Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội: “Nóng” chuyện lạm phát

VŨ HUY HOÀNG
Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội: “Nóng” chuyện lạm phát
  • Quốc hội nhất trí để lại 3.500 tỷ đồng cho Petro Việt Nam tái đầu tư và yêu cầu tăng cường kiểm tra

Ngày 26-3, Quốc hội dành trọn 1 ngày thảo luận về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2011.

  • Tăng trưởng cao, lạm phát lớn

Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho rằng, qua báo cáo của Chính phủ, nhiều người phấn khởi bởi năm 2010 GDP của chúng ta tăng trưởng 6,75%, bội chi ngân sách cũng giảm hơn so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, lạm phát lên gần 12% và tình hình chuyển nguồn, kết dư cũng như một số vấn đề về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa khác không mấy thay đổi. “Tôi nghĩ nếu chỉ nhìn vào số liệu tăng trưởng không là chưa đủ, mà hãy nhìn vào bức tranh thực chất của xã hội về chất lượng cuộc sống thực tế của người dân. Chắc ai cũng thấy rằng thời gian qua giá cả tăng mạnh ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, đến bữa cơm của từng gia đình, hoạt động của các doanh nghiệp”. Phân tích kỹ hơn, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) nói năm 2010 tăng trưởng GDP đạt 6,78%, tăng thêm 0,28% so với kế hoạch nhưng lạm phát không kiềm chế được ở một con số. Đây là vấn đề cần suy nghĩ để điều hành năm 2011. Thứ hai, tăng thu ngân sách so với kế hoạch đầu năm rất lớn nhưng bội chi ngân sách vẫn cứ tăng.

Nhiều ĐBQH đồng tình với chủ trương giảm tổng cầu để chống lạm phát trong năm 2011 nhưng ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) vẫn nhấn mạnh quan điểm rằng “cái gì cần chi tiêu vẫn phải chi tiêu, cần đầu tư vẫn phải đầu tư”, vì nếu thắt chặt quá mức cần thiết thì sẽ gây ra suy giảm kinh tế. Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng, chính sách vĩ mô không nên “quá tả, quá hữu”. Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) dẫn số liệu trong báo cáo của UB Tài chính - Ngân sách của QH năm 2010 tăng chi lên tới 87.430 tỷ đồng, vượt 15% dự toán và đặt vấn đề: “Tại sao trong cùng một thời điểm tăng giá điện, tăng giá xăng dầu lại cho mua hàng ngàn ô tô để đến nỗi những đơn vị được mua xe công phải xếp hàng giống như ngày xưa thời bao cấp. Đây có thể là một nguyên nhân dẫn đến tình hình lạm phát cũng tăng lên”. Theo các ĐBQH, những vấn đề trên cần được xem xét một cách thấu đáo để có giải pháp phù hợp trong năm 2011, bởi đến nay chỉ sau hơn 3 tháng, lạm phát đã tăng lên mức trên 6,1%.

Đại biểu Phạm Thị Loan phát biểu tại buổi thảo luận về kinh tế - xã hội. Ảnh: MINH ĐIỀN

Đại biểu Phạm Thị Loan phát biểu tại buổi thảo luận về kinh tế - xã hội. Ảnh: MINH ĐIỀN

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) lo ngại chính sách tài khóa thắt chặt sẽ dẫn đến thiếu vốn và lãi suất cao sẽ là “đòn” rất nặng với các DN, nhất là với DN vừa và nhỏ. Vì hiện có hơn 30% DN khối này không tiếp cận được vốn và rất lao đao. Để đảm bảo mục tiêu đề ra, ông Kiêm đề nghị cần cụ thể hóa mức độ, liều lượng cắt giảm, kể cả chi phí hành chính và xây dựng cơ bản.

Bộ trưởng Bộ Công thương VŨ HUY HOÀNG:

 Từ nay đến cuối năm sẽ cố gắng đảm bảo nhu cầu điện cần thiết nhất cho sản xuất và sinh hoạt. Tổ máy số 1 của nhà máy thủy điện Sơn La đã được đưa vào hoạt động, sắp tới khi tổ máy 2 cũng đi vào hoạt động sẽ có thêm khoảng 800MW nữa được hòa lưới, góp phần giảm căng thẳng cung – cầu điện. Tuy nhiên, vào tháng cao điểm của mùa khô là tháng 5, tình hình cung ứng điện sẽ tiếp tục có khả năng diễn biến khó khăn. Rất mong cử tri cả nước ủng hộ chủ trương của Đảng, của Chính phủ đó là bên cạnh việc sử dụng điện một cách có hiệu quả, cần tăng cường tiết kiệm điện.

Liên quan đến giải pháp cắt giảm đầu tư công trong Nghị quyết 11 của Chính phủ, ĐB Nguyễn Danh (Gia Lai) trăn trở: “Chính phủ ta hiện là nhà đầu tư lớn nhất ASEAN, trong khi ICOR khu vực công cao gấp đôi khu vực khác, cũng có nghĩa là hiệu quả đầu tư rất thấp. Cơ cấu đầu tư công chủ yếu cho lĩnh vực kinh tế, các lĩnh vực còn lại từ y tế, giáo dục, khoa học công nghệ… chưa đến 20%. Phải điều chỉnh cơ cấu này để giảm bất bình đẳng xã hội, cải thiện chất lượng sống cho nhân dân”.

Được đề nghị báo cáo thêm về đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, các đoàn kiểm tra của Bộ KH-ĐT đã tiến hành làm việc với các tỉnh thành và các tập đoàn, tổng công nhà nước. Bộ trưởng nhìn nhận, nâng cao hiệu quả đầu tư phải là một quá trình lâu dài nhưng trên thực tế đầu tư công cũng đã phát huy hiệu quả tốt, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế và cải thiện an sinh xã hội. Chuyển sang cơ chế thị trường, cơ chế đầu tư công - tư kết hợp (PPP) đang tỏ ra là một hướng đi tích cực.

  • Không thể chủ quan với công nghệ hạt nhân

Chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) cũng là vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm. Theo ĐB Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An), chế độ tài chính của BHYT quá lạc hậu, thủ tục rườm rà dẫn đến tình trạng bác sĩ không cho bệnh nhân diện BHYT làm đầy đủ các xét nghiệm cần thiết; cũng như không thể cho bệnh nhân sử dụng các loại thuốc tốt. “Chi phí khám bệnh cho một bệnh nhân BHYT mỗi lần vài ngàn đồng, mà có khi bệnh nhân phải khám ở 5-6 chuyên khoa, tính ra mỗi bận BS khám chỉ được vài trăm đồng, cho nên họ khó lòng mặn mà với bệnh nhân BHYT (?!)”, ông cho biết. ĐB kiến nghị đơn giản hóa việc thanh toán bảo hiểm, mở rộng diện xét nghiệm và loại thuốc được thanh toán bảo hiểm, cho phép bệnh nhân được khám ở bất kỳ cơ sở nào miễn là có thẻ bảo hiểm…

Việc giá cả tăng ảnh hưởng đến bữa ăn của người dân được nhiều đại biểu quan tâm. Ảnh: CAO THĂNG

Việc giá cả tăng ảnh hưởng đến bữa ăn của người dân được nhiều đại biểu quan tâm. Ảnh: CAO THĂNG

Trước những diễn biến đáng lo ngại của biến đổi khí hậu và tình hình thiên tai trên thế giới, một số ĐB yêu cầu Chính phủ rà soát lại kỹ lưỡng và toàn diện các vấn đề liên quan đến việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Đại diện cho địa phương này, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương phản ánh, cử tri Ninh Thuận và cả nước rất quan tâm đến tình hình, tiến độ triển khai dự án và mong mỏi Chính phủ sớm có ý kiến chính thức để yên lòng cử tri và nhân dân. Các ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), Dương Trung Quốc (Đồng Nai) chia sẻ quan điểm: Không thể chủ quan về vấn đề này, bởi ngay cả các nước có công nghệ hạt nhân phát triển cũng đã xem xét lại toàn diện các nhà máy của mình ngay sau thảm họa kép ở Nhật Bản...

QH nhất trí với phương án để lại 3.500 tỷ đồng cho Petro Việt Nam tái đầu tư và yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trong quá trình thực hiện để đảm bảo khoản tiền được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.

MINH GIANG - BẢO VÂN

Trong phiên thảo luận hôm qua, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã được mời phát biểu trước QH về các vấn đề liên quan đến chính sách tài chính, tiền tệ và quản lý giá cả.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước NGUYỄN VĂN GIÀU:

Với kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm nay dưới 20%, dự kiến tín dụng cả năm sẽ tăng khoảng 460.000 tỷ đồng. Một số ĐBQH băn khoăn điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ sẽ làm khó khăn cho vốn để đáp ứng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, về thiết kế điều hành năm nay vốn tăng tuyệt đối tương đương với năm ngoái. Năm 2010 tăng trưởng tín dụng khoảng gần 470.000 tỷ đồng, trong khi năm nay tăng trưởng tín dụng dự kiến khoảng 460.000 tỷ đồng.

Về thị trường ngoại tệ, từ năm 2008 trở về trước cán cân tổng thể của chúng ta thặng dư. Bước sang năm 2009 cán cân thanh toán tổng thể quốc tế thâm hụt tới 8,8 tỷ USD. Năm 2010, với sự nỗ lực của các ngành, các cấp chúng ta đã giảm thâm hụt cán cân tổng thể xuống 3,07 tỷ USD. Dự kiến cán cân thanh toán tổng thể năm 2011 sẽ thặng dư. Theo kế hoạch cũ điều hành nhập siêu dưới 18% so với kim ngạch xuất khẩu thì cán cân thanh toán tổng thể thặng dư khoảng 700 triệu USD. Nay Thủ tướng yêu cầu điều hành nhập siêu dưới 16% thì cán cân thanh toán tổng thể có thể thặng dư trên 2 tỷ USD. Vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng chúng ta quản lý mạnh mẽ trên thị trường tự do nhưng không mở ra kịp để đáp ứng nhu cầu hợp lý của nhân dân. Trên thực tế, hiện nay mạng lưới hoạt động thu đổi ngoại tệ cũng như mua bán ngoại tệ đã được mở rộng để đảm bảo phục vụ được cho dân. Đến nay, về cơ bản giá ngoại tệ của thị trường tự do với giá công bố của Ngân hàng Nhà nước tương đối tiến gần nhau.

Bộ trưởng Bộ Tài chính VŨ VĂN NINH:

Trong 3 tháng đầu năm 2011 giá cả vẫn diễn biến phức tạp, vấn đề chung là phải quyết liệt thực hiện nghị quyết của Chính phủ đã đề ra nhằm giảm tổng cầu của nền kinh tế. Thứ nhất là phải đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, đây là gốc của vấn đề. Thứ hai là sắp xếp lại hệ thống phân phối. Thứ ba là kiên trì điều hành giá theo thị trường, chúng ta không thể kìm nén hơn được nữa.

Hiện nay điện mới đi được một bước là 24% so với mức phải điều chỉnh, có nghĩa chúng ta định đi 4 bước thì mới đi được một bước. Chúng tôi hình dung là nếu chúng ta điều hành giỏi và giá thị trường thế giới biến động vừa phải thì chắc phải hết năm 2012 mới đi theo được thị trường. Đây là lộ trình phải cố gắng nếu không thì chắc phải sang năm 2013.

Về giá xăng dầu, hiện nay Nhà nước không thu thuế nhưng xăng dầu vẫn còn lỗ và mới điều chỉnh được một phần. Sau lần điều chỉnh giá vừa qua, giá xăng dầu của Việt Nam vẫn thấp hơn Lào, Campuchia là 4.000 - 5.000 đồng/lít. Cần tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84 của Chính phủ với tinh thần là nếu tình hình giá thế giới tiếp tục tăng thì phải điều chỉnh tăng giá bán lẻ trong nước; giá thế giới giảm thì từng bước khôi phục lại thuế nhập khẩu ở mức hợp lý và xem xét giảm giá bán trong nước.

Tin cùng chuyên mục