Khai mạc phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Ưu tiên mục tiêu tăng trưởng

Ngày 14-5, phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc tại Hà Nội. Sau phát biểu của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH đã nghe và thảo luận về Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, ngân sách năm 2012 và tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách những tháng đầu năm 2013. Cuối buổi chiều cùng ngày, UBTVQH nghe và cho ý kiến phương án phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2012.
Khai mạc phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Ưu tiên mục tiêu tăng trưởng

Ngày 14-5, phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc tại Hà Nội. Sau phát biểu của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH đã nghe và thảo luận về Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, ngân sách năm 2012 và tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách những tháng đầu năm 2013. Cuối buổi chiều cùng ngày, UBTVQH nghe và cho ý kiến phương án phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2012.

Nhiều doanh nghiệp đang chật vật vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất. Trong ảnh: Sản xuất bút bi tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long. Ảnh: CAO THĂNG

Nhiều doanh nghiệp đang chật vật vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất. Trong ảnh: Sản xuất bút bi tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long. Ảnh: CAO THĂNG

Nhiều chỉ báo một năm khó khăn

Theo Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày, so với ước thực hiện đã báo cáo QH tại kỳ họp thứ 4, QH khóa XIII, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 có thêm một chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch là mức giảm tỷ lệ hộ nghèo. Như vậy, trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết QH đề ra trong kế hoạch năm 2012, có 11 chỉ tiêu hoàn thành đạt và vượt kế hoạch. Tuy nhiên, tại phiên họp, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị rà soát lại số liệu vì cho rằng trong bối cảnh khó khăn chung, giảm nghèo khó có thể đạt được kết quả “tăng đột biến” như con số đã báo cáo QH. Một số số liệu khác cũng được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu các bộ ngành “khớp nối” và chuẩn hóa.

Về những tháng đầu năm 2013, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, lạm phát tiếp tục được kiềm chế. Tính bình quân, chỉ số giá 4 tháng đầu năm 2013 chỉ tăng 6,83% so với cùng kỳ năm 2012. Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng GDP quý 1 năm 2013 (giá so sánh 2010) ước đạt 4,89%, cao hơn cùng kỳ năm 2012 (4,75%). Ngành xây dựng, sau một thời gian trì trệ, nhờ nỗ lực tháo gỡ khó khăn của các cấp, các ngành, đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại...

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định, mặc dù mức tăng trưởng GDP quý 1 năm 2013 không cao như kỳ vọng, nhưng là mức tăng hợp lý trong điều kiện nền kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, phải ưu tiên tập trung thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Việc thực hiện các chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động, cải thiện quan hệ lao động được triển khai đồng bộ, có nhiều tiến bộ so với cùng kỳ năm trước.

Thể hiện thái độ thận trọng hơn so với những đánh giá của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH nhận định, nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, thậm chí có ý kiến cho rằng có mặt còn nghiêm trọng hơn so với năm trước. “Kinh tế 4 tháng đầu năm 2013 đạt được một số kết quả nhất định, song đa số ý kiến cho rằng các nỗ lực chính sách thực hiện thời gian qua và những kết quả tích cực đạt được ban đầu vẫn chưa bảo đảm xu thế tốt hơn. GDP quý 1-2013 tăng 4,89% so với cùng kỳ năm 2012, cao hơn mức tăng 4,75% của quý 1-2012; nhưng mức tăng này vẫn thấp hơn rất nhiều so với quý 1-2011 (tăng 5,53%) và quý 1-2010 (tăng 5,84%); tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp quý 1-2013 chỉ đạt 4,93% - mức thấp nhất của quý 1 các năm trong suốt giai đoạn 2010 - 2013” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu phân tích.

Đáng lưu ý, tăng trưởng dư nợ tín dụng 3 tháng đầu năm chỉ đạt 0,03% và đạt 1,4% trong 4 tháng đầu năm; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý 1-2013 chỉ tăng 4,9%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012 (5,9%) phản ánh khả năng hấp thụ vốn và năng lực sản xuất của nền kinh tế ảnh hưởng nghiêm trọng. Tồn kho tiếp tục là điểm nghẽn của tăng trưởng... Trong khi đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, nếu không có số thu thêm từ lãi dầu khí nước chủ nhà từ các năm trước thì ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012 sẽ hụt nguồn thu, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chi. Ông Hiển cho biết, trong năm 2013, nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cảnh báo về khả năng tiếp tục hụt thu NSNN và đề nghị Chính phủ theo dõi sát tình hình thực tế, biến động sản xuất, kinh doanh và số thu NSNN để có biện pháp điều hành thu, chi NSNN chủ động, linh hoạt, kịp thời.

Tập trung giải pháp tiền tệ

Trên cơ sở nhận định tổng cầu của nền kinh tế đang thấp, dự báo giá hàng hóa thế giới cũng không có biến động lớn, Báo cáo thẩm tra của UB Kinh tế cho rằng áp lực lạm phát năm 2013 là không cao. Do vậy, trong những tháng còn lại của năm 2013, chính sách kinh tế vĩ mô nên ưu tiên mục tiêu tăng trưởng, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 5,5% GDP. Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (tăng cung), các giải pháp tác động đến chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích tổng cầu cần được thực hiện thận trọng, linh hoạt với liều lượng thích hợp, nhưng phải kiên định và nhất quán với mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Thảo luận về tình hình kinh tế vĩ mô, đa số ý kiến trong UBTVQH thống nhất nhìn nhận năm 2013 vẫn là một năm khó khăn gay gắt. Lo ngại về tính bền vững của nguồn thu ngân sách, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc đặt câu hỏi: “Năm 2013 lấy đâu ra nguồn tăng thu nếu không có đột biến về giá dầu? Chính phủ cần xây dựng những kịch bản khác nhau để có giải pháp ứng phó”. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị phân tích, đánh giá kỹ hơn về tiến trình và hiệu quả tái cơ cấu kinh tế. Ông Lý và nhiều thành viên khác trong UBTVQH nhất trí với ý kiến của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị chú trọng những giải pháp tiền tệ một cách căn cơ, làm sao để dòng vốn thực sự đến các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Đáng lưu ý, người đứng đầu Ủy ban Pháp luật yêu cầu Chính phủ “có báo cáo bổ sung về quản lý thị trường vàng để yên dân, vì vừa qua có những ý kiến đánh giá khác nhau”.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng thẳng thắn chỉ rõ những mặt được và chưa được trong công tác điều hành. Ông nói: “So với mục tiêu tổng quát thì tăng trưởng GDP chưa hợp lý, nếu điều hành tốt có thể khá hơn. Một điểm cần đặc biệt lưu ý là nguy cơ mất cân đối ngân sách hiện hữu và khá nghiêm trọng; cần phải phân tích cụ thể các nguồn thu - chi để có giải pháp phù hợp”. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Chính phủ với các cơ quan của QH hoàn chỉnh các báo cáo trình QH tại kỳ họp tới theo hướng chưa điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng.

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ báo cáo kỹ hơn về kết quả tái cơ cấu nền kinh tế; làm rõ số tiền hoàn thuế, giải pháp xử lý số tiền tạm ứng ngân sách; cụ thể hóa số nợ xây dựng cơ bản của các địa phương... Tuy chưa thể tính toán chính xác kịch bản phát triển cho cả năm ngay từ bây giờ, nhưng các cơ quan hữu quan phải xây dựng cho được những kịch bản khác nhau để chuẩn bị đối phó với tình huống xấu nhất.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục