Giao lưu “Nửa thế kỷ - một mùa xuân”: Tri ân sự hy sinh cao đẹp

Nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968 - 2018), sáng 13-1, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TPHCM tổ chức buổi họp mặt, giao lưu “Nửa thế kỷ - một mùa xuân” với các nữ cựu quân nhân, cựu chiến binh.  
 Lãnh đạo TPHCM cùng các đại biểu tham dự buổi giao lưu
Lãnh đạo TPHCM cùng các đại biểu tham dự buổi giao lưu
Buổi gặp gỡ càng thêm ấm áp khi có sự hiện diện của các đồng chí: Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước; Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM; Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM cùng các mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nữ cựu quân nhân, cựu chiến binh tham gia chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968. 
Bùi ngùi nhớ lại những tháng ngày lịch sử hào hùng của dân tộc với cảm xúc dâng trào, đồng chí Thân Thị Thư chia sẻ: “Giờ phút này tôi vô cùng xúc động, 50 năm trước tôi còn rất nhỏ nhưng không thể nào quên những trận đánh, tinh thần bất khuất của quân và dân ta trong chiến dịch Xuân Mậu Thân”.
Đồng chí Thân Thị Thư kể rằng, mình được may mắn khi sinh ra và lớn lên trong xóm nghèo lao động Bảy Hiền, vùng lõm chính trị. Nhớ như in trong căn gác ọp ẹp của gia đình, đồng chí được bưng cơm cho một người thanh niên và sau này mới biết đó là chú Trần Trọng Tân (chú Hai Tân). “Trong trí nhớ non nớt của mình, tôi không thể nào quên hình ảnh anh giải phóng quân với chiếc nón tai bèo, đôi dép cao su, cầm súng đi trên đường phố. Rồi khi nhìn thấy 3 anh giải phóng quân hy sinh nằm trên góc phố và người dân khu vực Bảy Hiền đã lặp miếu thờ các anh, tôi không khỏi bùi ngùi”. 
Dù khi ấy, bản thân còn rất nhỏ, nhưng đồng chí Thân Thị Thư đã biết cùng các mẹ, các dì, các chị thuộc các con đường khu Bảy Hiền để có thể ra ám hiệu cho các chiến sĩ cách mạng. 
Một hình ảnh mà đồng chí Thân Thị Thư không bao giờ quên đó là cái buổi sáng chiếc xe cảnh sát chở cô gái trẻ đến khu phố hỏi có ai biết người này không, tất cả bà con, kể cả đồng chí đều trả lời không biết. Nhìn cô gái bị đánh trên đường phố, đồng chí Thân Thị Thư không khỏi đau lòng, căm phẫn. Và khi hòa bình, đồng chí Thân Thị Thư biết đó là cô Hoàng Thị Khánh, một người cựu tù chính trị kiên cường. 
Đồng chí Thân Thị Thư cho rằng, có lòng dân là có tất cả, bởi không có căn cứ nào đủ sâu, căn hầm nào đủ dài để che chở chiến sĩ, mà chỉ có lòng dân mới đủ sức nuôi nấng, chở che những người con ưu tú dám hy sinh thân mình cho Tổ quốc hôm nay. 
Trao đổi riêng với phóng viên Báo SGGP, bà Hoàng Thị Khánh kể tiếp câu chuyện của đồng chí Thân Thị Thư: “Trận đó chúng bắt được tôi khi đang hoạt động tại cửa Tây chợ Bến Thành. Vì giấy khai sanh ghi tôi người Quảng Nam, 16 tuổi nên chúng bắt về khu vực Bảy Hiền, nơi có nhiều người dân miền Trung sinh sống để nhận dạng. Khi ấy tôi nhỏ xíu, đen thui, chúng đánh tôi dã man, nhưng tôi không khai gì và bà con nơi đây cũng nói không quen biết tôi”. Với bà Khánh, sự tra tấn của địch có hề chi so với việc bản thân chứng kiến những đồng đội ngã xuống, mà có người còn nguyên tư thế quỳ ngắm bắn. 
Buổi giao lưu “Nửa thế kỷ - một mùa xuân” còn đong đầy cảm xúc khi nghe dì Chín Nghĩa - người tham gia cuộc tấn công vào Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất) bùi ngùi nhớ lại trận đánh lịch sử và lý do bà tham gia cách mạng. “Lần đó, địch đến quê tôi Củ Chi, sự tàn ác của giặc diễn ra trước mắt khiến tôi vô cùng phẫn nộ. Khi ấy có một chị bế đứa con nhỏ trên tay, chúng nhẫn tâm lôi đứa trẻ ra khỏi vòng tay mẹ trong tiếng khóc thất thanh. Chính hình ảnh ấy đã thôi thúc tôi theo cách mạng” - dì Chín Nghĩa đưa tay lau những giọt nước mắt. Chính sự căm phẫn ấy, mà trong những trận đánh ác liệt, dù lực lượng của địch hơn ta trăm lần, dì Chín Nghĩa và đồng đội cũng quyết chiến đấu đến cùng. 
Cả khán phòng lặng đi khi nghe đại tá Trần Thế Tuyển (nguyên Tổng Biên tập Báo SGGP) đọc những vần thơ dành tặng nữ chiến sĩ anh hùng Chín Nghĩa. Và những cái ôm, cái bắt tay siết chặt của những đồng đội ngày xưa trong trận đánh Mậu Thân đã giúp buổi gặp gỡ càng thêm ý nghĩa. 
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Chủ tịch Hội LHPN TPHCM, buổi họp mặt là dịp để cùng nhìn lại và trân trọng quá khứ, cảm phục ý chí, bản lĩnh của toàn Đảng, toàn quân và dân ta. Thắng lợi to lớn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đánh dấu một bước phát triển mới, là biểu tượng sáng ngời về ý chí cách mạng quật cường của quân và dân ta. Xin được tri ân sự hy sinh và những chiến công của các dì, các chị, cô chú. Hôm nay cho đến mãi sau chúng con vẫn ghi nhớ, biết ơn và vô cùng tự hào. 

Tin cùng chuyên mục