Nhà trường tắc trách, sinh viên lãnh đủ

Thi tốt nghiệp xong vẫn bị nợ môn
Nhà trường tắc trách, sinh viên lãnh đủ

Hàng trăm sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn từ rớt tốt nghiệp thành đậu, nhiều sinh viên bị mất điểm phải đóng tiền học lại. Nghiêm trọng hơn, chỉ trong một khoa có đến hơn 700 sinh viên bị tạm ngưng và buộc thôi học. Liệu nguyên nhân do tắc trách hay vì tuyển vượt  chỉ tiêu quá nhiều nên trường đã tìm đủ mọi cách “giữ chân” sinh viên?

Trụ sở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn tại quận Gò Vấp. Ảnh: T.HÙNG

Trụ sở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn tại quận Gò Vấp. Ảnh: T.HÙNG

Thi tốt nghiệp xong vẫn bị nợ môn

Nhiều sinh viên khóa 2 (2007-2010) đã thi xong tốt nghiệp và đang chờ ngày nhận bằng, đột nhiên phòng đào tạo lại lên danh sách thông báo bị nợ môn và phải đóng tiền học lại. Theo sinh viên M.Q. học ngành Việt Nam học: “Để được thi tốt nghiệp, tôi đã được khoa, phòng đào tạo kiểm tra và không có môn nào có điểm trung bình dưới 5,0. Tuy nhiên, không hiểu sao, khi tôi có kết quả đậu tốt nghiệp và chờ nhận bằng vào ngày 12-11 thì phòng đào tạo lại thông báo tôi còn nợ môn tiếng Việt”. Quá bức xúc, sinh viên Q. đã 3 lần cầm bảng điểm lên gặp thầy hiệu trưởng 3 lần để trình bày sự việc nhưng cuối cùng cũng chỉ nhận được lời hứa. Ngoài trường hợp của sinh viên này, rất đông sinh viên ở các khoa khác và đặc biệt là khoa du lịch cũng rơi vào cảnh dở khóc dở cười này. 

Không chỉ sinh viên sắp ra trường mà nhiều sinh viên đang theo học khóa 3 (2008-2011) và khóa 4 (2009-2012) cũng gặp cảnh ngộ nói trên. Một sinh viên học ngành Quản trị - khách sạn - nhà hàng phàn nàn: “Em bị mất điểm đến 2 lần ở môn lịch sử và bài thuyết trình theo nhóm (đã gửi email cho giảng viên bộ môn) để lấy điểm giữa kỳ... nhưng cuối cùng nhiều nhóm bị điểm 0 giữa kỳ, phải thi lại lần hai. Đáng nói hơn, khi giảng viên bộ môn “chữa cháy” cho các nhóm mất điểm bằng cách gửi file bài thuyết trình để cô bổ sung điểm thì vẫn có sinh viên bị phòng đào tạo cho điểm 0".

Và cứ như thế, chuyện mất điểm không chỉ là một vài trường hợp hy hữu mà đã trở thành chuyện hàng ngày ở trường này. Theo phản ánh của nhiều sinh viên, trong quá trình nhập điểm, trường thường bỏ sót tên và vì thế hàng loạt sinh viên bị nợ các môn như kinh tế du lịch, lịch sử, giáo dục thể chất... Có lẽ nếu như các khoa, phòng đào tạo của trường sớm có hướng giải quyết thiếu sót của mình nhằm đảm bảo quyền lợi cho sinh viên thì sẽ không gây bức xúc trong sinh viên.

Hành trình xin điểm của sinh viên cũng thật gian nan: Sinh viên lên phòng đào tạo làm đơn xin giải quyết nhưng lần nào nhân viên cũng hẹn... Thậm chí nhân viên nhận đơn khiếu nại điểm của sinh viên rồi quên luôn. Trường cho rằng hết hạn khiếu nại điểm, không giải quyết, cho đến cận ngày thi lại ra thông báo bắt sinh viên đóng tiền học lại.

Sự việc càng trở nên căng thẳng đến khi sinh viên và phụ huynh cùng kéo lên trường để hỏi rõ vụ việc, nhà trường mới cam kết giải quyết.

Nguyên nhân do đâu? 

Theo thông tin mà chúng tôi có được, khóa 2 (2007-2010) có 1.075 sinh viên và thi đậu tốt nghiệp có 741 sinh viên. Còn lại 334 sinh viên bị đánh rớt. Tuy nhiên, theo ông Lê Đại Hưng, Phó Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, mới đây, sau khi trường rà soát và xem xét lại, có hơn 100 sinh viên được đậu tốt nghiệp lần 2. Như vậy, cả trăm sinh viên bị rớt tốt nghiệp rồi lại đậu là có vấn đề. Ngay bản thân ông Hưng cũng cho biết: “Tôi là người làm ở phòng đào tạo lâu nhất trường từ đầu năm 2010 đến giờ nên nhiều vấn đề các nhân viên sau này không nắm rõ”.

Trong khi đó, giải thích về vấn đề tại sao rất nhiều sinh viên liên tục bị sót điểm hoặc vào sai điểm, bà Nguyễn Thị Viễn, đại diện thanh tra nhà trường, cho biết: “Trường hợp trên chủ yếu nằm ở khoa du lịch. Nguyên nhân là do các em chuyển lớp này đến lớp khác nên khoa, phòng đào tạo quản lý không nắm hết (?). Còn ở các khoa khác tình trạng sai sót điểm rất ít”.

Một điều khó hiểu nữa là có trên 700 sinh viên tại khoa du lịch bị tạm dừng và buộc thôi học. Trong khi đó, đối với các khoa khác, tình trạng buộc tạm dừng, thôi học rất ít. Lý giải về vấn đề tại sao khoa du lịch có quá nhiều sinh viên bị buộc thôi học (trên 300 sinh viên), ông Hưng cho rằng: “Đây chỉ là thông báo chứ nhà trường chưa ra quyết định đuổi học, trả về địa phương”. Tuy nhiên, theo một diễn biến khác, số sinh viên này đã “tự nguyện” làm đơn xin được chuyển xuống học hệ trung cấp chuyên nghiệp của trường.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực tế sinh viên hoàn toàn không tự nguyện mà trường buộc trong thời gian từ ngày 11-10 đến hết tháng 10 (tức ngày 31-10) nếu không đăng ký, nhà trường sẽ ra quyết định buộc thôi học gửi về gia đình và địa phương.

Trong khi đó, đối chiếu kết quả học tập giữa học kỳ I và học kỳ II của nhiều sinh viên bị tạm dừng và buộc thôi học có sự chênh lệch quá lớn. Nhiều sinh viên có kết quả học tập học kỳ I từ 6,0 – 7,5 điểm trở lên nhưng khi sang học kỳ II chỉ có từ 0-2 điểm. Mặt khác, trường này liên tục tuyển vượt chỉ tiêu trong vài mùa tuyển sinh gần đây: Năm 2008 trường được giao 1.500 chỉ tiêu nhưng thực tế tuyển hơn 4.000 sinh viên, năm 2009 chỉ tiêu 1.900 nhưng tuyển đến 2.224 sinh viên…

Và với cách làm trên, dư luận đang đặt vấn đề phải chăng vì tuyển vượt chỉ tiêu quá nhiều nên nhà trường đã tìm nhiều cách để “giữ chân” sinh viên.

Thanh Hùng

Tin cùng chuyên mục