Tổng quan doanh nghiệp Việt Nam 10 năm qua: Doanh nghiệp nhỏ tăng và càng siêu nhỏ

Ngày 18-4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã công bố báo cáo hàng năm doanh nghiệp năm 2012 với chủ đề “Chặng đường 10 năm phát triển và năng lực tiếp cận thị trường”. Nghiên cứu cho thấy, hoạt động doanh nghiệp trong 10 năm qua có nhiều diễn biến không bình thường, mang dáng dấp đặc thù chỉ có ở doanh nghiệp Việt Nam.
Tổng quan doanh nghiệp Việt Nam 10 năm qua: Doanh nghiệp nhỏ tăng và càng siêu nhỏ

Ngày 18-4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã công bố báo cáo hàng năm doanh nghiệp năm 2012 với chủ đề “Chặng đường 10 năm phát triển và năng lực tiếp cận thị trường”. Nghiên cứu cho thấy, hoạt động doanh nghiệp trong 10 năm qua có nhiều diễn biến không bình thường, mang dáng dấp đặc thù chỉ có ở doanh nghiệp Việt Nam.

  • Doanh nghiệp “không muốn lớn”

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một trong những điểm đáng chú ý của 10 năm qua là doanh nghiệp Việt Nam đang chuyển dịch theo hướng các mô hình quản trị hiện đại, hoạt động theo các hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn và cổ phần - hai loại hình doanh nghiệp này chiếm đến 80% tổng số doanh nghiệp Việt Nam.

Xét theo hình thức sở hữu, các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước ngày càng chiếm đa số với hơn 96%về số lượng doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp mà đại diện là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng cao về lao động (14,4%) và nhất là nguồn vốn (33,5%). Sự chuyển dịch doanh nghiệp cũng diễn ra khá rõ theo quy mô lao động giai đoạn 2002 - 2011. Tỷ trọng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ngày càng tăng cả về số lượng, số lao động, nguồn vốn.

Đáng lưu ý, Việt Nam đang thiếu hụt lực lượng doanh nghiệp có quy mô vừa khi loại hình này chỉ chiếm 2,1% trong tổng số doanh nghiệp trên cả nước và số doanh nghiệp này đang có xu hướng thu hẹp quy mô lao động và ít khi phát triển lên thành các doanh nghiệp có quy mô lớn về lao động. Xét theo ngành nghề kinh doanh, giai đoạn 2002 - 2010 chứng kiến sự phát triển ấn tượng của doanh nghiệp trong các ngành dịch vụ, đặc biệt ngành kinh doanh tài sản, dịch vụ tư vấn với tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 35%/năm, theo bà Hằng, “cho thấy một điều không bình thường và cần phải quan tâm”.

Một điểm đáng lưu ý tỷ trọng nguồn vốn đầu tư vào các ngành dịch vụ ngày càng nhiều, trong khi tỷ trọng đầu tư vào các ngành nông, lâm, ngư nghiệp và công nghiệp ngày càng ít; và các doanh nghiệp Việt Nam đang dần nhỏ về quy mô lao động (từ 74 người/doanh nghiệp năm 2002, xuống còn 34 lao động/doanh nghiệp năm 2011) nhưng lại lớn dần về quy mô vốn (từ 23 tỷ đồng lên 47 tỷ đồng).

Dây chuyền sản xuất giày xuất khẩu tại TPHCM. Ảnh: CAOTHĂNG

Dây chuyền sản xuất giày xuất khẩu tại TPHCM. Ảnh: CAOTHĂNG

Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2002 - 2011 không những không được cải thiện mà còn giảm đi. Trong 3 khu vực doanh nghiệp, các doanh nghiệp ngoài nhà nước có hiệu suất sử dụng lao động cao nhất, tiếp đến các doanh nghiệp nhà nước. Hiệu suất sử dụng lao động trong các doanh nghiệp giảm, nhất là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài một phần do tốc độ tăng khá nhanh của tiền lương nhưng chất lượng lao động vẫn chưa tương xứng.

Khả năng thanh toán của các doanh nghiệp trong giai đoạn này có dấu hiệu đáng báo động khi chỉ số thanh toán hiện tại, thanh toán nhanh liên tục giảm và khả năng thanh toán các khoản vay ngân hàng liên tục xấu đi (khu vực ngoài nhà nước tốt nhất trong khi kém nhất là khu vực doanh nghiệp nhà nước). Hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp ngày càng kém và các doanh nghiệp ngày càng dựa nhiều vào vốn vay.

  • Báo động về hiệu quả sử dụng vốn

Trong 6 ngành được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khảo sát, đánh giá gồm: chế biến thủy sản, sản xuất đồ uống, sản xuất cấu kiện kim loại, bán lẻ thực phẩm đồ uống, quảng cáo, giới thiệu xúc tiến thương mại, điểm chung là đều có sự tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp, lao động, tài sản, doanh thu. Doanh nghiệp trong các ngành này có xu hướng ngày càng thu hẹp quy mô lao động nhưng tăng trưởng quy mô vốn. Theo đánh giá về năng lực lao động, ngành bán lẻ thực phẩm đồ uống có hiệu suất sử dụng cao nhất và thấp nhất là giới thiệu xúc tiến thương mại.

Về năng lực tài chính, chỉ số thanh khoản 6 ngành đều có xu hướng giảm giai đoạn 2007 - 2010 trước khi được cải thiện năm 2011 và ngành chế biến thủy sản có chỉ số này thấp nhất. Về năng lực sử dụng vốn, 6 ngành đều có xu hướng giảm giai đoạn 2007-2011 và giảm mạnh nhất là ngành bán lẻ thực phẩm và đồ uống. Đây được coi là thực trạng đáng báo động về hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua. Xét về chỉ số năng lực sinh lời, tỷ lệ các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ trong 6 ngành đều tăng mạnh năm 2011, nhất là ngành thương mại dịch vụ.

Dây chuyền sản xuất áo sơ mi xuất khẩu. Ảnh: CAO THĂNG

Dây chuyền sản xuất áo sơ mi xuất khẩu. Ảnh: CAO THĂNG

Những số liệu đưa ra từ kết quả nghiên cứu mang đến một bức tranh về doanh nghiệp không lấy gì làm sáng sủa và để cải thiện điều này, nhóm nghiên cứu khuyến nghị Nhà nước cần có cách tiếp cận phù hợp hơn khi thiết kế các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng cường hơn nữa các chính sách về trợ giúp khởi sự doanh nghiệp để mỗi đồng vốn và sức lao động của doanh nhân bỏ ra được sinh sôi nảy nở.

Bên cạnh đó, các giải pháp kinh tế vĩ mô phải luôn đồng hành với việc nâng cao chất lượng công tác dự báo, phân tích diễn biến thị trường trong nước và thế giới, có biện pháp điều hành phù hợp.

Theo ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, trước những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa trong việc đưa ra những khuyến nghị gửi đến Chính phủ, Quốc hội để có động thái giúp doanh nghiệp và thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Việc hỗ trợ doanh nghiệp không phải là cơ chế xin - cho mà là trách nhiệm, nghĩa vụ của Nhà nước. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Ban Dân vận Trung ương đang tiến hành kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 09 tại các bộ, ngành để dự thảo và trình ra Bộ Chính trị thời gian tới.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, giai đoạn 2002-2012, các doanh nghiệp Việt Nam đã có các bước phát triển mạnh mẽ, từ gần 63.000 doanh nghiệp lên 312.600 doanh nghiệp đang hoạt động vào thời điểm 1-4-2012 (dù con số doanh nghiệp đăng ký hoạt động lên tới 700.000 doanh nghiệp). Số lượng lao động đã tăng hơn 2 lần, lên 11 triệu người với tốc độ tăng trưởng gần 10%. Tổng vốn các doanh nghiệp trong nền kinh tế đã tăng hơn 10 lần, từ 1,4 triệu tỷ đồng lên 15,3 triệu tỷ đồng năm 2011. Tổng doanh thu tăng từ 1,2 triệu tỷ đồng lên 10,7 triệu tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của toàn bộ khu vực doanh nghiệp đạt hơn 27% - cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng doanh nghiệp và lao động.

HÀ MY

Tin cùng chuyên mục