Hà Nội xưa - Bưu thiếp Những di sản hóa thạch

Hà Nội xưa - Bưu thiếp Những di sản hóa thạch

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng giới thiệu sách

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng &  Viện trưởng Viện nghiên cứu Việt Nam học, cùng với tác giả Nguyễn Phan Sơn Trúc - nhà sưu tập - đã biên soạn tác phẩm Hà Nội xưa - Bưu thiếp - Những di sản hóa thạch để cống hiến độc giả trong ngoài nước.

Với nhiều hình ảnh về Hà Nội xưa được các tác giả in thành một tập sách nhỏ xem như một món quà đầu năm mới 2015 cho những ai sinh ra ở Hà Nội cũng như những ai yêu quý mảnh đất ngàn năm văn hiến này!

Chân dung PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng theo bản vẽ chân phương của người vợ ông.

Hà Nội Thăng Long - một thành phố cổ xưa nay - đã dần trở thành hiện đại. Bề dày lịch sử hàng nghìn năm “Văn hiến” có thể đang được lưu giữ tại trong các Viện Bảo tàng thông qua những nỗ lực của ngành khảo cổ học, văn hóa học, sử học… để lưu trữ như những di chỉ khảo cổ. Nhưng rõ ràng - qua những bưu thiếp lưu trữ vóc dáng đền đài, phố xá… trong hơn một trăm năm qua của Hà Nội - đã tồn tại như một di sản văn hóa phi vật thể - theo cách gọi của cơ quan văn hóa quốc tế. Đó là những hình ảnh hóa thạch từ thế kỷ qua - một di sản văn hóa thuộc địa Pháp tại Việt Nam (1).

Vào thời ấy khi máy chụp ảnh vừa mới ra đời - những hình ảnh để lại đã thể hiện nỗi suy tư về dòng chảy lịch sử của nhân loại - kể từ sau thời kỳ Columbus (từ thế kỷ thứ 15). Đó là thời kỳ Columbus phát hiện ra vùng đất châu Mỹ La tinh - để mở đường cho nền văn minh vật chất phát triển dựa trên những vùng đất hứa đầy màu mỡ, giàu tài nguyên... Sự kiện ấy đã tạo nguồn cảm hứng cho những nhà thám hiểm, những giáo sĩ, những quân đội viễn chinh châu Âu... cùng nhau tiến đến những vùng đất hoang sơ của châu Á - trong đó có quan tâm đến Việt Nam - như bàn đạp để bước vào Trung Hoa lục địa với giấc mơ xây dựng về một chủ nghĩa thực dân mạnh mẽ, giàu đẹp với tinh thần khai hóa... bằng sức mạnh quân sự để chiếm đóng, cai trị trên nhiều vùng đất trên thế giới. Ngay tức khắc, Việt Nam cũng như Hà Nội, Sài Gòn - trong vùng đất Đông Dương đã rơi vào tầm ngắm của chủ nghĩa thực dân kiểu mới.

Hình 1: Cổng Dupuy - Theo Paul Doumer - L’Indochine Francaise (Souvenirs) - Paris, Vuibert et Nony, Editeurs.

Hình 2: Paul Doumer - L’Indochine Francaise (Souvenirs) - Paris, Vuibert et Nony, Editeurs.

Nghe gọi tên Hà Nội - bỗng có cảm tưởng như là tiếng vọng từ xa xưa - hàng ngàn năm trước - nhưng thực tế tên gọi ấy đã chính thức đến từ triều đình Huế (theo sắc lệnh ngày 1/10/1888 của triều đình Đồng Khánh) để cắt hẳn mảnh đất thiêng liêng này cho Pháp. Nhưng “tên gọi ấy” không rõ đã được Tổng thống Pháp dựa vào đâu để ra sắc lệnh thành lập (ngày 19/7/1988) để chiếm đoạt vùng đất Thăng Long cổ kính này (2) làm khu nhượng địa (ngày 19/7/1988). Với trình độ văn minh sẵn có và một phần đầu óc hiếu cổ - khi cai trị - Pháp còn giữ được những tên truyền thống nhiều phố xá nhưng được chuyển dịch sang tiếng Pháp. Tuy nhiên số khác được đổi sang tên mới như tên Rue Général de Beylie để thay phố Hàng Chuối. Combanere thay phố Hàng Bút, Rue Jean Dupuis thay phố Hàng chiếu.

Hình 3: Theo Paul Doumer - L’Indochine Francaise (Souvenirs) - Paris, Vuibert et Nony, Editeurs.

Hình 4: Theo Paul Doumer - L’Indochine Francaise (Souvenirs) - Paris, Vuibert et Nony, Editeurs.

Tuy nhiên, khi thực dân Pháp xây dựng các khu phố Tây và khu dân cư mới họ đã lồng tên các tướng lĩnh, các quan cai trị của họ mà một số sách còn lưu trữ đã mô tả  hành vi của họ vào thời kỳ tiến đánh vào vùng đất Bắc kỳ. Tuy nhiên, thực dân Pháp vẫn còn lưu giữ được nhiều tên cũ gọi với một số lượng ít về một số phố xá. Nhưng như thế cũng đủ để một số tên tuổi các danh nhân Việt Nam thời trung cổ đại được tồn tại mà chúng ta không thể nào không nhớ đến: Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Du, Lê Lợi, Lê Quý Đôn… Để “số hóa” hay “chữ và số hóa” -  nhiều con đường mà Pháp cũng có cách đặt tên theo kỹ thuật văn minh phương Tây như: Voie 255 (đường số 255) nay là đường Đỗ Ngọc Du, voie La là phố Đội Cung.

Hình 5: Vua An Nam - Theo Paul Doumer - L’Indochine Francaise (Souvenirs) - Paris, Vuibert et Nony, Editeurs.

Hình 6: Giới thiệu tổng quát về việc nghiên cứu kỹ thuật người An Nam của H.Oger.

Đặc biệt trong bộ tư liệu quý giá mà chúng tôi chọn lọc được nhiều hình ảnh để lưu giữ tại đây có cổng Dupuy (hình 1), chân dung Paul Doumer (hình 2).  Tác giả của quyển sách  và cũng là người đứng tên chiếc cầu Paul Doumer (3). Người dân Hà Nội từ lúc sinh ra cho đến ngày lìa khỏi đời chắc phải đi qua cầu lịch sử ấy ít nhất một lần. Ngoài ra, tiếng Pháp còn xây dựng một số tên gọi thuộc hệ thống giao thông: Carrefour (vòng xoay), Gare (nhà ga), Autorail (tàu điện)… Rồi kể từ đó, Hà Nội cũng như Sài Gòn đã bắt đầu nói tiếng Tây pha tiếng Việt. Những từ Tu, Toi (mày, tao) hay “mẹc xà lù” để la mắng, mét xi (cám ơn), pousse-pousse (xe kéo), cyclo (xích lô), marché (chợ), chemin de fer (đường sắt), Feu! (bắn!)… Vào thời kỳ ấy - một nhà thơ khắc khoải tâm tư đã gieo vần để mở đường cho nền văn học lãng mạn mang tính hiện thực phê phán - khi đứng trước sự thoái trào của nền văn chương cổ điển. Nền văn chương này đã bám rễ vào chân chữ Hán này đã được thay thế bằng thứ chữ La-tinh, chữ Pháp. Khi châu Mỹ La tinh đã biến đổi trước đó thì Đông Dương đã biến động từng ngày sau đó.

Hình 7: Bữa cơm - Theo Paul Doumer - L’Indochine Francaise (Souvenirs) - Paris, Vuibert et Nony, Editeurs.

Mặc dù ngán ngẩm trước cảnh “chợ chiều” của lối học hành thi cử đã lỗi thời mà tại trường thi Nam Định vào những ngày tàn của Hán học.

Nhìn lại cảnh lều chõng (hình 3), cảnh dàn dựng (hình 4), nhà vua An Nam còn đang ngồi chiễm chệ trên vàng (hình 5) chiếm cả một bãi đất trống, mà kết quả cuộc thi cũng chẳng vinh quang gì. Khiến cho nhà thơ ưu tư Trần Tế Xương đã phải giễu cợt:
Một đàn thằng hỏng đứng mà trông,
Nó đỗ khoa này có sướng không !
Trên ghế, bà đầm ngoi đít vịt,
Dưới sân, ông cử ngẩng đầu rồng.

*
* *

Mặc dù tên gọi Hà Nội như đã nhắc nhở - tưởng chừng như Hà Nội đã đến từ niềm thân thương hàng bao thế kỷ. Nhưng Thăng Long mới chính là “nỗi nhớ nhung hóa thạch” của toàn dân tộc Việt Nam. Ít ra Thăng Long - từ thời Lý (thế kỷ XI) là một hoàng thành có tường gạch bao quanh, bốn cửa trông ra bốn hướng: Đông Tây Nam Bắc. Về mặt cấu trúc địa hình chính, Thăng Long được phân định ranh giới làm 61 phường chuyên sản xuất bằng nhiều ngành nghề thủ công và giao dịch mua bán trao đổi. Nhưng từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV, nhiều ngành nghề thủ công phát triển thành từng phường nghề chuyên “dệt tơ lụa gấm vóc”, làm đồ gốm, đồ đồng, đồ vàng bạc, vàng mã, làm giấy dó, giấy bản… Thậm chí có ngành nghề in tranh dân gian, làm quạt hay nấu rượu. Cho đến thời Thăng Long, đã định hình thành 36 phường để gọi tên các phố phường kinh kỳ kẻ chợ. Cho đến đầu thế kỷ XX, lúc này đã mang tên Hà Nội, những ngành nghề thủ công được định hình đã lọt vào mắt một nhà Đông Phương học Pháp là Henri Oger. Henri Oger đã đưa ra một phương pháp nghiên cứu mới là phương pháp nghiên cứu đặc chủng (methode monographique) để ghi chép lại bằng bút và thể hiện bằng cách khắc ván để in gọi là kỹ thuật của người An Nam (Technique du peuple Anamite) (4)(hình 6).

*
*  *

Con số 36 phố phường - được hình thành phải chăng từ trong hình thái tổ chức hành chính của phường hội hay phố xá thời phong kiến? Thực ra, theo tài liệu - khi chiếm đóng Hà Nội - giai đoạn từ tháng 2/1947 đến tháng 9/1954 - Pháp đã chia nội thành ra làm 36 khu phố? Từ đó, diện mạo Hà Nội đã bắt đầu chuyển dần sang kiểu dáng đô thị phương Tây. Dù trải qua bao nhiêu biến động của lịch sử, hình ảnh và cuộc sống Hà Nội của Thăng Long ngày nay đã hóa thạch trong tâm thức của dân tộc Việt. Tuy nhiên hình thái xã hội nửa thực dân nửa phong kiến - theo cách gọi của nhiều nhà văn học Hà Nội đã không thể làm phai mờ hình ảnh bữa cơm ngồi chung nhau một mâm (hình 7), hay cảnh sinh hoạt tại bến phà Hà Nội (hình 8).

Hình 8: Bến phà Hà Nội - Theo Paul Doumer - L’Indochine Francaise (Souvenirs) - Paris, Vuibert et Nony, Editeurs

Khi nghiên cứu về hành vi, cử chỉ của các dân tộc, những hình ảnh hóa thạch của lối bồng bế trẻ nít khác nhau của mẹ hay anh chị một thời đã tồn tại - mà chúng tôi chọn lọc như sau đây (hình 9).

Hà Nội xưa - Bưu thiếp Những di sản hóa thạch ảnh 13

Hình 9: Cách bồng trẻ con An Nam - Theo Paul Doumer - L’Indochine Francaise (Souvenirs) - Paris, Vuibert et Nony, Editeurs.

Hà Nội xưa - Bưu thiếp Những di sản hóa thạch ảnh 14
Hà Nội xưa - Bưu thiếp Những di sản hóa thạch ảnh 15
Hà Nội xưa - Bưu thiếp Những di sản hóa thạch ảnh 16

(1) Nguyễn Mạnh Hùng - “Di sản và di chứng văn hóa thuộc địa Pháp tại Việt Nam” , “Lịch sử Việt Nam cận hiện đại” - Đề tài chính thức được giảng dạy tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng - Đại học Osaka Nhật Bản trong chương trình Việt Nam học và được thuyết giảng tại Đại học California State University Fullerton Hoa Kỳ; tại Đại học Incheon - Hàn Quốc;  École Orientale Paris - Pháp và một số Đại học Đông Nam Á (Thammasat, South Asia University)

(2) Theo Nguyễn Văn Chức - Từ điển đường phố Hà Nội. Nhà xuất bản Hà Nội, 2010, trang 10 ~ 13.

(3) Paul Doumer - Tên đầy dủ Joseph Athanase Paul Doumer (1857 ~1932) là toàn quyền Đông Dương (1897 - 1902) và Tổng thống Pháp (1931 đến 1932)

(4) Đây là bản luận án Phó Tiến sĩ Sử học của tác giả Nguyễn Mạnh Hùng. Tác giả đã đóng góp công sức sưu tầm để đưa ra ánh sáng - tưởng chừng như đã ẩn mình mãi mãi trong kho tư liệu ẩn giấu trong Thư viện Quốc gia Hà Nội và Thư viện Khảo cổ (trước 1975) tại Sài Gòn - như một của báu để che mắt chiến tranh, giặt giã - những tên bịp bợm của nhân loại

Tin cùng chuyên mục