Bài 2 - Định hình các giải pháp then chốt

Trong bối cảnh hội nhập sâu và toàn diện sắp tới, ngành nông nghiệp phải chuẩn bị các bước đi thích hợp để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Bài 2 - Định hình các giải pháp then chốt

Hội thảo Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững:

Trong bối cảnh hội nhập sâu và toàn diện sắp tới, ngành nông nghiệp phải chuẩn bị các bước đi thích hợp để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Để làm được điều này, liên kết giữa các tổ chức kinh tế với nhau hay giữa các tổ chức kinh tế với cơ sở sản xuất, hộ nông dân để phát huy thế mạnh của mỗi bên nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng tính cạnh tranh, thương hiệu, uy tín thị trường là một xu thế tất yếu. Bên cạnh đó, việc rà soát lại cơ chế chính sách, thúc đẩy kinh tế hợp tác, tái cơ cấu và đổi mới toàn diện ngành nông nghiệp cũng là những vấn đề mà các đại biểu tham dự hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững” bàn thảo, kiến nghị nhiều giải pháp quan trọng.

Liên kết - yếu tố sống còn

“Chúng ta đang có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp nước nhà, nhưng đồng thời, cũng phải đối mặt với nhiều thách thức vì nền nông nghiệp rất dễ bị tổn thương. Đã đến lúc chúng ta không thể né tránh thách thức mà buộc phải thích ứng, đối mặt để tồn tại. Phát triển nền nông nghiệp bền vững thì cách tốt nhất là thực hiện có hiệu quả chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản...” - đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, phát biểu tại hội thảo.

Chuỗi giá trị là những hoạt động thông qua các giai đoạn sản xuất khác nhau cho đến khi phân phối đến tay người tiêu dùng cuối cùng do nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện. Chuỗi giá trị có ý nghĩa vô cùng to lớn trong sản xuất nông nghiệp, nhất là đất nước ta đang hội nhập sâu rộng với quốc tế. Sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là xuất khẩu, do đó từng người nông dân hoặc các tổ hợp tác, hợp tác xã nhỏ lẻ không thể tự thực hiện được chuỗi sản xuất và tiêu thụ ở thị trường quốc tế. Vì vậy cần phải thực hiện liên kết giữa các nông hộ - tổ chức của nông dân - các doanh nghiệp thì mới có thể đủ năng lực để đưa sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế và làm gia tăng giá trị cho chuỗi sản xuất nông nghiệp.

“Đây là vấn đề không mới, nhưng triển khai trong thực tế còn chậm và nhiều vướng mắc”, ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ) cho biết. Theo ông Trần Hữu Hiệp, thời gian qua, các địa phương đã ký kết và thực hiện nhiều chương trình hợp tác, đã phát huy hiệu quả nhất định, nhưng còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân do đâu? Thứ nhất, cho đến nay, vẫn chưa có một “cơ chế pháp lý” rõ ràng và “một mô hình chỉ đạo, điều phối” liên kết vùng thật sự hiệu quả. Thứ hai, việc liên kết mới chủ yếu giữa chính quyền với chính quyền, thông qua ký kết các chương trình hợp tác, dựa vào “mối quan hệ tốt đẹp” giữa các địa phương với nhau, là sự cam kết tự nguyện, thiếu ràng buộc trách nhiệm pháp lý, nên hiệu quả chưa tốt. Thứ ba, mặc dù chúng ta nói nhiều đến “liên kết 4 nhà”, nhưng trên thực tế, mối liên kết giữa sản xuất - chế biến - tồn trữ và tiêu thụ nông sản còn nhiều yếu kém.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân xem sản phẩm triển lãm tại hội thảo Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng quan điểm này, PGS-TS Võ Thị Thanh Lộc (Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL) cho biết: Nhìn tổng thể, mối liên kết này đang bị “chặt” ra thành nhiều khúc mà phần thiệt thòi nhất đang thuộc về nông dân. Nếu Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện, môi trường tốt thì sẽ thúc đẩy liên kết mạnh mẽ hơn, nông dân đỡ thiệt thòi. Không chỉ có liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp (liên kết dọc) hay doanh nghiệp với doanh nghiệp (liên kết ngang), theo TS Phạm Nguyên Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu sẽ giải quyết được những vấn đề cốt tử: nắm bắt được thông tin thị trường cần cái gì, cần vào thời điểm nào, cần bao nhiêu và giá cả ra sao; có thể thực hiện “sản xuất và bán cái thị trường cần, không phải bán cái chúng ta có”.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài “liên kết 4 nhà” đã được triển khai thời gian qua, yêu cầu của liên kết vùng không thể để từng tỉnh hay vài ba tỉnh tự làm với nhau, mà cần có khung pháp lý rõ ràng và một mô hình điều phối liên kết hiệu quả. Đã có một số mô hình tổ chức được đề xuất như thành lập Hội đồng vùng, nhưng theo đề xuất này thì lại đẻ thêm bộ máy, cồng kềnh về hành chính. Nhưng có thể tiếp cận theo hướng thí điểm, chọn lựa nội dung “liên kết nhà nước”, tạo cơ chế, chính sách, khuyến khích thúc đẩy “liên kết thị trường”, liên kết doanh nghiệp, các chủ thể kinh doanh. “Cần xem đây là vấn đề cụ thể thực hiện đột phá chiến lược “cải cách thể chế” - một trong ba đột phá chiến lược đã được xác định”, ông Trần Hữu Hiệp nhấn mạnh.

Chọn chính sách đòn bẩy

Ở góc độ vĩ mô, ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã mang đến hội thảo một cái nhìn mới về hướng tiếp cận chuỗi giá trị nông sản thông qua nghiên cứu. Theo đó, cần phải đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản chủ lực hiệu quả và bền vững, phù hợp với thực trạng nền sản xuất nông nghiệp với lộ trình hợp lý trong điều kiện đặc điểm Việt Nam. Giải pháp chính của vấn đề này là đổi mới thể chế, nâng cao năng lực điều phối giữa các khâu và các tác nhân tham gia chuỗi nông sản hiệu quả và bền vững; tiếp tục phân cấp, phân quyền, nhất là giảm quyền ở cấp trên, ủy quyền cho cấp dưới, cần sớm thành lập Hội đồng cạnh tranh quốc gia trực thuộc Chính phủ, có người điều hành (không kiêm nhiệm) để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, trong đó có nông sản chủ lực trong chuỗi giá trị. Ông Nguyễn Văn Hiếu khuyến nghị và đề xuất 9 giải pháp, trong đó các giải pháp then chốt là sớm trình Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch quốc gia, ban hành chính sách tài chính ưu đãi đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực quốc gia; đổi mới nhận thức và pháp luật về tư hữu đất đai và hạn điền, thành lập Viện Giống quốc gia và Cục Thương hiệu quốc gia…

Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Hồng Lan cho biết: Chuỗi giá trị nông nghiệp trải qua rất nhiều khâu, nhiều chủ thể khác nhau, nâng cao vai trò, vị thế của người nông dân, nâng cao kiến thức sản xuất nông nghiệp là yếu tố then chốt. Theo đó, đến hết quý 2-2015, tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo chỉ 5%. Để giải bài toán này, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình, nhất là Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Qua 5 năm thực hiện đề án này, các địa phương rà soát lại lao động, đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Có 2,2 triệu lượt; 42,7% học nghề nông nghiệp, số còn lại chuyển sang phi nông nghiệp. Kết quả, 78,7% có việc làm sau học nghề. Chính phủ giao cho Bộ NN-PTNT xây dựng chương trình đào tạo, tránh việc triển khai dàn trải, gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao kỹ năng sản xuất, năng lực cho nông dân

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, doanh nghiệp không thể liên kết cụ thể với từng hộ nông dân mà phải thông quan đại diện của họ. Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang xây dựng nghị định về HTX và sẽ sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định này để “siết” lại liên kết 4 nhà. Trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ NN-PTNT sẽ chọn một số sản phẩm chủ lực để làm thí điểm liên kết chuỗi, trước nhất là 2 sản phẩm cà phê và lúa gạo. Chậm nhất là cuối năm 2015 hoặc sang đầu năm 2016, Bộ NN-PTNT sẽ trình Chính phủ chỉnh sửa Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25-10-2013 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang tập trung xây dựng khung và các vấn đề liên quan đến chuẩn sản xuất an toàn (GAP) theo hướng thuận lợi hơn cho nông dân, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn và xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao toàn quốc. Phấn đấu đến năm 2020, cả nước sẽ có 10 khu nông nghiệp công nghệ cao, nhằm làm gia tăng giá trị nông sản quốc gia.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ

Để làm được vấn đề này, khoa học công nghệ luôn đóng vai trò then chốt. Đến tham dự và cùng chủ trì hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân đã nêu nhiều giải pháp quan trọng, đáp ứng được sự mong mỏi của các doanh nghiệp, HTX, nông dân sản xuất giỏi. Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, nếu không tiến hành sản xuất lớn, không thể áp dụng khoa học công nghệ. Chỉ có sản xuất lớn dưới sự liên kết mạnh mẽ giữa nông dân và HTX, nông dân và doanh nghiệp thì mới có điều kiện để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào. Từ năm 2010, khoa học công nghệ đã đổi mới để đáp ứng nhu cầu quốc gia. Hiện nay, Bộ KH-CN đang tập trung cho 9 sản phẩm quốc gia gồm 6 sản phẩm chính thức: Sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao; thiết bị siêu trường, siêu trọng; Bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin; động cơ sử dụng cho phương tiện giao thông vận tải; Sản phẩm vaccine phòng bệnh cho người và vật nuôi của Việt Nam;  Sản phẩm phục vụ an ninh quốc phòng. 3 sản phẩm dự bị gồm: Sản phẩm cá da trơn Việt Nam chất lượng cao và các sản phẩm chế biến từ cá da trơn; Sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu; Sản phẩm vi mạch điện tử. Việc lựa chọn và triển khai sản phẩm quốc gia thể hiện sự đổi mới quan trọng trong sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam. Đó là lấy sản phẩm và doanh nghiệp làm trọng tâm để thu hút và gắn kết các nguồn lực khoa học công nghệ cho việc phát triển sản phẩm, phát triển doanh nghiệp. “Khoa học công nghệ luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp và bà con nông dân”, Bộ trưởng Nguyễn Quân cam kết.

Diễn ra trong 1 ngày, thời gian làm việc không nhiều, nhưng hội thảo đã thu hút 28 ý kiến của lãnh đạo các bộ ngành, các chuyên gia, các nhà khoa học, doanh nghiệp, HTX và nông dân. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu bày tỏ: Có nhiều tham luận giá trị, chuẩn bị công phu nhưng thời gian không cho phép nên tác giả không thể trình bày tại hội trường, đề nghị các đại biểu tham khảo, tự nghiên cứu sâu hơn. Về tổng thể, có thể nói hội thảo đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Hội thảo đã lắng nghe nhiều ý kiến và các mô hình về trồng trọt, chăn nuôi, lâm sản, thủy sản trên phạm vi cả nước. Đây là những giải pháp, mô hình sáng tạo, sáng kiến từ thực tế cuộc sống, sản xuất. Hiện cả nước có 2.500 mô hình liên kết, trong đó, hơn 40% là thành công, còn 60% chưa được đánh giá. Nhiều mô hình mới xuất hiện như sản xuất nghêu ở Bến Tre, tái cơ cấu nông nghiệp ở Đồng Tháp, mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị rau quả ở tỉnh Bắc Giang, mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị ngành chăn nuôi: nghiên cứu điển hình ngành thịt heo tại Chương Mỹ (Hà Nội), sản xuất gà an toàn theo chuỗi giá trị của HTX Chăn nuôi và thủy sản Gò Công; mô hình tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị tại Bình Định, hình chuỗi giá trị nguyên liệu gỗ rừng trồng tại

Quảng Bình… Hầu hết các ý kiến tại hội thảo đều thể hiện rõ sự quyết tâm đổi mới, phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện. “Ẩn chứa bên trong các đề xuất, hiến kế phát triển nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng bền vững là trách nhiệm cộng đồng và đặc tính nhân văn của người Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Giàu đúc kết.

 Đây là lần thứ 4 Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức hội thảo về các chủ đề “nóng”. Những vấn đề nêu từ hội thảo sẽ được tổng kết, báo cáo với lãnh đạo các cơ quan Trung ương, Chính phủ, Quốc hội để định hình chính sách cho tương lai. Từ các hội thảo trước, chúng ta đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ ban hành các chính sách như xây dựng cánh đồng lớn, đóng tàu vỏ thép cho ngư dân. Tôi mong rằng Báo Sài Gòn Giải Phóng sẽ mạnh mẽ hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, cùng với các cơ quan báo chí khác, phối hợp tổ chức bàn thảo những vấn đề quan trọng đang đặt ra, để góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

TRẦN MINH TRƯỜNG

TS Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL:

Để nông nghiệp “giữ chân” nông dân

Nông nghiệp, nông thôn và nông dân ĐBSCL sẽ bị áp lực rất lớn trong tiến trình hậu WTO, TPP và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Nếu không có giải pháp ngay từ bây giờ rất khó tận dụng cơ hội và vượt các thử thách để phát triển vùng ĐBSCL một cách bền vững trong tương lai. Liên kết vùng và tham gia “4 nhà” là cơ chế nhằm tập hợp nguồn lực tổng hợp phát triển. Vấn đề bức thiết đặt ra hiện nay là Nhà nước cần có chiến lược dài hạn về sản xuất và tiêu thụ nông sản, trước mắt có thể triển khai một số ngành hàng chủ lực như lúa gạo, trái cây, cá tôm. Cần tổ chức lại sản xuất, giải quyết vấn đề nông hộ nhỏ để sản xuất theo hướng hàng hóa; sản xuất theo chuỗi ngành hàng, đẩy mạnh mối liên kết DN và nông dân.

Đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn là chủ trương rất đúng (QĐ 1956). Cần đào tạo, dạy nghề cho 1/3 lao động nông thôn để làm nông dân, còn 2/3 lao động nông thôn khác học nghề phi nông nghiệp để chuyển đổi sang ngành nghề khác. Đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong sản xuất, áp dụng KHCN tiên tiến để tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất nhằm giảm giá thành sản phẩm. Việt Nam cần tiến tới ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để có sản phẩm có giá trị cao, có sức cạnh tranh tốt trên thị trường trong nước và thế giới. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu và thị trường, đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp, triển khai chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề, du lịch sinh thái.

Có giải quyết được những vấn đề trên để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp mới làm tăng giá trị nông sản, tăng thu nhập của nông dân, cải thiện căn cơ đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn. Có như vậy mới làm cho người nông dân thấy rằng nông nghiệp vẫn còn là “nghề hấp dẫn” và nông thôn vẫn là nơi yên bình đáng sống, từ đó hạn chế tình trạng nông dân rời bỏ ruộng vườn.

TS. Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank):

Cam kết đồng hành phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp

Trong những năm qua, VietinBank luôn chủ động, tích cực đáp ứng vốn cho vay phát triển nông nghiệp với mức tăng trưởng dư nợ cho vay bình quân 14%/năm. Theo số liệu đến cuối tháng 6-2015, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của VietinBank đạt 95.000 tỷ đồng, và dự kiến đến cuối năm 2015 đạt 100.000 tỷ đồng, chiếm 16% tổng dư nợ cho vay.

Để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, nhà nước cần ban hành chính sách khuyến khích phát triển, hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Tăng ngân sách đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng trong nông nghiệp bằng cơ chế, chính sách hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp. Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, cần có thêm các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao nhằm từng bước hiện đại hóa ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường khó tính. Có cơ chế khuyến khích phát triển sản phẩm nông sản lợi thế, có khả năng cạnh tranh và thị trường tiêu thụ; Sớm quy hoạch và xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng, đảm bảo tính kết nối giữa các khu vực kinh tế nông nghiệp nhằm tạo nên vành đai kinh tế có tính liên kết, hỗ trợ.

VietinBank luôn đồng hành cùng doanh nghiệp tiên phong trong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững. Song song với các giải pháp nguồn vốn, VietinBank có chính sách ưu đãi, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt sang các thị trường mới. Ngân hàng sẵn sàng dành nguồn vốn ưu đãi để đáp ứng nhu cầu tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững; nhất là đối với các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên. VietinBank sẽ đảm bảo thực hiện tốt vai trò trung gian vốn, cung cấp tín dụng và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng tới mọi đối tượng, thành phần kinh tế; khuyến khích và ưu tiên đối tượng chính sách hay các dự án có tính khả thi cao. Đối tượng cũng được mở rộng từ các cá nhân hộ gia đình, chủ trang trại, HTX tới các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hoặc cung ứng dịch vụ cho sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp.

Ông Trần Văn Đức, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex):

Nâng cao chuỗi giá trị sản xuất dừa

Bến Tre từ lâu đã được mệnh danh là “Thủ phủ dừa” của Việt Nam. Toàn tỉnh Bến Tre hiện có hơn 68.000ha diện tích trồng dừa, chiếm khoảng 41% diện tích trồng dừa cả nước, với sản lượng thu hoạch bình quân khoảng 520 triệu trái/năm, năng suất bình quân 9.000 trái/ha/năm, làm nền tảng cho phép hình thành một ngành kinh tế dừa độc đáo, duy nhất trong cả nước. Bối cảnh hội nhập và hiện trạng ngành dừa đặt ra cho ngành dừa 3 yêu cầu hết sức cấp thiết, đó là: Yêu cầu về bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh cho cây dừa trước ngưỡng cửa gia nhập TPP. Yêu cầu tạo sự ổn định và phát triển bền vững, nâng cao giá thu mua dừa cho bà con nông dân, tạo tiền đề cho sự phát triển và hợp tác bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân. Yêu cầu tạo sự gắn kết và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị ngành dừa tập trung hợp lý hài hòa ở cả khâu: trồng dừa, chế biến, tiêu thụ… để thúc đẩy ngành dừa phát triển nhanh và bền vững.

Để giải quyết được các yêu cầu đó đòi hỏi cần có sự liên kết toàn diện của các chủ thể trong chuỗi giá trị cây dừa, đây là một điều kiện tiên quyết và tất yếu. Mục tiêu của mô hình liên kết là hướng đến sự phát triển bền vững. Tạo nguồn nguyên liệu ổn định và có chất lượng phục vụ sản xuất. Góp phần ổn định và nâng cao đời sống người nông dân trồng dừa và giá trị cây dừa. Góp phần phát triển vườn dừa, thay đổi diện mạo nông thôn mới và góp phần an sinh xã hội. Các Tổ hợp tác là các nhóm liên kết sản xuất nhằm giúp cho người nông dân có sức mạnh và tiếng nói mạnh mẽ hơn, chia sẻ các kinh nghiệm và phương tiện canh tác. Do đó cần phải xây dựng mô hình liên kết mới với sự kết hợp hài hòa giữa mô hình Hợp tác xã và mô hình Tổ hợp tác để nông dân thật sự trở thành một lực lượng có đủ sức mạnh để duy trì sự cân bằng và bền vững trong chuỗi phân phối.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam:

Cần tư duy mới về phát triển nông nghiệp, nông thôn

Một trong những cách tiếp cận hiệu quả trong chuỗi giá trị nông nghiệp là gắn hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX với xây dựng nông thôn mới và hoàn thiện cơ chế chính sách cho HTX; Liên kết và nâng cao kỹ năng cho nông dân. Theo đó, xây dựng các mối liên kết trong phát triển sản xuất đã có nhiều cách tiếp cận “tam nông” hiệu quả. Phải có doanh nghiệp có tâm huyết, năng lực thực hiện đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Nông dân phải có trình độ tương đối để nắm bắt và đưa ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cần phải có một tư duy mới về phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững theo phương pháp chuỗi giá trị. Đây cũng là nội dung tổng hợp để hình thành nông thôn mới. Theo đó, nhà nước cùng tư nhân đầu tư thực sự đích đáng cho nông thôn kiểu mới, tạo công ăn việc làm ở nông thôn bằng việc xây dựng cấu trúc hạ tầng tối thiểu, mở thị trường nông thôn, nâng cao trình độ quản lý nông thôn…

Nông thôn mới, đòi hỏi phải có nông dân kiểu mới, không được đào tạo một cách tràn lan, đủ loại kiến thức cho nông dân như cách làm hiện nay. Nông dân trong các HTX hoặc tập đoàn sản xuất có liên kết với doanh nghiệp đầu ra phải được đào tạo nhuần nhuyễn kiến thức và kỹ năng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP theo đặt hàng của doanh nghiệp. Nông dân kiểu mới sẽ không tự sản xuất theo ý, hoặc kinh nghiệm mà phải triệt để tuân theo tiêu chuẩn GAP. Còn doanh nghiệp phải tìm, hoặc mở được thị trường tiêu thụ; tổ chức liên kết với nông dân vùng quy hoạch nguyên liệu, phối hợp với các cơ quan khoa học để có quy trình GAP huấn luyện cho nông dân, đầu tư cho nông dân sản xuất… Ngoài ra, doanh nghiệp phải lập kế hoạch thu hoạch nguyên liệu, chế biến theo kỹ thuật cạnh tranh, đăng ký xây dựng thương hiệu… Tất cả việc làm trên nhằm tiến tới một chính sách mới hơn để nông dân gắn bó với doanh nghiệp.

Để đưa nông dân vào guồng máy sản xuất lớn trong nền nông nghiệp hiện đại, phải giải quyết được bài toán tích tụ ruộng đất. Vấn đề này nhiều nhà quản lý, nhà khoa học đã lên tiếng, coi đây là cứu cánh quan trọng để phát triển nông nghiệp. Quy hoạch vùng sản xuất ổn định cho sản phẩm cũng là vấn đề cấp bách. Quy hoạch phải rõ ràng, phải mang tính lâu dài, phải tạo vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô sản xuất lớn, có chính sách đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho nông thôn, như: hệ thống thủy lợi, trạm bơm điện… Thị trường bấp bênh chính là lý do sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.

PGS-TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ĐBSCL:

Liên kết vùng phát triển “tam nông ĐBSCL”

Liên kết vùng và tham gia “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, và nhà nông) để phát triển “tam nông” ở ĐBSCL là việc làm quan trọng và là hướng đi mang tính “chiến lược kép”. Vì qua liên kết và tham gia này sẽ sử dụng nguồn lực và thúc đẩy thực hiện chương trình hành động của Chính phủ và chương trình địa phương về phát triển “tam nông” hiệu quả hơn, đồng thời cũng là nền tảng tham gia ứng phó với tác động biến đổi khí hậu đến ĐBSCL trong tương lai mà từng tỉnh, từng địa phương và từng ngành khó thực hiện được. Vì thế chương trình liên kết vùng với 5 đề án, bao gồm: Phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo; Phát triển sản xuất và tiêu thụ cây ăn quả chủ lực; Phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra/basa và tôm; Nâng cao năng lực nông thôn thông qua đào tạo nghề cho nông dân và cán bộ cơ sở phục vụ 3 hợp phần trên và nghề phi nông nghiệp; Cải tiến cơ chế, tổ chức và chính sách cho phát triển 4 dự án trên.

Mục tiêu là liên kết được bộ, ngành cấp Trung ương, Chính quyền địa phương, viện, trường và doanh nghiệp để hỗ trợ nông dân phát triển bền vững các ngành hàng nông nghiệp chủ lực ở ĐBSCL thông qua liên kết theo vùng có lợi thế sinh thái với sự tham gia “4 nhà”. Kết quả chương trình sẽ là nền tảng khoa học và thực tiễn vững chắc để phát triển cơ chế, tổ chức và chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh ngành hàng và tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa, cây ăn trái, cá tra/ba sa và tôm, trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và phát triển nông thôn ở ĐBSCL.

HÀM LUÔNG - BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục