Doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng như thế nào?- Bài 3: Giáo dục ý thức cộng đồng đối với doanh nghiệp

Bài 2: Thời của “công dân doanh nghiệp”
Doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng như thế nào?- Bài 3: Giáo dục ý thức cộng đồng đối với doanh nghiệp

(SGGP 12G).- Khái niệm “công dân doanh nghiệp” còn chỉ đến hình thức kinh doanh chủ yếu phục vụ cộng đồng mà có lẽ không điển hình nào bằng trường hợp Ngân hàng Grameen (tiếng Bangladesh có nghĩa “ngân hàng của những ngôi làng”) do tiến sĩ kinh tế Muhammad Yunus (Nobel Hòa bình 2006) thành lập…

Cách hành xử mang “đặc tính vì nhân loại” 
 

Doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng như thế nào?- Bài 3: Giáo dục ý thức cộng đồng đối với doanh nghiệp ảnh 1
Muhammad Yunus và ngân hàng vì người nghèo Grameen của ông

Tại Grameen, người ta có thể gõ cửa để vay vài đồng vốn nhỏ mua con bò sữa, đàn gà giống hoặc sử dụng dịch vụ điện thoại di động tại các làng xa với mức phí cực thấp nhằm giúp điều kiện liên lạc cho các doanh nghiệp thôn quê (đến nay, Grameen đã cho 6,6 triệu người nghèo vay với 97% là phụ nữ và cung cấp nhiều hình thức dịch vụ tại hơn 70.000 ngôi làng Bangladesh).

Có thể kể thêm nhiều trường hợp khác. Ngay từ lúc mới thành lập, Công ty Google đã dành 1% vốn kinh doanh cho phân nhánh từ thiện, dùng cho các dự án chẳng hạn cải thiện chất lượng nước sinh hoạt tại Kenya, xóa mù chữ tại Ấn Độ và giúp phát triển hàng hóa-dịch vụ cho hàng tỷ người sống với vài đô la/ngày (chương trình quy mô này được thực hiện với hợp tác từ quỹ đầu tư phi lợi nhuận Acumen Fund).

Acumen hiện đầu tư cho chương trình nhà trả góp giá thấp tại Pakistan cũng như trạm xá tại Kenya và dự kiến lập mạng xe cứu thương tư tại Ấn Độ, tất cả nhờ nguồn cung cấp lớn nhất trước nay từ Google (5 triệu USD) cho Acumen (thành lập năm 2001 với tài trợ hạt giống từ Tổ chức Rockefeller, Cisco Systems Foundation và ba nhà tư bản hảo tâm).

Trong thế giới ngày nay, càng hành xử mang “đặc tính vì nhân loại nhiều hơn”, công ty càng thể hiện họ là doanh nghiệp tốt. “Để có thể kiếm được lợi nhuận ngày nay cũng như trong tương lai, các công ty sẽ không thể tồn tại nếu họ không có trách nhiệm doanh nghiệp” - phát biểu của Alan Hassenfeld, chủ tịch Công ty Hasbro - “Bạn phải làm điều đúng” và rằng trách nhiệm cộng đồng cũng quan trọng như việc giữ chân khách hàng.

Sau tuyên bố hiến hàng chục tỷ đô la cho mục đích từ thiện của Bill Gates và Warren Buffett, tỷ phú Anh Richard Branson cũng xuất hiện tại Tổ chức Global Initiative (Sáng kiến toàn cầu; với một trong những mục tiêu là hạn chế hiệu ứng nhà kính toàn cầu; được sáng lập từ cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton), cùng lời hứa đóng góp 3 tỷ USD trong 10 năm.

Branson quan tâm đến môi trường cách đây chỉ 5 năm khi đọc quyển The Skeptical Environmentalist của Bjorn Lomborg. Thế là Branson thành lập Virgin Unite với mục đích tìm nguồn năng lượng thay thế. Nhà tỷ phú Anh còn dựng Trường Doanh nghiệp Branson tại Johannesburg, hợp tác với CIDA (một đại học miễn phí tại Nam Phi).

Hè 2006, Branson thậm chí tổ chức cuộc “họp nhóm” với tham dự của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, giáo sĩ Nam Phi Desmond Tutu (Nobel Hòa bình 1984) cùng cặp bài trùng Larry Page và Sergey Brin (đồng sáng lập Google) để bàn về nhiều vấn đề thế giới, từ hiện tượng nóng toàn cầu đến khai trừ bệnh AIDS…

Nâng tầm nhận thức ở góc độ giáo dục

Một tổ chức tên Reputation Institute từng yêu cầu hơn 30.000 người tiêu dùng từ 25 quốc gia “nêu tên một công ty tại nước bạn mà bạn tin rằng rất có trách nhiệm xã hội” (người tiêu dùng Nam Phi nêu Coca-Cola; dân Thụy Sĩ chọn nhà buôn lẻ Migros; khách hàng Nhật chọn Toyota…).

Cuộc khảo sát cho thấy thêm, công ty xây dựng được tên tuổi trong hoạt động xã hội ở nước ngoài còn nâng cao được hình ảnh quốc gia họ và công ty nào giúp cải thiện hình ảnh quốc gia họ ở nước ngoài cũng tạo dựng được tên tuổi trong nước - theo Charles Fombrun, giám đốc điều hành Reputation Institute.

Ví dụ điển hình là Nokia của Phần Lan. Cần nhấn mạnh, trách nhiệm với cộng đồng trước hết là lợi ích công ty. 43 tập đoàn đa quốc gia (Bayer, British Telecom, DuPont…) đã tiết kiệm được 11,6 tỷ USD năm 2005 khi cải thiện hiệu năng năng lượng, giảm chất thải và khai thác tốt hơn năng lượng mặt trời.

Trách nhiệm cộng đồng đối với hoạt động kinh doanh đang được nâng lên tầm nhận thức ở góc độ giáo dục. Đại học Columbia đang ở năm thứ ba của chương trình 5 năm cải tổ hệ thống giảng dạy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) với nội dung nhắm vào khái niệm.

Các chương trình CSR tương tự cũng đang xuất hiện tại nhiều đại học khắp Mỹ. Hiện thời, 54% trường kinh thương Mỹ đang yêu cầu tổ chức một khóa CSR, so với 45% năm 2003 và 34% năm 2001 - theo Viện Aspen.

Thậm chí một số trường kinh thương còn lập trung tâm riêng chuyên giảng dạy CSR. Năm 2003, Trường Haas thuộc Đại học California-Berkeley thành lập Trung tâm doanh nghiệp trách nhiệm. Và năm 2006, Đại học George Washington cũng khánh thành Viện trách nhiệm doanh nghiệp, nơi chuyên đào tạo các giáo sư kinh thương về CSR để họ có thể truyền thụ lại cho sinh viên.

78% sinh viên MBA Mỹ đều đồng ý rằng chủ đề CSR nên được đưa vào chương trình giảng dạy và 60% tin rằng CSR sẽ làm cho doanh nghiệp và kinh doanh trở nên có ý nghĩa hơn chứ không chỉ toát lên đầy mùi tiền và thể hiện tư duy “vun vén” của thiểu số - theo khảo sát từ Net Impact.

Đại học Stanford thậm chí áp dụng chương trình Service Learning (từng là môn tự chọn bây giờ trở thành bắt buộc), trong đó sinh viên phải đến quốc gia nào đó (lưu lại không tới 90 ngày), tự thiết kế chương trình học riêng nhưng tập trung vào ý tưởng rằng vai trò họ như thế nào trong thế giới doanh nghiệp.

Tại Thái Lan và Campuchia, sinh viên Stanford gặp các doanh nghiệp đang tìm kiếm giải pháp cho vấn đề bệnh lây nhiễm tình dục và AIDS; tại Guatemala, họ tai nghe mắt thấy các vấn đề liên quan giữa trồng cà phê và gìn giữ môi trường; quan hệ giữa nhà sản xuất địa phương và người tiêu dùng thế giới… .

LÊ THẢO CHI

Thông tin liên quan

- Bài 2: Thời của “công dân doanh nghiệp”

- Bài 1: Tiêu điểm “trách nhiệm” trong kinh doanh thế kỷ 21

Tin cùng chuyên mục