TS Trần Du Lịch: Phải quyết tâm thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế

Kỳ vọng ổn định trên mặt bằng giá mới
TS Trần Du Lịch: Phải quyết tâm thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế

Vì sao Chính phủ lại thay đổi “chiến thuật” từ ưu tiên cho tăng trưởng sang kiềm chế lạm phát? Việc thực hiện tốt các gói giải pháp sẽ mang lại kết quả gì cho nền kinh tế? PV Báo SGGP đã phỏng vấn TS Trần Du Lịch (ảnh), Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, để làm rõ những nội dung này.

Kỳ vọng ổn định trên mặt bằng giá mới

TS Trần Du Lịch

TS Trần Du Lịch

- PV: Thưa TS, ông có thể bình luận gì từ việc Chính phủ ban hành các gói giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội?

TS TRẦN DU LỊCH: Diễn biến tình hình kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2011 cho thấy, tính bất ổn của kinh tế vĩ mô năm nay gay gắt hơn năm 2010. Mặc dù tình hình này đã có nhiều dấu hiệu từ những tháng cuối năm 2010 nhưng thực tế trầm trọng hơn chúng ta dự đoán:

Thứ nhất là áp lực lạm phát cao. Càng khó khăn hơn khi chúng ta phải chống lạm phát trong điều kiện lãi suất  đã quá cao. Về nguyên tắc, muốn chống lạm phát thì phải tăng lãi suất. Nhưng lãi suất hiện nay đã rất cao nên không thể tăng được nữa. Nghĩa là công cụ tiền tệ bị vô hiệu hóa một phần.

Thứ hai là tỷ giá. VND mất giá so với USD, tình trạng 2 giá trên thị trường đã tồn tại từ những tháng cuối năm 2010 cho đến nay.

Thứ ba là tình trạng nhập siêu, thâm hụt cán cân vãng lai. Mặc dù năm 2010 xuất khẩu tăng ngoạn mục, hơn 26%; đặc biệt, ngân sách năm 2010 bội thu hơn 100.000 tỷ đồng nhưng 2 yếu tố rất tích cực này vẫn không bù được tình trạng nhập siêu quá cao và bội chi ngân sách nhà nước. Một khó khăn nữa về phía doanh nghiệp là vốn trung hạn luôn luôn thiếu vì nguồn huy động tiết kiệm năm 2010 chủ yếu chỉ có ngắn hạn.

Bên cạnh đó, tình hình thế giới lại không  thuận lợi. Nguy cơ tăng giá dầu, giá lương thực thực phẩm dẫn đến việc tiềm ẩn các cơn sốt giá...

Đó là lý do, đầu năm Chính phủ đưa ra thông điệp tập trung ổn định vĩ mô nhưng vẫn chưa tạo được niềm tin cho thị trường về triển vọng một nền kinh tế ổn định. Do đó, Nghị quyết 11 của Chính phủ vừa mới ban hành thể hiện sự quyết tâm trong việc đặt ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô. Nghị quyết này đề ra 7 nhóm giải pháp tương đối đồng bộ, trong đó 2 nhóm giải pháp có ý nghĩa quyết định để kiềm chế lạm phát là thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công nhằm giảm tổng cầu của nền kinh tế.

- Nghị quyết 02 của Chính phủ xác định tập trung để tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô nhưng đến Nghị quyết 11 vừa ban hành, Chính phủ lại đặt vấn đề ưu tiên cho kiềm chế lạm phát. Hai nghị quyết này có gì giống và khác nhau?

Ngay trong tiêu đề Nghị quyết 11, Chính phủ chỉ tập trung 2 nhiệm vụ: kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô mà không đặt mục tiêu tăng GDP như trước đây, dù tăng trưởng hợp lý. Điều này cho thấy, Chính phủ đặt trọng tâm vào nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô thông qua các giải pháp mạnh mẽ để giảm tổng cầu nền kinh tế.

Với 7 nhóm giải pháp rõ ràng và mạnh mẽ, Nghị quyết 11 xử lý và đặt cơ sở để bước tiếp theo xử lý đồng bộ các vấn đề kinh tế vĩ mô đang đặt ra như: lạm phát, mất giá VND, lãi suất cao, nhập siêu, bội chi ngân sách, bao cấp giá điện, xăng dầu, chống USD hóa nền kinh tế... Đặc biệt là lấy lại niềm tin của thị trường, tâm lý của người dân về kỳ vọng lạm phát và biến động tỷ giá. Gói giải pháp này có những nội dung tưởng chừng mâu thuẫn như vừa chống lạm phát vừa điều chỉnh tỷ giá, tăng giá điện, xăng dầu nhưng lại chính là bước đi tích cực, nếu xét về tổng thể. Nền kinh tế chắc chắn sẽ hình thành một mặt bằng giá mới (do hiệu ứng tăng giá chung của cả nền kinh tế) nhưng kỳ vọng sẽ ổn định trên mặt bằng mới trong thời gian tới. Sự hình thành mặt bằng giá mới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân nhất là tầng lớp thu nhập thấp nên Chính phủ cũng đã đề ra mục tiêu về bảo đảm an sinh xã hội với các nội dung rất cụ thể.   

Không thể thị trường hóa các sản phẩm bao cấp trong 1 lần

- Theo ông, việc Chính phủ điều chỉnh giá hàng loạt mặt hàng chủ yếu liệu có đúng thời điểm?

Như tôi đã nói ở trên, việc kéo dài quá lâu bao cấp giá điện và trong các tháng qua chậm điều chỉnh giá xăng dầu không những tạo ra gánh nặng quá sức chịu đựng của ngân sách mà còn làm méo mó các quan hệ thị trường, gây bất công xã hội. Tuy nhiên, cũng không thể thị trường hóa một lúc giá cả các hàng hóa trên vì sẽ vượt quá mức chịu đựng của nền kinh tế nên lần này chỉ điều chỉnh một phần, mà theo tính toán không đẩy quá cao chỉ số giá cả chung của nền kinh tế. Nếu chúng ta tăng giá theo kiểu lâu lâu nhích một tí thì chỉ tin đồn cũng khiến giá cả tăng rồi. Thà tăng một lần rồi giữ ổn định mức tăng đó trong một thời gian dài để người dân, doanh nghiệp dễ tính toán kế hoạch làm ăn của mình. Như vậy mới có thể chấm dứt được lạm phát kỳ vọng hiện nay.

Dĩ nhiên, không thể thị trường hóa các sản phẩm hàng hóa đang bao cấp trong một lần, mà cần chia ra theo lộ trình để “chen” vào khi thời cơ cho phép trong khoảng 2 năm (những lần sau cần có cách làm để không đẩy mặt bằng giá trên thị trường).

TPHCM sẽ nỗ lực đẩy mạnh chương trình bình ổn giá đảm bảo duy trì bữa ăn hàng ngày của người lao động. Ảnh: Kim Ngân

TPHCM sẽ nỗ lực đẩy mạnh chương trình bình ổn giá đảm bảo duy trì bữa ăn hàng ngày của người lao động. Ảnh: Kim Ngân

- Ông có thể đánh giá việc điều chỉnh giá sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế?

Trước mắt sẽ khó khăn nên đòi hỏi cả Chính phủ và người dân phải giảm chi tiêu; doanh nghiệp phải tính toán lại kế hoạch sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại giá thành; cân nhắc kỹ đầu tư… nhưng khi kinh tế vĩ mô ổn định thì tình hình sẽ tích cực. Việc ban hành Nghị quyết 11 mới là sự khởi đầu, còn việc triển khai có hiệu quả thực sự nghị quyết này trên thực tế mới quan trọng. Làm được điều này sẽ củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp về khả năng “cắt đứt” nguy cơ lạm phát cao và mất giá VND. Với sức sống của doanh nghiệp Việt Nam, tôi tin rằng năm 2011, tốc độ tăng GDP vẫn không thấp đáng kể so với mục tiêu 7%.

Xử lý đồng bộ, CPI sẽ dưới 2 con số

- Với việc điều chỉnh này, chúng ta sẽ phải chấp nhận một mặt bằng giá mới hình thành ngay trong tháng 3. Theo tính toán của ông, mức giá tăng khoảng bao nhiêu % là hợp lý? Cùng với đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng thêm khoảng bao nhiêu%?

Tôi nghĩ rằng mặt bằng giá mới sẽ hình thành trong giữa quý 2 năm nay và nếu tính toán cả năm, CPI có thể kiểm soát  ở một con số, nếu 2 chính sách tài khóa và tiền tệ đủ mạnh để giảm tổng cầu của nền kinh tế như được quy định tại Nghị quyết 11 này.

- Trên thực tế, các gói giải pháp cho thấy rõ quyết tâm của Chính phủ trong kiềm chế lạm phát nhưng với những gì đang diễn ra (lãi suất 20-22%/năm, tỷ giá chợ đen, giá vàng…), nhiều ý kiến vẫn lo ngại sẽ khó giải quyết tận gốc của vấn đề, ông có nghĩ như vậy không? Nếu không, Chính phủ sẽ phải tiếp tục làm những gì và cần hỗ trợ các doanh nghiệp ra sao?

Nghị quyết 11 có tính chất là những giải pháp tình thế để ổn định kinh tế vĩ mô và tạo điều kiện cần thiết để thực hiện các giải pháp tiếp theo, chứ bản thân các giải pháp này chưa thể giải quyết từ gốc vấn đề. Mà vấn đề chính là phải quyết tâm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế; đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư... Ví dụ: để hướng tới trên lãnh thổ VN chỉ thanh toán bằng VND, chứ không thể sử dụng cả vàng và ngoại tệ làm phương tiện thanh toán, thì phải có thời gian và lộ trình. Hay như không thể kéo giảm lãi suất khi nguy cơ lạm phát cao còn treo lơ lửng.

TPHCM cần tăng cường chống đầu cơ, hỗ trợ người nghèo

- Về phía TPHCM, ông đánh giá thế nào về chương trình bình ổn giá? TP cần làm gì để đảm bảo các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2011?

Đặc điểm kinh tế trên địa bàn TPHCM là rất “nhạy cảm” với những biến đổi của tình hình kinh tế vĩ mô cả tích cực lẫn tiêu cực. Một khi Chính phủ không còn đặt nặng mục tiêu tăng trưởng mà dồn nỗ lực để kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô thì thành phố cũng không nên hướng về chỉ tiêu tăng GDP trong năm 2011 mà triển khai có hiệu quả 7 nhóm giải pháp của Chính phủ.

Sáng kiến chương trình bình ổn giá của TPHCM rất tích cực, nhưng tôi nghĩ rằng trong quan hệ thị trường thì vai trò chủ yếu của Chính quyền địa phương là chống đầu cơ, gian lận thương mại, sự vi phạm pháp luật trong kinh doanh.

Trong bối cảnh khó khăn của doanh nghiệp rất cần sự chia sẻ của bộ máy quản lý nhà nước, hỗ trợ như “người đồng hành” của doanh nghiệp. Trong khả năng ngân sách TPHCM nên ưu tiên thực hiện chính sách xã hội đối với tầng lớp nghèo và cận nghèo, gia đình chính sách, mà trong nhiều năm qua TPHCM đã có nhiều kinh nghiệm tốt.

Thúy Hải (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục