Để KH-CN là điểm tựa cho nông nghiệp - Xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Trong tương lai gần, nông nghiệp Việt Nam rất khó duy trì thành tích tăng trưởng ấn tượng về sản lượng và xuất khẩu nếu không có những bước đột phá về KH-CN, tổ chức chuỗi cung ứng và nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó, các địa phương cần triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tăng thêm giá trị cho sản phẩm nông nghiệp.
Để KH-CN là điểm tựa cho nông nghiệp - Xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Trong tương lai gần, nông nghiệp Việt Nam rất khó duy trì thành tích tăng trưởng ấn tượng về sản lượng và xuất khẩu nếu không có những bước đột phá về KH-CN, tổ chức chuỗi cung ứng và nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó, các địa phương cần triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tăng thêm giá trị cho sản phẩm nông nghiệp.

  • Nâng mức đầu tư cho nông nghiệp

Các nhà khoa học nhận định: Ở ĐBSCL, có nhiều đề tài KH-CN đã tiến hành nghiên cứu các chuỗi giá trị cho nhiều ngành hàng sản xuất, nhưng chỉ dừng lại ở mức độ mô tả, phân tích, chưa gắn kết vào trong toàn bộ tiến trình phát triển kinh tế hộ. Các giải pháp và khuyến cáo KH-CN còn mang tính tổng quát, chung chung, chưa cụ thể cho từng dạng (loại) đối tượng nông dân. Đội ngũ cán bộ ở các cơ quan KH-CN công lập thiếu động lực sáng tạo, nghiên cứu.

Thực trạng phổ biến hiện nay ở ĐBSCL là nhiều cán bộ khoa học, cán bộ khuyến nông, khuyến ngư không coi mình là chủ nhân của viện nghiên cứu, trạm kỹ thuật, không hăng say nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do chính sách, thể chế quản lý khoa học bất hợp lý, chính sách tiền lương, tài chính, khen thưởng cho hoạt động KH-CN còn nhiều bất cập.

Sự liên kết hoạt động KH-CN giữa các tỉnh, thành trong vùng còn rời rạc, dẫn đến tình trạng nhiều đề tài, dự án trùng lắp, chồng chéo, gây lãng phí, kém hiệu quả, hạn chế khả năng ứng dụng. Cụ thể như cá tra, gần như tỉnh nào cũng có đề tài nghiên cứu, quy hoạch nhưng thiếu tính gắn kết trong quy mô toàn vùng, gây lãng phí rất lớn.

Nhiều nông dân trồng bưởi Hồ lô ở Hậu Giang thu về tiền tỷ mỗi năm nhờ ứng dụng KH-CN. Ảnh: CAO PHONG

Nhiều nông dân trồng bưởi Hồ lô ở Hậu Giang thu về tiền tỷ mỗi năm nhờ ứng dụng KH-CN. Ảnh: CAO PHONG

Theo PGS-TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, nông thôn ĐBSCL có thể nhận ra 3 dạng nông hộ, mỗi dạng nông hộ có lợi thế với chuỗi giá trị của sản xuất lúa theo nhiều cách khác nhau: nhóm dễ tổn thương (ít đất, không đất, nghèo); nhóm sản xuất đủ sống (có đất, sản xuất tự cung tự cấp) và nhóm sản xuất dư thừa. Theo đó, nhu cầu KH-CN cũng khác nhau. Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong thời gian qua chưa đáp ứng cho từng đối tượng nông dân. Một cách tổng quát, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ở ĐBSCL vẫn còn bỏ ngỏ để liên kết một cách có hiệu quả nông dân với các chuỗi giá trị nông nghiệp chính yếu.

“Để nông nghiệp phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và an sinh xã hội, cần đẩy mạnh đầu tư cho nông nghiệp. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Ngoài ra cần nâng mức đầu tư cho nông nghiệp nước ta ít nhất trên 18% ngân sách. Đầu tư đồng bộ: cải tạo giống nông sản chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn.

Trong đó tập trung thủy lợi, giao thông, hỗ trợ mua máy móc, nhanh chóng hoàn thiện các cơ sở bảo quản, tồn trữ, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại…” - PGS-TS Phương Ngọc Thạc, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý TPHCM, đề xuất.

  • Hướng đến giảm giá thành, tăng giá trị

Trước những yếu kém của hàng hóa nông sản vùng ĐBSCL, các nhà khoa học trong vùng cho rằng: Cần nâng cao giá trị gia tăng thông qua các mô hình sản xuất chuyên canh, liên kết doanh nghiệp với nông dân từ đầu vào đến đầu ra; đảm bảo quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ thống nhất; đẩy mạnh hợp tác trong nông nghiệp, nối kết chuỗi giá trị trong nước với chuỗi giá trị toàn cầu; liên kết hiệp hội ngành hàng; tăng đầu tư cho bảo quản, chế biến... Trong đó, cần đột phá vào một số khâu: ứng dụng khoa học kỹ thuật để giảm giá thành sản phẩm, tăng năng suất; giảm chi phí giao dịch trong chuỗi giá trị nông sản (hệ thống nhà kho, kho chứa, hệ thống, phương tiện vận chuyện, đường sá...), tăng chất lượng sản phẩm đầu ra như thương hiệu, hệ thống phân phối...

Trong đó, cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế liên kết hợp tác trong phát triển nông nghiệp. Việc thực hiện liên kết hợp tác “4 nhà” có ý nghĩa rất lớn. Cần có chính sách thiết thực, giúp nông nghiệp mang lại lợi nhuận nhiều hơn, giúp nông dân tham gia vào những hoạt động cao hơn trong chuỗi giá trị. Khi nông dân tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm, khả năng cạnh tranh và hiệu suất sẽ cao hơn.

Điều này chỉ có thể thực hiện khi nông dân bán được sản phẩm có lãi thông qua sự gắn kết chặt chẽ giữa các thành phần tham gia chuỗi giá trị gạo: từ người sản xuất lúa đến thị trường. “Xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo ra môi trường thích hợp cho những sáng tạo KH-CN, đào tạo nhân lực cho ngành sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, tạo thuận lợi cho sự chuyển hóa tri thức thành sức sản xuất, thành ưu thế thị trường; tạo cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân, tạo ra khối lượng sản phẩm, hàng hóa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng nông thôn”, một chuyên gia nông nghiệp nhận định.

Theo các nhà khoa học, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay, Chính phủ cần có cơ chế phù hợp để các tổ chức tín dụng chuyển vốn cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện để nông dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Triển khai rộng mô hình bảo hiểm nông nghiệp, trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp có độ rủi ro cao. Ưu tiên hỗ trợ nghiên cứu nông nghiệp, cụ thể tăng đầu tư có mục tiêu cho các viện, trường trong vùng ĐBSCL; lập “Quỹ nghiên cứu nông nghiệp vùng ĐBSCL” để tài trợ cho những chương trình nghiên cứu nông nghiệp quan trọng, đặc biệt là tăng cường năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học và thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm công nghệ sinh học…
 

  • TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL: Làm cho nghề trồng lúa trở nên hấp dẫn hơn

Thế giới ngày nay, tỷ trọng lúa gạo buôn bán trên thị trường rất nhỏ so với tổng sản lượng sản xuất ra hàng năm. Lúa gạo được coi là một mặt hàng chính trị hơn là mặt hàng kinh tế. Giá cả lúa gạo trên thị trường quốc tế thường lệ thuộc vào chính sách an ninh lương thực của từng quốc gia, ít nơi người sản xuất lúa gạo trở nên giàu có… Do vậy, nếu đặt mục tiêu sản xuất lúa với mục đích an ninh lương thực quốc gia, nhà nước cần có chính sách thích hợp đối với người trồng lúa, làm cho nghề trồng lúa trở nên hấp dẫn hơn.

Trồng lúa thường gặp nhiều rủi ro, thu nhập không đủ sống, đến một lúc nào đó có thể nông dân sẽ bỏ ruộng hoặc họ chỉ sẽ hướng đến “an ninh lương thực gia đình” thì sẽ khó khăn cho an ninh lương thực quốc gia. Đảng và Nhà nước cần có giải pháp căn cơ, đầu tư thích đáng và đồng bộ cho vùng trồng lúa. Cụ thể, cần đầu tư thỏa đáng cho nông nghiệp, nông thôn ở vùng ĐBSCL - vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp quốc gia. Chú trọng đầu tư tương xứng về nghiên cứu, ứng dụng KH-CN để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo, nâng cao lợi tức, đời sống người trồng lúa.

  • Th.S Lê Thị Ngọc Dung, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM: Chính sách “tam nông” phải nhất quán, đồng bộ

Tình trạng nông nghiệp trì trệ do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc người nông dân sản xuất dựa trên kinh nghiệm là chính, vì vậy lợi nhuận thu được từ sản xuất còn thấp, không có đủ kinh phí đầu tư vào vụ sau, tiếp tục rơi vào cảnh nghèo đói. Vì vậy muốn có sự khởi sắc trong nông nghiệp của một quốc gia, nhà nước phải đưa kỹ thuật mới, giống mới, phân bón, sản phẩm hỗ trợ nông nghiệp, cho nông dân vay vốn ổn định, định giá nông sản hỗ trợ cho người nông dân, hình thành cơ chế mới trong nông nghiệp, cơ chế hợp tác xã cần mới hơn, ưu việt hơn và khuyến khích người nông dân tham gia.

Trong tình hình mới, nhà nước phải xây dựng một chiến lược nông nghiệp vùng ĐBSCL phù hợp, hỗ trợ nông dân theo hướng mới, khoa học và căn bản hơn. Chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân phải nhất quán và đồng bộ. Đó là tăng khả năng cạnh tranh của nông nghiệp, chương trình huấn luyện nông dân bài bản, trang bị hệ thống marketing hiện đại, đẩy mạnh công nghệ thông tin, đầu tư về an sinh xã hội, y tế, giáo dục, hưu trí cho nông dân trong vùng.

CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục