Những năm tháng không thể nào quên - Bài 6: Những bức thư Thành cổ

Những năm tháng không thể nào quên - Bài 6: Những bức thư Thành cổ

(SGGP-12G).- Những bộ hài cốt không còn nguyên vẹn, súng đạn và bom mìn cũng đã rỉ rét, chỉ có nhịp đập thổn thức của trái tim những người lính trong bức thư chưa kịp gửi là còn vẹn nguyên. Đó là chuyện thường gặp trong các cuộc quy tập hài cốt liệt sĩ ở Thành cổ Quảng Trị. Và chính nhờ đó đã chắp cánh cho những cuộc “gặp gỡ” trùng phùng đầy cảm động.

Gửi mẹ già hay gửi tương lai?

“Toàn thể gia đình kính thương... Con viết mấy dòng cuối cùng trước khi “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất”. Xin mẹ đừng buồn để sống đến ngày tin mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng ở bên mẹ, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau…”.

Đó là những dòng đầu trích trong bức thư chưa kịp gửi của chiến sĩ Lê Văn Huỳnh, quê ở xóm Một, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, sinh viên năm thứ tư Khoa Xây dựng, khóa 13 của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được tìm thấy ngày 28-10-2002.

Người lính này viết bức thư cuối cùng vào ngày thứ 77 của chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, khi sự khốc liệt của đạn bom lên đến tột cùng. Bức thư anh không kịp gửi bởi anh cùng những đồng đội cuối cùng trong tiểu đội đã ngã xuống ở trong Thành cổ.

Phút xúc động bên những bức thư Thành cổ

Phút xúc động bên những bức thư Thành cổ

Bức thư viết vội trước trận đánh là tâm tư của anh dành cho người mẹ già yếu, cho người vợ mới cưới bảy ngày, cho anh trai, chị dâu, cho cha mẹ vợ, cho đứa cháu đích tôn, cho người bạn thân thuở nhỏ và cho bà con lối xóm. Đặc biệt, bức thư có đoạn: “Ngày thống nhất, em hãy vào Nam tìm anh. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh hy sinh. Từ thị xã, qua cầu ngược trở lại hỏi thăm đường về thôn Nhan Biều I.

Nếu tính xuôi theo dòng nước thì mộ anh ở cuối làng”. Không ai có thể ngờ rằng, đó là manh mối để đồng đội tìm thấy anh sau ngày giải phóng. Ba mươi năm, miền quê từng bị hủy diệt tàn khốc nhất trong cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ đổi thay, thanh bình và trù phú. Và đúng như bức thư, mọi người không khỏi ngạc nhiên khi tìm thấy anh.

30 năm để nhận một lá thư

Tương tự, một câu chuyện diễn ra tưởng là ngẫu nhiên nhưng lại chứa đựng bao dự cảm về tương lai của người lính năm xưa từng chiến đấu ở đây. Chuyện rằng, khi nghiệm thu công trình đường ống dẫn nước trong khu Thành cổ thì gặp sự cố, có một chỗ đường ống bỗng nhiên cao hơn thiết kế đến 30cm. Người ta quyết định đào xuống và phát hiện dưới đó một căn hầm trú ẩn có bốn bộ hài cốt liệt sĩ.

Trong những di vật quen thuộc của người lính thì súng đạn và áo quần, ba-lô đều han gỉ hoặc mục rữa, chỉ có lá thư và những tấm ảnh vẫn còn nguyên vẹn. Đó là di vật của liệt sĩ Lê Binh Chủng. Lần theo bức thư và tấm ảnh, các anh ở Ban quản lý di tích Thành cổ đã tìm về quê anh và chắp nối lại một câu chuyện đoàn viên đến rơi nước mắt.

Lê Binh Chủng quê ở Nghệ An, trên đường hành quân vào Nam chiến đấu, đơn vị anh dừng lại ở một làng quê thuộc huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Qua đó, anh quen và nảy sinh tình cảm với cô giáo Lê Thị Biển Khơi. Chưa kịp làm lễ cưới, chưa kịp báo tin cho gia đình thì Lê Binh Chủng vượt vĩ tuyến 17 vào Quảng Trị.

Lá thư cuối cùng Lê Thị Biển Khơi gửi cho anh đề ngày 15-5-1972, báo tin họ sắp có con. Anh đã dự định chờ ngày kết thúc chiến dịch để về thăm con cũng như thưa với bố mẹ hai nhà. Nhưng Lê Binh Chủng bơi qua sông vào Thành cổ và nằm lại nơi này mãi mãi. Chị Lê Thị Biển Khơi cùng đứa con bắt đầu chuỗi ngày tháng đau buồn trong sự ghẻ lạnh của làng xóm, kể cả người thân về cảnh “không chồng mà có con”.

Ba mươi năm sau, bức thư, tấm ảnh của vợ mới được các anh ở Ban quản lý di tích Thành cổ Quảng Trị chuyển đến gia đình. Một cuộc tìm về nguồn cội, một cuộc đoàn viên muộn màng đầy nước mắt, khi ông bà ôm đứa cháu nội mà cứ ngỡ như ôm lại con trai ngày nào bởi thằng cháu đã 30 tuổi. Danh phận của một người vợ, một đứa con của liệt sĩ đã được “minh oan” bởi bức thư gửi về từ... trong lòng đất cách đây 30 năm!

Đó chỉ là hai trong số hàng vạn lá thư mà người lính Thành cổ Quảng Trị chưa kịp gửi đi trước trận đánh cuối cùng. Ba mươi năm rồi, những lá thư như thế tiếp tục được gửi về cho những người đang sống hôm nay và cho cả mai sau nữa.

Bài 7: Trận Rạch Chiếc và chiến thuật “nở hoa trong lòng địch”

Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972 bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị diễn ra vô cùng khốc liệt. Thành Cổ lúc bấy giờ phải gánh lấy hàng chục vạn tấn bom đạn của kẻ thù đổ xuống, nhằm biến nó về thời kỳ đồ đá. Nhưng quân và dân ta đã chiến đấu một cách ngoan cường giành lại từng tấc đất thiêng cho Thành cổ.

Hoàng Anh

Thông tin liên quan:

- Bài 5: Người vẽ mô phỏng hàng rào điện tử McNamara

- Những năm tháng không thể nào quên (bài 1 đến bài 4)

Tin cùng chuyên mục