Không quan tâm phát triển đội ngũ thì phải trả giá

Như SGGP đã thông tin, ngày 25-1, Thứ trưởng GD-ĐT Bùi Văn Ga đã ký hàng loạt thông báo về dừng tuyển sinh năm 2014 đối với 207 ngành trình độ đại học của 71 cơ sở đào tạo. Trong đó có nhiều trường công lập lớn cũng bị dừng tuyển sinh nhiều ngành. Sau quyết định này, nhiều trường đại học phản ứng, cho rằng cách làm của Bộ GD-ĐT không thỏa đáng, máy móc, ảnh hưởng đến lợi ích của các trường. Ngày 8-2, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga trao đổi với PV Báo SGGP về vấn đề này.* Phóng viên:
Không quan tâm phát triển đội ngũ thì phải trả giá

Như SGGP đã thông tin, ngày 25-1, Thứ trưởng GD-ĐT Bùi Văn Ga đã ký hàng loạt thông báo về dừng tuyển sinh năm 2014 đối với 207 ngành trình độ đại học của 71 cơ sở đào tạo. Trong đó có nhiều trường công lập lớn cũng bị dừng tuyển sinh nhiều ngành. Sau quyết định này, nhiều trường đại học phản ứng, cho rằng cách làm của Bộ GD-ĐT không thỏa đáng, máy móc, ảnh hưởng đến lợi ích của các trường. Ngày 8-2, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga trao đổi với PV Báo SGGP về vấn đề này.

* Phóng viên:
Thưa Thứ trưởng, Báo SGGP ngày 7-2 đã phản ánh Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội Trần Thanh Hiệp và một số nghệ sĩ cho rằng cách tiếp cận của Bộ GD-ĐT là không ổn. Cụ thể Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội có 15 ngành học không được tuyển sinh, có nghĩa gần hết các ngành học của trường này sẽ chấm dứt việc đào tạo đại học, chỉ vì không có đủ lực lượng giảng viên là tiến sĩ và thạc sĩ. Mà các ngành nghệ thuật thì rất khó có tiến sĩ?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.

* Thứ trưởng BÙI VĂN GA: Tôi xin nói rõ thêm, với các ngành đào tạo đặc thù, nhất là khối nghệ thuật, Bộ GD-ĐT đã rất linh hoạt trong vận dụng các quy định. Bộ cho rằng mỗi ngành phải có ít nhất một người có trình độ tiến sĩ để dẫn dắt đội ngũ giảng viên, dẫn dắt sự phát triển của ngành đó. Với các ngành đào tạo nghệ thuật, việc các nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia đào tạo là hết sức bình thường. Nhưng theo tinh thần của Thông tư 08, mỗi ngành phải có 1 tiến sĩ, có năng lực nghiên cứu để bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành, dẫn dắt đội ngũ giảng viên và bộ đã linh động cho phép ngành nghệ thuật có thể sử dụng tiến sĩ có chuyên ngành, có công trình nghiên cứu gần gũi nhất.

Chúng ta phải bảo đảm yêu cầu về đội ngũ để phát triển đào tạo, vì thế tôi cho rằng yêu cầu đó không có gì cao. Đào tạo đại học muốn bảo đảm chất lượng, phải tiến dần đến sự chuyên môn hóa. Nếu một ngành đào tạo mà không có nổi một tiến sĩ thì rất khó thuyết phục xã hội. Cần hiểu là với đào tạo nghệ thuật, bộ đã rất linh động, nhưng chúng ta phải bảo đảm những yêu cầu tối thiểu.

* Nhiều trường khác cho rằng họ bị dừng tuyển sinh oan vì số liệu rà soát của Bộ GD-ĐT không chính xác?

* Khi tiến hành rà soát, bộ đã yêu cầu các trường cập nhật, bổ sung số liệu báo cáo đến tháng 6-2013. Khi nhận được báo cáo, bộ cũng đã liên lạc trở lại yêu cầu các trường cập nhật lại vì nếu không bảo đảm, bộ sẽ dừng tuyển sinh. Tuy nhiên, gần như các trường không có phản hồi lại. Điều này là lỗi của các trường. Các trường cần rút kinh nghiệm trong việc bảo đảm độ chính xác của báo cáo, số liệu thống kê. Nhất là tới đây, khi đã thực hiện tự chủ tuyển sinh, các trường tự chịu trách nhiệm về các báo cáo của mình, vì thế độ chính xác của các số liệu là rất quan trọng.

Bộ chủ yếu dựa vào báo cáo của các trường để đưa ra quyết định, vì khâu hậu kiểm cần nhiều thời gian. Trước mắt, với những trường cho rằng số liệu rà soát sai, bị “oan” thì cần nhanh chóng cập nhật số liệu đội ngũ giảng viên, sau khi bộ kiểm tra nếu đã đáp ứng yêu cầu thì các trường tiếp tục tuyển sinh trong năm 2014.

* Một số ý kiến cho rằng, việc Bộ GD-ĐT dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo trong năm 2014 là khá đột ngột?

* Quyết định này không có gì đột ngột. Thông tư 08 đã có hiệu lực cách đây 3 năm. Bộ cũng đã nhiều lần cảnh báo, nhắc nhở các trường phải rà soát, bổ sung đội ngũ giảng viên để đáp ứng yêu cầu đào tạo, nếu không bảo đảm sẽ bị dừng tuyển sinh. Bộ đã làm từng bước trong vấn đề này từ cao đến thấp. Cụ thể, năm 2010, bộ đã rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng và đã cảnh báo 139 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ thuộc 55 cơ sở đào tạo thiếu giảng viên cơ hữu. Hai năm sau, bộ chính thức thu hồi quyết định đào tạo tiến sĩ 57 chuyên ngành thuộc 27 trường đại học, học viện không khắc phục được tình trạng thiếu giảng viên.

Năm 2012, bộ tiếp tục rà soát các chuyên ngành thạc sĩ và đã thông báo dừng tuyển sinh đối với 161 chuyên ngành không đủ giảng viên cơ hữu. Đến năm 2013, bộ rà soát các chuyên ngành đào tạo đại học và thông báo dừng tuyển sinh 207 ngành. Trong năm 2014, sẽ tiếp tục rà soát các ngành bậc cao đẳng để xử lý những trường hợp thiếu điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định.

Như vậy, bộ không làm đột ngột, máy móc mà đều theo tinh thần Thông tư 08. Bộ đã đặt vấn đề rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng của giáo dục đại học từ hơn 3 năm qua nhưng đã làm từng bước một để các nhà trường có thời gian chuẩn bị bổ sung đội ngũ, không gây khó khăn lớn cho các nhà trường.

* Trước phản ứng của các trường, quan điểm của Bộ GD-ĐT ra sao?

* Để có được quyết định mở ngành, các trường phải trải qua những bước kiểm tra rất nghiêm ngặt về chương trình đào tạo, cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên quy định tại Thông tư 08. Đó là những điều kiện để bảo đảm chất lượng đào tạo đại học. Có một thực tế là sau khi bộ cho phép đào tạo, các trường cứ yên tâm đào tạo, trong khi số lượng giảng viên luôn có sự thay đổi vì người thì nghỉ hưu, người chuyển công tác. Thường thì khi có biến động các trường thay thế bằng các giảng viên thỉnh giảng mà chậm có kế hoạch để bổ sung kịp thời đội ngũ giảng viên cơ hữu, ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ giảng viên trong toàn hệ thống, không phát triển theo yêu cầu đảm bảo chất lượng ngày một cao hơn. Tức là khi mở trường thì bảo đảm nhưng sau một thời gian thì lại thiếu.

Căn cứ vào điều kiện cụ thể của đội ngũ cán bộ giảng dạy đại học hiện nay, bộ quy định mỗi một ngành phải có 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ đúng chuyên ngành làm giảng viên cơ hữu. Đây là quy định tối thiểu, không thể nào thấp hơn nữa. Vì thế, bộ buộc phải rà soát và dừng tuyển sinh để các trường có kế hoạch bổ sung đội ngũ, khi nào đáp ứng đủ yêu cầu thì lại cho phép tuyển sinh trở lại. Các trường phải chấp hành yêu cầu này để nâng cao chất lượng đào tạo. Cũng cần nói thêm, qua rà soát có tới 75% trường đã thực hiện nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Chỉ có 25% không có kế hoạch bổ sung đội ngũ. Trường nào không quan tâm phát triển đội ngũ thì phải trả giá. Bộ GD-ĐT kiên quyết chấn chỉnh kỷ cương để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục