cơ quan dân cử, sự tham gia giám sát của nhân dân để tránh lạm quyền. Về nguyên tắc lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất (Điều 34), cử tri đề nghị Luật Đất đai cần quy định cụ thể việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải đảm bảo ưu tiên cho mục đích giáo dục và y tế.

Lo lắng trước tình hình biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp, cử tri đề nghị Nhà nước cần có những động thái quyết liệt hơn, đẩy mạnh công tác ngoại giao nhân dân, kiên quyết giữ vững độc lập chủ quyền biển đảo; tăng cường ngân sách cho an ninh quốc phòng, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển; quan tâm chăm lo đời sống, có giải pháp hỗ trợ cho ngư dân bám biến; tổ chức các lực lượng tuần tra trên biển nhằm kịp thời bảo vệ tài sản và tính mạng cho ngư dân. Tăng cường tuyên truyền trong nhân dân về chủ quyền biển đảo.

Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp ngoài nhà nước

Cử tri đề nghị Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát về công tác phòng, chống tham nhũng; công tác giải quyết khiếu nại tố cáo và kiến nghị của người dân; việc tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là việc tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại; công tác quản lý nợ công và đầu tư công; giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách của Nhà nước…

Cử tri TPHCM chỉ ra các chính sách vĩ mô còn thiếu hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp; nhiều chủ trương, chính sách của các bộ, ngành đưa ra không ổn định. Cử tri đề nghị cần tập trung ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cử tri phản ánh nhiều đến dự án khai thác bô xít tại Tây nguyên, mặc dù dư luận vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng các dự án Tân Rai (Lâm Đồng), Nhân Cơ (Đắk Nông) vẫn đang triển khai thực hiện. Do vậy, đề nghị Quốc hội cần sớm tiến hành giám sát các dự án này, đánh giá lại hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội của dự án; giám sát chặt chẽ việc tổ chức quản lý lao động người nước ngoài tại các dự án nhằm đảm bảo tình hình an ninh - trật tự xã hội.

Còn nhiều chính sách chưa hợp lòng dân

Cử tri cho rằng, công tác quản lý điều hành của Chính phủ trong thời gian qua chưa tốt. Nhiều chính sách đưa ra chưa phù hợp với lòng dân như việc phạt xe chính chủ, phạt người đội nón bảo hiểm không đúng chất lượng, hay vấn đề thu phí giao thông còn nhiều bất cập… “Điều đó cho thấy công tác tổ chức cán bộ chưa thật sự hiệu quả. Nhà nước cần xây dựng đội ngũ cán bộ công chức thật sự có tài, có đức đưa nước ta ngày càng phát triển toàn diện và bền vững”, cử tri kiến nghị. Đối với các tổ chức, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm phải tự phê bình và tiến hành kỷ luật theo đúng quy định. Cử tri cho rằng, hiện nay bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Do đó, cần tinh giản bộ máy nhưng đảm bảo hiệu quả công việc.

Cử tri tiếp tục đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần xem xét thật kỹ lợi ích và tác hại khi xây dựng thủy điện 6 và 6A tại Đồng Nai. Việc xây dựng hai dự án này ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của khu vực, đời sống người dân, đồng thời ảnh hưởng đến vùng hạ lưu, trong đó có TPHCM. Nhiều cử tri đề nghị không nên tiếp tục thực hiện dự án thủy điện 6 và 6A tại Đồng Nai nhằm bảo vệ môi trường tự nhiên.

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục