Các trường Đại học – Cao đẳng: Báo cáo hay, làm chưa tốt...

* Sẽ cải tiến công tác tuyển sinh Đại học - Cao đẳng

* Sẽ cải tiến công tác tuyển sinh Đại học - Cao đẳng

(SGGPO).- Sáng nay, 1-9 tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị tổng kết năm học 2009-2010 khối các trường Đại học - Cao đẳng. Đại diện gần 400 trường Đại học - Cao đẳng trong cả nước đã về dự hội nghị và xới lên nhiều vấn đề nóng của giáo dục đại học-vốn đang là mối quan tâm đặc biệt của xã hội hiện nay.

Đại diện các trường Đại học đều cho rằng, nâng cao chất lượng giáo dục là vấn đề cốt tử nhất của giáo dục Đại học - Cao đẳng hiện nay. Muốn bảo đảm nâng cao chất lượng thì phải bảo đảm đủ các yếu tố: nguồn nhân lực của trường, điều kiện cơ sở vật chất-kinh phí và đổi mới công tác quản lý, trong đó khâu cán bộ, giảng viên đặc biệt quan trọng.

Các trường công lập vẫn kêu ca học phí hiện nay quá thấp chưa đủ để chi cho đào tạo; trong khi đó các đại học ngoài công lập cho rằng, phân bổ ngân sách cho giáo dục đại học hiện nay bất bình đẳng. Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội Hoàng Văn Điện cho hay hiện nay mỗi năm trường được Nhà nước cấp cho 14 tỷ đồng, trong đó thực cấp chỉ khoảng 2 tỷ vì 12 tỷ còn lại nhà trường phải dành để cấp học bổng và chi trả học phí cho đối tượng chính sách theo quy định. TS. Nguyễn Đình Ngộ, Hiệu trưởng Đại học dân lập Phú Xuân (Huế) mong  chỉ cần được Nhà nước cấp cho 1 phần như Đại học Công nghiệp cũng thấy mừng vì thực ra, Đại học ngoài công lập phải tự xoay xở từ đầu đến cuối. Vấn đề kinh phí, do đó vẫn là điều mà các trường Đại học - Cao đẳng luôn  bức xúc và đề nghị Bộ Giáo dục – Đào tạo phải có cơ chế giao tự chủ cho các trường rộng rãi hơn.

Cũng tại hội nghị sáng nay, đại diện một số trường ngoài công lập đề nghị Bộ Giáo dục – Đào tạo bỏ điểm sàn Đại học – Cao đẳng để các trường dễ tuyển sinh hơn. Các trường ngoài công lập cũng đề nghị được hỗ trợ nhiều hơn về khâu đất đai, thuế.. để tự chủ hơn trong hoạt động, nâng cao chất lượng đào tạo.

Trong khi đó các trường công lập đề nghị không cần thiết phải có Hội đồng trường vì “hữu danh vô thực”. Nhiều ý kiến cùng chung đề nghị: Bộ Giáo dục – Đào tạo phải trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường trong hoạt động, cả về tuyển sinh, tài chính lẫn xây dựng cơ sở vật chất. Họ cũng cho rằng không thể bỏ điểm sàn để bảo đảm chất lượng đầu vào.

Trước bức xúc của các  trường, lãnh đạo Bộ Giáo dục – Đào tạo và các đơn vị Cục, vụ chức năng đã giải trình lại nhiều vấn đề. Bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục – Đào tạo nói: các trường đều báo cáo hay, nhưng thực tế thì cũng cần xem lại.

“Để chuẩn bị cho hội nghị tổng kết năm học 2009-2010 và triển khai nhiệm vụ năm học 2010-2011, Bộ đã 2 lần gửi công văn yêu cầu các trường nộp báo cáo tổng kết, nhưng sau 2 lần gửi công văn, đến hết ngày 15-8, Bộ cũng chỉ nhận được 159 báo cáo tổng kết năm học của các trường Đại hoc- Cao đẳng (đạt xấp xỉ 40% so với tổng số trường cả nước). Điều này chắc chỉ xảy ra ở Bộ Giáo dục – Đào tạo”, bà Hà bức xúc.

Bà Hà cho rằng, các trường luôn đề nghị Bộ phải trao quyền tự chủ nhiều hơn nữa, “tự chủ nhưng nếu các trường không báo cáo thì làm sao Bộ giám sát được”. Đó là chưa kể hàng lọat vấn đề đã được Bộ yêu cầu triển khai nhưng đến nay các trường vẫn rất ì ạch. “Chuẩn đầu ra đến nay vẫn còn rất nhiều trường chưa hoàn thiện. Yêu cầu chuyển sang đào tạo tín chỉ thì đến nay cũng mới chỉ có 42 trường chuyển đổi. Nhiều trường chỉ nói miệng, không làm”, bà Hà cho biết.

Ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng cho hay, nhiều trường đã được giao quyền tự chủ nhưng vẫn không làm tốt, nên dù đã được giao nhưng không biết hoặc khi có việc lại “đá quả bóng” lên Bộ.

Trong khi đó, hầu như hội nghị nào về giáo dục đại học, các trường cũng yêu cầu phải được tự chủ nhiều hơn. Phát biểu về việc giao quyền tự chủ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Bùi Văn Ga nói: “Cần tránh tình trạng quyền thì trường nhận còn trách nhiệm thì đổ lên Bộ” .

Sẽ cải tiến công tác tuyển sinh Đại học – Cao đẳng

Một thông tin đáng chú ý tại hội nghị sáng nay là công tác tuyển sinh Đại học năm 2011 sẽ tiếp tục cải tiến thi cử theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, để giảm áp lực, giảm căng thẳng, tốn kém, bảo đảm quyền lợi và công bằng cho thí sinh. Trong năm 2010-2011, Bộ sẽ tổ chức hội thảo chuyên đề về tuyển sinh và tham khảo ý kiến rộng rãi các Trường, các Sở Giáo dục – Đào tạo và trong toàn xã hội để xác định phương thức tuyển sinh hợp lý cho những năm sắp tới. Cũng có thể thi Đại học – Cao đẳng sẽ không tổ chức thành 3 đợt như hiện nay mà chỉ còn một đợt.

Từ năm 2011, Bộ khuyến khích các trường Đại học, đặc biệt là các trường Đại học tốp đầu giảm dần quy mô đào tạo hệ vừa làm vừa học; giảm dần chỉ tiêu đào tạo các trình độ dưới Đại học, tăng cường các điều kiện mở rộng quy mô đào tạo sau đại học và nâng cao chất lượng đào tạo Đại học chính quy.

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục