Loại cán bộ chạy chức, chạy quyền khỏi bộ máy

Ngày 17-8, các đồng chí: Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, đã chủ trì hội nghị cán bộ cấp cao nghỉ hưu góp ý cho đề án Chính quyền đô thị (CQĐT). Đa số ý kiến đồng tình cần mô hình quản lý mới nhằm thúc đẩy sự phát triển của TP; tuy nhiên để đề án mang tính thuyết phục cao cần có bước đi thận trọng và làm rõ thêm một số vấn đề…

Ngày 17-8, các đồng chí: Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, đã chủ trì hội nghị cán bộ cấp cao nghỉ hưu góp ý cho đề án Chính quyền đô thị (CQĐT). Đa số ý kiến đồng tình cần mô hình quản lý mới nhằm thúc đẩy sự phát triển của TP; tuy nhiên để đề án mang tính thuyết phục cao cần có bước đi thận trọng và làm rõ thêm một số vấn đề…

        Thiết kế rõ bộ máy chính quyền

Theo ông Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM, đã đến lúc từ Trung ương đến địa phương phải cải cách bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc, trùng lắp và kém hiệu quả. Nếu đứng trên tỷ lệ dân số người lao động làm ra của cải thì 30 người phải nuôi một cán bộ. Với một đất nước nghèo năng suất lao động thấp mà bộ máy biên chế quá lớn sử dụng tiền thuế của nhân dân thì còn đâu sức mà phát triển.

Nhấn mạnh sự bức thiết cần mô hình quản lý mới “cởi trói” để TPHCM phát triển đúng với tiềm năng, ông Võ Viết Thanh lập luận vấn đề không phải giành quyền hạn giữa Trung ương và TPHCM, nhưng nếu cơ chế gò bó quá mà không tăng tính tự chủ thì TP sẽ mất thời cơ, khó phát triển được. Đề án cần nghiên cứu hết sức trách nhiệm, cân nhắc và thận trọng để thực chất là phục vụ nhân dân. Để tăng thêm quyết tâm cho bộ máy hành chính, ông đề xuất ban soạn thảo nên đánh giá, tổng kết bộ máy nhà nước nói chung và TP nói riêng, phải nắm rõ được khuyết tật, nhược điểm của nó mới tạo được sự đồng tình trong cải cách. Trong đánh giá phải dám nói, dám đối diện với sự thật để biết được đảng bộ, chính quyền, hệ thống nhà nước có cái nào tốt, chưa tốt, mặc dù sự thật đó đau lòng đi chăng nữa thì cũng phải nói thẳng. Phê bình thật sự mới sửa được. Cũng cần nói rõ đây là đề án CQĐT chứ không tạo tâm lý thí điểm.

Nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo góp ý, khi nhấn mạnh đến những bất cập, ban soạn thảo cũng phải nói rõ nếu gỡ những điều vướng mắc đó thì TP sẽ phát triển mạnh hơn như thế nào. Về cơ cấu tổ chức bộ máy CQĐT, cần thiết kế cho rõ ràng, làm sao để không bị chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, nên nêu rõ sự phân cấp của bộ máy.

        Làm rõ vai trò của tổ chức Đảng

Ở khía cạnh khác, theo bà Hoàng Thị Khánh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, thì mô hình còn rất nhiều vấn đề phải bàn như vai trò của tổ chức Đảng như thế nào? Nên tính toán sự tồn tại giữa quận hay phường; 4 thành phố hoàn chỉnh thì tương đối rõ, nhưng 2 cấp quận và huyện còn chồng chéo, chưa rõ, cần gia công thêm.

Ông Tô Tử Thanh, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Định, nêu ra 4 nguyên tắc mà bộ máy chính quyền cần đảm bảo, bao gồm: tập trung, thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; gần dân, sát dân, giải quyết kịp thời các yêu cầu chính đáng về đời sống của người dân (như việc làm, ăn, ở, đi lại, học hành...) để đời sống người dân được tốt hơn; ổn định chính trị - kinh tế - xã hội, phát triển bền vững, không ảnh hưởng đến chỉ đạo điều hành công việc và không gây khó khăn cho người dân; kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng.

Liên quan đến việc thành lập 4 TP vệ tinh, ông Nguyễn Kỳ Cẩm, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh - Xã hội, cho rằng không nên gọi là “thành phố thuộc thành phố” mà nên gọi là “quận” để người dân thuận tiện trong giao dịch giấy tờ. Ông Lê Văn Dỹ, nguyên Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đề nghị nên có 3 - 4 nhóm viết đề án và nên có bộ phận phản biện mới có thể xây dựng đề án có tính tổng quát về chi phí, dự toán, tăng - giảm nhân sự...

Ủng hộ việc thực hiện đề án, nhưng bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, vẫn băn khoăn về việc TP liệu đã chuẩn bị đội ngũ cán bộ đúng chuẩn về trình độ, năng lực và thực tiễn đáp ứng yêu cầu hay chưa; dự trù kinh phí để tổ chức lại bộ máy lãnh đạo, quản lý và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị từ TP đến các quận - huyện mới mỗi năm là bao nhiêu...

Theo ông Võ Viết Thanh, cần nghiên cứu sâu về công tác cán bộ. Người cán bộ phải có đức, có tài và có bản lĩnh mới có thể “triệt” được nạn tham nhũng, chạy chức, chạy quyền. Ý kiến khác cũng cho rằng, nên gắn công tác tổ chức với công tác cán bộ. Để giữ được tâm và tầm của người cán bộ thì phải có chính sách đãi ngộ phù hợp. Việc xây dựng chính quyền là cốt để phục vụ cho nhân dân. Đừng để nhân dân hiểu rằng thêm một cấp thành phố trong thành phố là “hành dân” thêm một cấp.
 

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP, góp ý: Theo đề án, khu vực nội thành gồm 13 quận không có tổ chức cấp chính quyền hoàn chỉnh, chủ yếu nhằm mục đích thuận tiện cho quy hoạch xây dựng chỉnh trang đô thị là lý do không thuyết phục. Ngoài ra, đề án đề xuất thành lập 4 thành phố Đông, Tây, Nam, Bắc thể hiện rõ yêu cầu của lãnh đạo thành phố nặng về quy hoạch xây dựng. Điều đó chỉ đúng một phần mà chưa làm rõ yêu cầu bức xúc nhất hiện nay là làm giảm áp lực đổ xô vào nội thành.

VÂN ANH – ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục