Đạo diễn Ngô Thanh Vân: Thách thức với chính mình

Khởi nghiệp bằng nghề người mẫu, rồi ca sĩ, làm bà “bầu”, diễn viên, đạo diễn và nay là nhà sản xuất phim, có vẻ như không việc gì có thể cản bước người phụ nữ mảnh dẻ có biệt danh “đả nữ” - Ngô Thanh Vân. Khi thành công của bộ phim điện ảnh Tấm Cám - Chuyện chưa kể do cô làm đạo diễn còn chưa lắng dịu, Ngô Thanh Vân đã bắt tay chuẩn bị cho dự án phim điện ảnh mới Cô Ba Sài Gòn.

PHÓNG VIÊN: Cô Ba Sài Gòn có bối cảnh xưa - Sài Gòn những năm 1960, một lựa chọn khá mạo hiểm, chị có nghĩ như vậy không?

Diễn viên, đạo diễn NGÔ THANH VÂN: Thật ra phim không nhiều bối cảnh ngoại mà chủ yếu là cảnh nội, cảnh trong nhà, bởi câu chuyện phim xoay quanh hai gia đình, một là nhà may và gia đình còn lại là nhà buôn vải. Công nghệ kỹ xảo 3D sẽ hỗ trợ những phần còn lại. Đó là một trong những cách làm phim phổ biến hiện nay của Hollywood, họ hạn chế dùng cảnh thật và cảnh thật thường chỉ chiếm 30% dung lượng phim mà thôi. Họ đã đi rất xa trong cách làm phim này. Thời gian qua, tôi đã sang Mỹ để học nghề, chủ yếu là học về sản xuất phim và hiểu thêm về thị trường phim ở nước ngoài. Tôi có thể áp dụng ít nhiều những điều mình học được vào bộ phim này.

Làm phim có sử dụng nhiều kỹ xảo 3D ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa phổ biến và hiệu quả chưa cao. Chị có tự tin khi áp dụng công nghệ này vào phim của mình?

Trước đó, công nghệ này đã được sử dụng trong phim Tấm Cám - Chuyện chưa kể. Vấn đề là phải tìm được người làm tốt nhất. Khi bắt tay vào dự án phim Cô Ba Sài Gòn, chúng tôi đã tính toán ngay từ đầu, để chủ động từng cảnh quay, chứ không đợi quay xong mới tính. Việt Nam hiện nay có rất nhiều nhóm làm phim 3D rất giỏi, có đơn vị đã làm gia công cho cả nước ngoài, kể cả phim bom tấn. Theo tôi, trình độ và tài năng của người Việt Nam mình không thiếu, nhưng không có những phim mang tầm vóc đủ để các bạn ấy có cơ hội được chứng tỏ tài năng của mình. Tôi nghĩ, nhà sản xuất phải tìm được những phim hay, phù hợp để họ phô diễn tài nghệ.  

Cô Ba Sài Gòn thuộc phong cách xưa, nhưng hai đạo diễn lại là những gương mặt rất trẻ, lần đầu làm đạo diễn. Chị có lo lắng về độ chênh trong cảm thụ văn hóa giữa hai thế hệ, sẽ ảnh hưởng đến sự chân thực cần có của phim?

Key Nguyễn vừa là đạo diễn, vừa là biên kịch chính cho bộ phim này. Ngay từ khi lên ý tưởng cho phim, chúng tôi đã cùng bàn bạc với nhau để chọn lọc xem sẽ đưa đến cho khán giả những điều gì, hình ảnh thế nào, nhân vật ra sao? Thật sự, trong quá trình làm và phát triển kịch bản, tôi cũng đã cố gắng đi tìm nhân tố mới cho dự án này, nhưng với những người ấy, tôi không tìm thấy tiếng nói chung. Khi làm việc với Key, tôi thấy cô ấy là người rất mãnh liệt, đam mê với nghề và quan trọng là cô ấy rất yêu câu chuyện này. Key có 11 năm học mỹ thuật và biên kịch ở Mỹ, tôi nhìn thấy tiềm năng của cô ấy, nên quyết định đặt để dự án này vào tay Key, cũng là trao cho cô ấy cơ hội làm nghề. Nhưng Key thật ra chỉ sách vở thôi, chưa có thực tế, vì vậy tôi chọn thêm Lộc Trần. Lộc Trần đã làm phó đạo diễn cho rất nhiều phim, như: Tèo em, Ngày nảy ngày nay, Tấm Cám... Lộc Trần mạnh về kỹ thuật, đó là cái mà Key đang thiếu. Vì vậy, hai người sẽ bổ sung cho nhau. Dàn diễn viên trong phim cũng được tuyển chọn và tính toán kỹ.

Vốn được khán giả yêu mến với hình ảnh “đả nữ”, vì sao chị lại quyết định thay đổi hình tượng để trở thành một “yểu điệu thục nữ” trong bộ phim mới này?

Tôi luôn mặc áo dài ở những sự kiện quan trọng, như ngày mùng 1 Tết, khi đi thảm đỏ hay đi từ thiện... bởi tôi rất trân trọng tà áo dài. Mọi người thấy tôi trong hình ảnh “đả nữ” năng động, di chuyển dữ lắm, nhưng hễ mặc áo dài vào là ra ngay hình ảnh một người phụ nữ Việt Nam. Tôi yêu chiếc áo dài và hãnh diện về điều này. Những dự án của Công ty VAA sản xuất đều xuất phát từ sở thích của tôi. Cái gì mà tôi thích, tôi đam mê thì sẽ thành công, tôi tin thế. Có thể tôi không giỏi về làm phim, nhưng tôi thấy mình giỏi về thẩm mỹ, thời trang, màu sắc. Tôi nghĩ, thế mạnh của mình cộng với đam mê, sao mình không làm cái mà mình thấy tự tin? Và thế là Cô Ba Sài Gòn ra đời. Vì muốn làm tốt vai trò nhà sản xuất và còn phải lo lắng cho một vài dự án nữa, nên trong phim này, tôi chỉ tham gia một vai nhỏ, vai một người mẹ hiền lành. Tôi thích ý tưởng phim này lắm. Chúng tôi kỳ công đi tìm rất nhiều tư liệu, hình ảnh về con người, cách sống, cách xưng hô, kiểu quảng cáo của Sài Gòn những năm 1960. Tất cả được chúng tôi vận dụng vào bộ phim này, từ cách trang điểm, kiểu áo dài, cách chụp hình của các người đẹp thời ấy, cho đến cách dùng từ quảng cáo trên poster... Tôi còn thấy lạ lẫm và buồn cười với hình ảnh của chính mình trong bộ phim này. Nó có cái gì đó vừa sến sẩm, nhưng lại rất dễ thương.

Vừa qua chị có sang Hollywood để tham gia đóng một phim bên ấy, chị có thể cho biết vai diễn và bộ phim ấy không?

Vì những ràng buộc với nhà sản xuất nên tôi không thể nói gì về bộ phim này. Tôi chỉ có thể xác nhận, mình có tham gia trong một bộ phim của Hollywood, cũng một vai hành động và bộ phim này sẽ được chiếu tại Việt Nam trong thời gian tới đây

NHƯ HOA thực hiện

Tin cùng chuyên mục