Hụi - Con dao hai lưỡi

Những ngày gần đây, liên tục xảy ra hàng loạt vụ bể hụi ở Tây Ninh, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Điện Biên, Thái Nguyên… Nhiều bạn đọc đề nghị Báo SGGP tư vấn: Pháp luật Việt Nam có cấm chơi hụi hay không? Những tranh chấp phát sinh khi chơi hụi sẽ được giải quyết cách nào?

Chơi hụi là một hình thức giao dịch khá phổ biến trong đời sống người dân. Pháp luật Việt Nam không cấm chơi hụi, thậm chí còn công nhận hụi như một hình thức giao dịch dân sự, cụ thể tại Điều 479 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Hụi (hay còn gọi là họ, biêu, phường) là một hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lãnh hụi, quyền, nghĩa vụ của các thành viên, nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật”.

Việc chơi hụi tạo điều kiện để các cá nhân có thể có được một số tiền lớn, chịu lãi vay từ những người cùng tham gia, với hình thức đơn giản, nhẹ nhàng và thuận tiện hơn vay ngân hàng. Vì thế số lượng những người chơi hụi ngày càng tăng cao.

Tuy nhiên, chơi hụi lại mang tính rủi ro rất cao. Bởi việc tham gia vào một dây hụi hoàn toàn dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau giữa các hụi viên và chủ hụi, không có tài sản thế chấp bảo đảm, nên hầu như ít có sự ràng buộc pháp lý giữa các bên. Điều này dễ dẫn đến tình trạng bể hụi khi một mắt xích trong dây hụi bị đứt và không có khả năng đóng hụi tiếp, khiến vòng tròn hụi không thu đủ như đã thỏa thuận ban đầu, dẫn đến dây hụi bị đứt gánh giữa đường, hoặc khi các hụi viên đã đóng hụi gần đến hạn kỳ mà chủ hụi bỗng dưng biến mất.

Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp nhà tan cửa nát bởi các vụ giật hụi, bể hụi với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng. Đó là những bài học kinh nghiệm mà mọi người cần lưu ý trước khi quyết định có nên tham gia vào một dây hụi hay không. Hẳn bạn đọc còn nhớ vụ vỡ nợ trên 17 tỷ đồng ở TP Buôn Ma Thuột xảy ra vào ngày 2-5-2013 khiến cả khu phố xác xơ. Chủ hụi Nguyễn Thị Ánh bỏ trốn, có 20 nạn nhân kêu cứu vì đang đứng trước nguy cơ mất nhà, do đã thế chấp toàn bộ giấy tờ nhà đất cho ngân hàng để vay tiền đưa cho bà Ánh.

Nghị định 144/2006/NĐ-CP về hụi có quy định rõ trách nhiệm của chủ hụi do không giao các phần hụi cho thành viên được lãnh hụi (Điều 29). Theo đó, khi có yêu cầu của thành viên có quyền lãnh hụi, chủ hụi phải giao các phần hụi đã thu được cho thành viên đó và bồi thường thiệt hại nếu có, chủ hụi cũng phải trả lãi đối với các phần hụi giao chậm. Điều 30 quy định trách nhiệm của các thành viên phải thanh toán đủ phần hụi còn thiếu tương ứng với thời gian chưa thanh toán cho đến thời điểm kết thúc hụi và bồi thường thiệt hại nếu có. Điều 31 quy định giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải hoặc giải quyết tại tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.

Tuy nhiên, nghị định này lại không quy định rõ về chế tài trong trường hợp người vi phạm không trả, hoặc không trả đủ số tiền cho người bị vi phạm. Vì thế rất nhiều trường hợp mặc dù được tòa xử thắng, nhưng người bị vi phạm vẫn phải chấp nhận mất tiền vì người vi phạm thông báo hết tiền.

Thế nên, trước khi quyết định có nên tham gia vào một dây hụi hay không, người chơi cần hiểu rõ quy định của pháp luật về chơi hụi, hiểu rõ bản chất của mô hình chơi hụi, cần có thông tin và lựa chọn những người chủ hụi có uy tín, có độ tin cậy cao, người chủ hụi và người chơi hụi phải có khả năng tài chính, bảo đảm tham gia lâu dài và đóng hụi đầy đủ, tránh trình trạng hốt hụi xong bỏ trốn, không đóng hụi, gây thiệt hại và làm ảnh hưởng đến các thành viên chơi.

Cần phải có các tài liệu liên quan như: sổ hụi (tên, địa chỉ của chủ hụi và các thành viên, phần hụi, kỳ mở, thể thức góp vốn và lãnh hụi, số tiền hoặc tài sản khác đã góp hoặc đã lãnh hụi, việc chuyển giao phần hụi, ra khỏi và chấm dứt hụi, chữ ký (hoặc chỉ điểm) của các thành viên, các nội dung khác có liên quan đến việc chơi hụi); những thỏa thuận giữa chủ hụi với hụi viên và giữa các thành viên với nhau, các lần góp hụi phải được ghi chép và lưu giữ cẩn thận.

Hiện nay có rất nhiều quỹ hỗ trợ vay vốn đầu tư, quỹ tiết kiệm, vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp có độ tin cậy và an toàn cao. Thiết nghĩ, nếu như thấy không thật sự cần thiết, người dân nên hạn chế tham gia vào các dây hụi để tránh thiệt hại.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀNG
(Văn phòng Luật sư Phans)

Tin cùng chuyên mục