Tủi thân nghề “bảo mẫu”

Trường mầm non hoặc tiểu học không thể hoạt động nếu không có “bảo mẫu” (tên gọi quen thuộc trước kia nay đổi thành danh xưng “nhân viên nuôi dưỡng” - NVND), đó là khẳng định của nhiều hiệu trưởng. Mặc dù giữ vai trò quan trọng trong hoạt động chung của nhà trường, với yêu cầu trình độ từ trung cấp nghề trở lên, NVND dù đi làm nhiều năm nhưng thu nhập vẫn chưa đến 4 triệu đồng/tháng, khiến nhiều người bỏ việc hoặc lay lắt sống với nghề. 
Tủi thân nghề “bảo mẫu”

Trường mầm non hoặc tiểu học không thể hoạt động nếu không có “bảo mẫu” (tên gọi quen thuộc trước kia nay đổi thành danh xưng “nhân viên nuôi dưỡng” - NVND), đó là khẳng định của nhiều hiệu trưởng. Mặc dù giữ vai trò quan trọng trong hoạt động chung của nhà trường, với yêu cầu trình độ từ trung cấp nghề trở lên, NVND dù đi làm nhiều năm nhưng thu nhập vẫn chưa đến 4 triệu đồng/tháng, khiến nhiều người bỏ việc hoặc lay lắt sống với nghề. 

Tiểu học: Đi làm 21 năm lương chỉ hơn 3 triệu

Mới đây, tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo quận Tân Bình với đội ngũ giáo viên, bảo mẫu, cấp dưỡng các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn quận, cô Thái Thị Hòa, NVND Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, cho biết sau hơn 21 năm đi làm, thu nhập của mình chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng, một số quyền lợi khác như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đều không được hưởng đủ. Lý giải thực tế này, hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn quận cho biết do chức danh NVND chưa được tính trong biên chế, nên thu nhập của các cô chỉ lấy từ nguồn thu phí quản lý bán trú và hỗ trợ thêm từ quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh. Nghịch lý ở chỗ, đây là công việc đòi hỏi nhiều năm kinh nghiệm do liên quan đến sức khỏe học sinh, phải có bằng trung cấp nghề, nhưng thu nhập chỉ tương đương một số ngành nghề lao động không đòi hỏi bằng cấp, kinh nghiệm khác trong xã hội. Trước thực tế này, ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình, bày tỏ sự trân trọng cũng như chia sẻ khó khăn các cô đang gặp phải. Ông Huy khẳng định: “Trong nhà trường, công nhân viên là đội ngũ thiệt thòi nhất. Đòi hỏi công việc thì nhiều nhưng đồng lương chưa tương xứng. Phải là người rất yêu nghề, có tâm huyết mới gắn bó với công việc dài lâu đến thế”.

Tương tự tại quận 6, thống kê của địa phương cho biết thu nhập thấp nhất của NVND, bảo vệ chỉ ở mức 1.029.000 đồng/người/tháng. Người có thâm niên lao động 20 năm, tức ở độ tuổi ngoài 40, đã có gia đình, có gánh nặng nuôi dưỡng con cái nhưng thu nhập chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng. Thu nhập này, theo chia sẻ của nhiều người, là dè sẻn lắm cũng không đủ chi tiêu các khoản nhà cửa, ăn uống, đi lại, đóng học phí cho con ở nơi đắt đỏ như TPHCM. Tại quận Phú Nhuận, mặt bằng thu nhập của đội ngũ này có đỡ hơn nhưng cũng khiêm tốn, dao động ở mức 3,5 - 5,7 triệu đồng/người/tháng. Ở nhiều quận, huyện, các trường đã kiến nghị địa phương cho phép tăng mức thu quản lý bán trú (hiện nay, TP không khống chế mức thu cụ thể mà do UBND quận, huyện linh động, tính toán mức thu dựa trên mặt bằng thu nhập của người dân tại địa phương - PV) nhưng khoản tăng vẫn hết sức dè dặt. Nguyên chủ tịch UBND một quận ở vùng ven bày tỏ quan điểm không đồng tình với chủ trương tăng nguồn thu bán trú để trả lương lao động theo hình thức ký hợp đồng vì sẽ tạo thêm gánh nặng cho phụ huynh, góp phần kéo giảm sĩ số học sinh học bán trú tại địa phương.

Khối lượng công việc nhiều nhưng thu nhập của nhân viên nuôi dưỡng chưa tương xứng. (Ảnh minh họa)

Mầm non: Có nghị quyết nhưng vẫn tiếp tục chờ

Đối với bậc mầm non tại TPHCM, năm 2014 là năm đánh dấu cột mốc quan trọng với nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, cải thiện thu nhập cho giáo viên, cán bộ, công nhân viên ở bậc học này. Tuy nhiên, niềm vui chỉ nhóm lên chút ít đã vụt tắt, khi quy định mỗi lớp học được bố trí một NVND sau 2 năm vẫn chưa thể thực hiện. Theo bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT, toàn TP còn thiếu hơn 4.000 NVND, trong đó chỉ tính riêng 395 trường mầm non công lập đã thiếu hơn 3.000 nhân viên. Hiện nay, việc chi trả lương cho đội ngũ này hoàn toàn dựa vào nguồn thu phí tổ chức bán trú, dao động từ 100.000 -350.000 đồng/học sinh/tháng, tùy địa phương. Cá biệt có những nơi ở vùng sâu, vùng xa như Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, mức thu chỉ vài chục ngàn đồng/học sinh/tháng. Cụ thể, bà Ngô Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Củ Chi 2, cho biết hiện tại trường chỉ thu 60.000 đồng/học sinh/tháng phí tổ chức bán trú. Do nguồn thu thấp nên thu nhập của đội ngũ NVND tại trường là 3,5 triệu đồng/người/tháng, không có nguồn hỗ trợ thu nhập tăng thêm cho các cô.

Tương tự, bà Châu Thị Minh Quyên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Hồng (quận 9), cho biết trường có 300 học sinh nhưng chỉ có 2 NVND làm việc theo hình thức ký hợp đồng khoán. Thu nhập các cô dao động từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng, nhà trường chỉ hỗ trợ một phần tiền đóng bảo hiểm xã hội. Trước thực tế đó, bà Quyên tha thiết đề nghị TP nếu không thể bố trí mỗi lớp một NVND theo đúng quy định của Nghị quyết 01 thì nên xem xét bố trí 2 lớp 1 NVND để các cô được vào biên chế, có hệ số lương, phần nào giúp cuộc sống đỡ bấp bênh.

Thêm vào đó, do hiện tại mức thu nhập quá thấp nên nhiều đơn vị gặp khó khăn trong vấn đề tuyển nhân sự. Có trường ở quận 12 tổng sĩ số gần 800 học sinh nhưng chỉ có 3 NVND, nên chỉ cần 1 cô bỏ việc hoặc xin nghỉ bệnh tật, thai sản, hoạt động của trường sẽ xáo trộn ngay. Do đó, lãnh đạo nhiều đơn vị kiến nghị TP nên quan tâm hơn đội ngũ này, trong đó có việc tạo thêm cơ chế trả lương, thu nhập tăng thêm cho NVND, nới rộng quy định phần trăm chi cho con người trong tổng nguồn thu của cơ sở giáo dục, mở thêm các khóa đào tạo, nâng cao tay nghề với học phí ưu đãi, thường xuyên tổ chức các hội thi, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm để động viên, khuyến khích các cô bám trụ với nghề.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục