Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Tôi không tạo dấu ấn cá nhân

Trước thềm năm học mới 2010-2011, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã trao đổi với báo chí một số vấn đề liên quan. PV Báo SGGP ghi lại một số nội dung cuộc trao đổi này.

Trước thềm năm học mới 2010-2011, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã trao đổi với báo chí một số vấn đề liên quan. PV Báo SGGP ghi lại một số nội dung cuộc trao đổi này.

- PV: Việc cải thiện đời sống giáo viên luôn là vấn đề được ngành giáo dục quan tâm, năm học này có gì mới không thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng PHẠM VŨ LUẬN: Vấn đề lương nằm trong bối cảnh chung của chính sách lương của Nhà nước, không chỉ ngành giáo dục. Tất cả những đặc thù riêng của các thầy cô, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, hay các cô giáo bậc mầm non thì chúng tôi có trao đổi thảo luận với cơ quan có liên quan, đang trong quá trình nghiên cứu. Riêng phụ cấp cho GV đang được bàn cụ thể, có nhiều thuận lợi và sự ủng hộ của các cơ quan có thẩm quyền, có thể sẽ được triển khai sớm.

- Làm thế nào để giải quyết nạn dạy thêm, học thêm tràn lan, lạm thu, học lệch và học để đối phó với thi cử? Bộ trưởng có chọn vấn đề nào giải quyết dứt điểm trong nhiệm kỳ của mình để tạo dấu ấn ?

- Đối với tất cả những hiện tượng không lành mạnh, trái với bản chất giáo dục, chúng ta đều phải ngay lập tức đấu tranh để chấm dứt. Trong những vấn đề nhức nhối nêu trên, có những vấn đề chung của nền giáo dục cả nước, có những vấn đề cần được giải quyết theo thực tế mỗi địa phương. Ví dụ như tình trạng học thêm tràn lan chỉ diễn ra ở thành phố, đô thị. Còn ở nông thôn, nhiều nơi có tổ chức học thêm nhưng không thu tiền. Tôi đã chứng kiến tận mắt không ít thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa không chỉ dạy thêm không thu tiền, mà còn nhường cơm, dành tiền của mình cho học sinh… Bộ sẽ cùng các sở GD-ĐT, các trường cùng xem xét, căn cứ thực tế để chọn vấn đề ưu tiên cần giải quyết nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh.

Tôi không nghĩ đến việc tạo dấu ấn của cá nhân mình. Mục tiêu của tôi là cùng với các đồng chí trong ngành triển khai những nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội giao cho. Trong sự tiếp nối công việc đã làm, những gì đã làm tốt cần được phát huy, những gì làm chưa tốt sẽ phải khắc phục nhanh chóng.

- Năm học này cũng là năm áp dụng chế độ học phí mới, liệu có gây áp lực cho người dân?

- Việc xác định học phí ở các bậc học phổ thông theo quy định hiện hành do HĐND cấp tỉnh quyết định cho phù hợp với điều kiện địa phương, trên cơ sở khung học phí đã được Chính phủ thông qua.

Chính phủ đã tính toán để mức học phí mới không gây áp lực cho người học, nhất là ở vùng khó khăn. Trong hệ thống các trường công lập, nhìn chung mức thu học phí sẽ không vượt quá 5% thu nhập của hộ gia đình. Ở những vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, thậm chí học sinh đi học không phải đóng học phí mà còn được ngân sách Nhà nước cấp thêm tiền để mua sách vở, đồ dùng học tập.

- Đây cũng là năm học khởi đầu của những dự án “ngàn tỷ” cho 10 năm: Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (kinh phí là 14.600 tỷ đồng); thí điểm dạy và học ngoại ngữ theo chương trình mới (9.738 tỷ đồng); Đề án phát triển trường THPT chuyên (hơn 2.300 tỷ đồng). Với số tiền lớn như vậy, ông có băn khoăn, lo lắng điều gì không?

- Các dự án này đã được chuẩn bị và cân nhắc kỹ không chỉ trong ngành giáo dục mà còn được thảo luận ở Chính phủ và Quốc hội. Do vậy, với câu hỏi có băn khoăn gì không, tôi trả lời là không băn khoăn. Còn với câu hỏi có lo lắng không thì tôi thừa nhận là: Có. Lo lắng khi chưa được quan tâm đầu tư thì không đủ nguồn lực để thực hiện và phát triển. Khi đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư thì phải lo phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương quản lý chặt để đồng tiền của nhân dân mang lại hiệu quả cao nhất.

- Tình trạng lạm thu ở các nhà trường đến nay rất phổ biến, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM. Bộ GD-ĐT có giải pháp gì để chấn chỉnh?

- Dư luận rất lên án việc này. Nhưng rất nhiều người dù lên án nhưng vấn tiếp tay cho việc này. Tức là với tư cách công dân thì phản ứng nhưng với tư cách phụ huynh thì họ lại rút hầu bao và nộp rất nhanh. Cho nên cần một nhận thức thống nhất, một hành động thống nhất chung của toàn xã hội, trong đó có hành động của bộ, của địa phương, của phụ huynh và của các nhà báo nữa. Khi trong một lớp có 40 học sinh mà có 35 - 37 phụ huynh không đóng thì vấn đề sẽ khác. Tôi cũng mong các phụ huynh thống nhất mục tiêu, cách tiếp cận để có hành động đúng vì cái chung, trong đó có con em mình. Đừng vì cái lợi trước mắt của con em mà làm tiêu cực tồn tại dai dẳng.

- Theo Bộ trưởng, bức tranh giáo dục sắp tới như thế nào?

- Tôi nghĩ phải tươi sáng hơn.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

PHAN THẢO ghi

Con đầu của tôi học đại học năm 4, cháu thứ 2 đang học THCS. Năm ngoái cháu học trường dân lập, năm nay vào trường công lập. Tôi không quan tâm trường công hay trường tư mà quan tâm đến trường gần nhà, vì chúng tôi không có điều kiện đưa đón. Do đó những điều chia sẻ của tôi về việc lạm thu không phải là “phán từ trên”, mà tôi nói ở góc độ phụ huynh đang có con theo học. Những gì trăn trở của tôi, không chỉ với cương vị của người quản lý mà là cương vị của một người cha có con theo học ở bậc học phổ thông.

(Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận)

Tin cùng chuyên mục