Du lịch Việt Nam bao giờ cho đến “mũi nhọn”?

Kỳ vọng...
Du lịch Việt Nam bao giờ cho đến “mũi nhọn”?

Với một đất nước có nhiều lợi thế về thắng cảnh, tiềm năng để phát triển du lịch như Việt Nam (VN) thì kỳ vọng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thời gian tới là điều không quá xa vời. Tuy nhiên, với sự ngổn ngang hiện có, những người tâm huyết với ngành lại e ngại. Chúng ta cần nhìn thấy những con số đẹp về lượt khách, doanh thu được công bố tăng lên hàng năm hay một sự thay đổi thật sự cho ngành du lịch?

Du khách nước ngoài tham quan hồ Ba Bể (Bắc Kạn).

Du khách nước ngoài tham quan hồ Ba Bể (Bắc Kạn).

Kỳ vọng...

Theo quy hoạch tổng thể và chiến lược phát triển ngành du lịch VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được ban hành, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020 và đến năm 2030 VN trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển. Theo đó, đến năm 2020, VN sẽ đón khoảng 10,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng khoảng 7%/năm; đạt tổng doanh thu 372.000 tỷ đồng, tương đương 18,5 tỷ USD, chiếm khoảng 7% GDP cả nước. Đến năm 2030, sẽ thu hút khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng 5,2%; tổng doanh thu đạt 708.000 tỷ đồng; tương đương 35,2 tỷ USD; chiếm 7,5% GDP cả nước.

Theo các chuyên gia kinh tế, một ngành được xem là ngành kinh tế mũi nhọn khi đóng góp ít nhất khoảng 10% vào GDP đất nước. Với những tiềm năng đang có và đang nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương - điểm nóng về tăng trưởng đón khách quốc tế của toàn cầu, VN có lý do để kỳ vọng du lịch sẽ là một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò tích cực cho sự phát triển kinh tế trong thời gian tới. Hiện nay, có nhiều thống kê cho rằng du lịch đã đóng góp khoảng 5% GDP nhưng theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hội Lữ hành VN, người có nhiều năm gắn bó với ngành du lịch trên vai trò quản lý ngành, thực chất du lịch chỉ mới góp khoảng 2%-3% vào GDP. Bỏ qua những con số, không cần tuân theo chuẩn đặt ra, ngành du lịch muốn khẳng định vai trò mũi nhọn thì cũng có thể “nhọn”! Với nhiều DN du lịch, “nhọn” hay không “nhọn” thì du lịch VN vẫn phải phát triển trong những năm tới. Điều quan trọng là phát triển như thế nào, sẽ thay đổi để đột phá hay cứ tà tà, hài lòng với tốc độ tăng trưởng ở mức một con số, khoảng 5%-7%/năm? 

Nhìn vào sự đầu tư, tốc độ phát triển của nhiều nước trong khu vực ASEAN, cả ở những nước đi trước như Thái Lan, Malaysia, Singapore và những nước đi sau du lịch VN như Campuchia, Lào… đều thấy được sự chắc chắn. Với 28,8 triệu dân, Malaysia đã đón trên 25 triệu khách quốc tế; 65,4 triệu dân Thái Lan cũng đã đón hơn 22 triệu khách quốc tế; 13,3 triệu dân, Campuchia đón 3,5 triệu khách quốc tế; với 5,2 triệu dân, Lào đã đón 2,5 triệu khách quốc tế; còn VN với gần 90 triệu dân, cùng với sự ưu đãi quá nhiều của thiên nhiên, có nhiều di sản nhưng vì sao chỉ mới có 6,8 triệu khách quốc tế đến VN?

...và thực tế

Những người tâm huyết với du lịch VN càng trở nên sốt ruột khi nhìn ra xung quanh các nước láng giềng, họ ngày một chuyên nghiệp hơn trong đầu tư, khai thác, thu hút khách. Nhiều người cho rằng, ngành du lịch Campuchia, Lào đi sau nhưng đã học hỏi và triển khai rất nhanh, sẽ vượt mặt du lịch VN trong thời gian tới. Du lịch VN có chuyển động, thay đổi nhưng quá chậm và mọi thứ vẫn còn quá ngổn ngang, không đồng bộ, đan xen, khó gỡ đã không đủ sức thuyết phục, niềm tin vào một sự thay đổi thật sự của ngành. Nhiều năm qua, DN du lịch kêu gào cần có chính sách ưu đãi cho xe ô tô nhập khẩu vận chuyển khách du lịch đang bị đánh thuế cao gần gấp đôi để giảm chi phí tour tăng cạnh tranh thì ngành giao thông lại đưa ra đề xuất giảm niên hạn sử dụng loại xe này từ 20 năm xuống còn 10 năm! Đã mua giá cao mà vòng khấu hao lại ngắn thì ai dám đầu tư? Vòng luẩn quẩn của phát triển du lịch là đấy!

Ông Tào Văn Nghệ, Tổng Giám đốc Khách sạn Rex, Chủ tịch Hội Khách sạn TPHCM cho biết, giá phòng khách sạn 5 sao tại TPHCM hiện nay bình quân khoảng 150 USD/ngày, chất lượng và dịch vụ khá cạnh tranh, giá phòng của VN thậm chí thấp hơn so với các nước trong khu vực. Đây là một yếu tố tích cực cho du lịch VN nhưng để thu hút khách nhiều hơn và cải thiện việc khách đến VN “một đi không trở lại” đòi hỏi phải có sự tham gia, hợp lực của nhiều lĩnh vực xã hội. Cái chúng ta cần là thu hút nhiều hơn lượng khách đến từ các thị trường có mức chi tiêu cao.  

Từ nhiều năm nay, VN nói nhiều đến công tác thống kê, đây là cơ sở để chúng ta biết được sự thật mà không phải ước chừng, 70% khách quốc tế đến VN “một đi không trở lại” là sự thật hay là nỗi oan của du lịch VN? Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến VN tiêu khoảng 105 USD/người/ngày theo tour trọn gói. Ngoài ra, họ chi thêm khoảng 62 USD/ngày ngoài tiền tour cho việc mua sắm. Nói một cách dễ hiểu, khách quốc tế đến VN chi tiêu khoảng 62USD/người/ngày.

Ngành du lịch Thái Lan rất chuyên nghiệp khi họ cập nhật nhanh chóng, thông tin từng sự kiện du lịch, gởi đến các phóng viên nước ngoài để quảng bá. Họ có những thông số chi tiết với từng thị trường khách, khách Mỹ đến Thái Lan chi tiêu khoảng 150 USD/ngày, khách Trung Quốc, Ấn Độ là 152 USD/ngày… Thái Lan không có Tết Nguyên đán nhưng họ vẫn tạo ra lễ hội Tết Nguyên đán để thu hút lượng lớn khách từ VN, Hồng Công, Trung Quốc đến du lịch trong dịp này. Và họ công bố đã có bao nhiêu chuyến bay, với khoảng bao nhiêu khách khởi hành từ những nước trên đến Thái Lan trong dịp này. Nói như vậy để thấy rằng, công tác thống kê đóng vai trò quan trọng trong định hướng, phát triển ngành để xây dựng chiến lược cho từng sản phẩm, thị trường khách…

Đề cập đến việc du lịch có “nhọn” được hay không, hầu hết DN, những người tham gia trong các hiệp hội ngành du lịch không lạc quan và cho rằng du lịch muốn “nhọn” thật sự phải thay đổi rất nhiều, cả về chính sách, công nghệ lẫn nguồn nhân lực mới có thể bứt phá khỏi trì trệ hiện nay.

Mỹ Hạnh

Tin cùng chuyên mục