Tiếng Anh ở bậc tiểu học - Thiếu đồng bộ, thừa băn khoăn

Tiếng Anh ở bậc tiểu học - Thiếu đồng bộ, thừa băn khoăn

Hiểu rõ lợi ích học ngoại ngữ thời hội nhập quốc tế, những năm gần đây, phụ huynh ở TPHCM luôn quan tâm, đầu tư cho con học tiếng Anh từ độ tuổi mầm non đến cấp 1. Tuy nhiên, bên cạnh nỗi lo chọn trường cho con vào lớp 1, nhiều phụ huynh phân vân không biết chọn chương trình tiếng Anh nào phù hợp với năng lực của trẻ cũng như khả năng tài chính của gia đình.

  • Chọn chương trình nào phù hợp?

Chị Thanh Hương nhà ở quận Bình Tân TPHCM có con chuẩn bị vào lớp 1 năm học này do dự không biết đầu tư cho con học tiếng Anh sao cho hiệu quả, ít tốn kém. Sau khi tham khảo 3 chương trình tiếng Anh đang triển khai tại các trường tiểu học ở TPHCM gồm: tiếng Anh tăng cường (TATC), tự chọn, theo đề án của Bộ GD-ĐT (gọi tắt là đề án 2020), chị cảm thấy lưỡng lự. Như nhiều phụ huynh khác, chị muốn con mình được học trong lớp học có sĩ số ít, tối đa 35 học sinh nên muốn chọn chương trình TATC. Tuy nhiên, chị lại lo lắng: “Nếu cho con học TATC nhưng đến lớp 3 hoặc lớp 4-5 mà cháu không qua được kỳ thi YLE (Cambridge English Young Learners) để lấy bằng Starters, Movers, Flyers theo chuẩn đánh giá trình độ học tiếng Anh bậc tiểu học thì cháu sẽ bị ra khỏi chương trình này hay sao? Dù học tiếp lớp tiếng Anh tự chọn hoặc theo đề án, ít nhiều trẻ cũng bị xáo trộn…”.

Chuyên gia nghiên cứu giảng dạy tiếng Anh hướng dẫn triển khai phần mềm hỗ trợ dạy tiếng Anh i-Learn.

Chuyên gia nghiên cứu giảng dạy tiếng Anh hướng dẫn triển khai phần mềm hỗ trợ dạy tiếng Anh i-Learn.

Nhiều phụ huynh khác tuy chọn lựa cho con học tiếng Anh tự chọn nhưng cũng phân vân không biết chương trình lẫn phần mềm nào hiệu quả vì mỗi trường áp dụng một kiểu. Riêng chương trình tiểu học Cambridge đang thí điểm ở nhiều trường, thuộc các quận nội thành được phụ huynh quan tâm vì hiện nay Bộ GD-ĐT đang khuyến khích các trường THPT dạy các môn toán, khoa học bằng tiếng Anh. Từ năm học này, TPHCM cũng có 10 trường THPT ở TPHCM áp dụng. Ai cũng hiểu nếu đầu tư cho con học các môn toán, khoa học bằng tiếng Anh từ tiểu học thì học lên bậc cao hơn sẽ có nền tảng học tốt hơn. Tuy nhiên, dù có điều kiện về tài chính (mỗi tháng đóng 150 USD và đóng làm 3 kỳ, mỗi kỳ 3 tháng là 450 USD), nhiều phụ huynh cũng lo ngại về chất lượng, chương trình học có nặng không. Không ít người lo lắng lỡ con mình học không nổi thì sẽ học tiếp chương trình Anh văn nào ở trường? Giải thích điều lo lắng này, đại diện các trường tiểu học có giảng dạy chương trình tiểu học quốc tế Cambridge trấn an phụ huynh rằng con em của họ có thể học tiếp ở các lớp TATC, tự chọn tại trường. Thế nhưng, anh Hoàng nhà ở quận 1 từng cho con học chương trình tiểu học Cambridge và ngưng từ năm lớp 3 nói: “Giá như được tư vấn kỹ và biết rõ năng lực học của con thì tôi không đăng ký cho nó học. Bây giờ chuyển qua lớp TATC, ít nhiều cháu cũng bị xáo trộn về môi trường học hành, ảnh hưởng đến tâm lý…”.

Vẫn biết, việc chọn học tiếng Anh cho trẻ vào lớp 1 tùy thuộc vào sự tự nguyện và khả năng tài chính, năng lực của học sinh nhưng trước thực tế có nhiều chương trình học, phụ huynh đều chung tâm trạng phân vân, lưỡng lự.

  • Cần định hướng

Theo ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM, thực hiện đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cấp tiểu học, TP đã triển khai 3 chương trình dạy tiếng Anh với thời lượng khác nhau, trong đó TATC dạy 8 tiết, tự chọn 2-4 tiết và đề án 2020 là 4 tiết. Tính chung cả 3 chương trình dạy tiếng Anh này, tỷ lệ học sinh tiểu học ở TPHCM đang học tiếng Anh đạt 80%, trong đó tiếng Anh theo đề án 2020 mới đạt 25%. Vì thế, mục tiêu đề ra trong năm học 2013-2014 là phải tăng tỷ lệ học tiếng Anh theo đề án lên 50% và đến năm 2015-2016 sẽ tăng lên 100% (kể cả học sinh học chương trình TATC).

Theo ông Điệp, hiện nay nhiều quận, huyện chưa mặn mà với việc thực hiện đề án 2020 vì lý do dạy chương trình này giáo viên không có thêm khoản thu nhập nào khác ngoài lương cơ bản. Hơn nữa, việc tuyển giáo viên tiếng Anh dạy chương trình theo đề án 2020 cũng nan giải. Trong khi đó nếu mở rộng các chương trình dạy TATC và tự chọn thì nhà trường và giáo viên đều có thêm thu nhập từ chủ trương xã hội hóa. Chính lực hút hấp dẫn này nên các trường muốn triển khai các chương trình TATC và tự chọn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trường nào có điều kiện và thu hút được nhiều học sinh tham gia thì khoản thu mới dồi dào và ngược lại.

Cũng theo giải thích của Sở GD-ĐT TPHCM thì dù học theo chương trình nào, học sinh tiểu học ở TPHCM cũng lấy chuẩn Cambridge ESOL làm chuẩn đánh giá. Theo chuẩn này, nếu học sinh không đạt là do phương pháp dạy chưa đạt yêu cầu. Một hiệu trưởng ở quận Tân Phú bộc bạch: “Trường chúng tôi tổ chức được 5 lớp học TATC từ lớp 1 nhưng đến lớp 4 chỉ còn đúng 1 lớp. Lý do là học xong lớp 3 thi chứng chỉ Starters các em rớt gần hết và phải quay lại lớp tiếng Anh tự chọn để học tiếp…”.

Với mong muốn mở rộng cơ hội và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh tiểu học, Sở GD-DT TPHCM đã cố gắng đưa nhiều chương trình, phần mềm hỗ trợ tiếng Anh hiện đại vào trường học như Phonic UK, Dynet, i-Learn. Nhờ những giải pháp này, môi trường học tiếng Anh ở các trường tiểu học không ngừng cải thiện, tạo hứng thú cho học sinh học ngoại ngữ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nhìn lại, môi trường học ngoại ngữ ở TPHCM vẫn chưa được đầu tư đồng đều và các chương trình vẫn chưa tạo sự liên thông bền vững lên các bậc học cao hơn. Còn khoảng cách giữa trường giàu và trường nghèo, giữa nội thành và ngoại thành. Đặc biệt là bài toán về thu nhập của giáo viên tiếng Anh chưa công bằng và chưa trả đúng giá trị của những người đạt chuẩn trình độ giảng dạy (B2 theo khung tham chiếu châu Âu). Chính vì thế, ngành giáo dục TP cần tổng kết, đánh giá lại các chương trình tiếng Anh bậc tiểu học và đưa ra các giải pháp dạy - học tiếng Anh mang tính đồng bộ và hiệu quả hơn.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục