Phải tính đến cơ chế kiểm soát quyền lực

Mới đây, Bộ KH-ĐT đã công bố dự thảo Nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước. Trong đó nội dung quan trọng nhất là thành lập cơ quan chuyên trách có tên gọi Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, đề xuất này đang nhận nhiều ý kiến trái chiều của các bộ ngành, chuyên gia. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý nghiên cứu kinh tế Trung ương, đơn vị được Bộ KH-ĐT giao chủ trì soạn thảo nghị định này.
Phải tính đến cơ chế kiểm soát quyền lực

Thành lập “siêu ủy ban” quản lý vốn nhà nước trong DNNN

Mới đây, Bộ KH-ĐT đã công bố dự thảo Nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước. Trong đó nội dung quan trọng nhất là thành lập cơ quan chuyên trách có tên gọi Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, đề xuất này đang nhận nhiều ý kiến trái chiều của các bộ ngành, chuyên gia. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý nghiên cứu kinh tế Trung ương, đơn vị được Bộ KH-ĐT giao chủ trì soạn thảo nghị định này.

TS Nguyễn Đình Cung

* Phóng viên: Thưa ông, vì sao phải đổi mới cách thức thực hiện quyền sở hữu trong vấn đề này?

* TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG: Cần phải xem xét điều này như một xu hướng, một yêu cầu cải cách kinh tế Việt Nam, chuyển sang một nền kinh tế thị trường đầy đủ, thị trường hơn, cạnh tranh hơn. Đây là việc đổi mới cách thức thực hiện quyền sở hữu. Đầu tiên, trong nền kinh tế thị trường, nhà nước thực hiện nhiều chức năng, trong đó có chủ sở hữu, hoạch định chính sách, điều tiết thị trường… Những chức năng này khi để một bộ thực hiện thì sẽ xung đột về mặt lợi ích và các chính sách, cách thức thực thi chính sách. Các bộ sẽ ưu tiên cho DN thuộc quyền mình và thị trường sẽ rất méo mó trong huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực của nền kinh tế. Vì thế, nền kinh tế sẽ luôn phát triển dưới tiềm năng, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân. Đặc biệt, khi các bộ đều thực hiện chức năng chủ sở hữu, thực hiện cách phân tán, rườm rà… tưởng rằng sẽ có kết quả tốt do phối hợp được với nhau, nhưng thực tế, do không chuyên trách, chuyên nghiệp, nên khi có vấn đề xảy ra thì không ai chịu trách nhiệm cuối cùng về việc đầu tư không hiệu quả.

* Ông có thể lấy một ví dụ cụ thể?

* Chẳng hạn chính sách đối với ngành thép của Bộ Công thương. Thông thường, nếu DN thép nào thua lỗ, nó phải phá sản. Nhưng Bộ Công thương lại xin ưu đãi để cứu một DN thua lỗ. Trong khi lẽ ra thực hiện chính sách ngành là phải làm cho ngành đó bình đẳng, đừng vì DN của mình mà đi xin ưu đãi, đầu tư thêm vào các DN thua lỗ. Tôi dám chắc Bộ Công thương sẽ không xin ưu đãi cho một DN thép tư nhân đang thua lỗ. Chúng ta có hàng trăm ví dụ như thế trong nền kinh tế. Bất cứ DN nào thua lỗ, không trả nợ được là sẽ giảm thuế, ưu đãi, tăng vốn… để cứu nó. Chính sách không thể ưu ái cho một số DN nào như vậy.

* Nhưng rõ ràng hiện nay, vốn nhà nước ở một số DN vẫn đang sinh lời?

* Vấn đề là chúng ta không có chính sách sở hữu rõ ràng. Chẳng hạn như việc nhà nước đầu tư vào Vinamilk, chính sách chủ sở hữu ở đây là gì? Có vẻ như chính sách chủ sở hữu chỉ giữ ở mức chi phối mà thôi. Xét về phát triển, đó là một chính sách chủ sở hữu sai lầm. Lẽ ra khi Vinamilk phát triển lên, thì Nhà nước hoặc là phải đầu tư thêm, nếu không đầu tư thêm thì phải nhường dư địa cho các nhà đầu tư khác để Vinamilk phát triển hơn nữa. Tỷ lệ sở hữu có thể giảm đi, nhưng thu nhập sẽ tăng lên. Cả nhà nước và xã hội đều tăng thêm thu nhập từ sự phát triển này. Việc giữ tỷ lệ chi phối mục đích có thể chỉ vì những con người đang thực hiện quyền chủ sở hữu chứ không vì lợi ích nhà nước, vì lợi ích của phát triển. Vì thế, tôi cho rằng, chính sách chủ sở hữu cần phải được xem xét về tính hợp lý ở từng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) xem chính sách sở hữu ấy đang phục vụ lợi ích cho ai.

Dây chuyền sản xuất thép tại một doanh nghiệp trong nước. Ảnh minh họa: T.L

* Một số bộ, ngành, chuyên gia đã lên tiếng tỏ ý nghi ngờ về ủy ban này. Ông có nhận định gì?

* Khi thành lập ủy ban này, các bộ sẽ không còn quyền gì đối với những DNNN mà các bộ đang nắm. Chỉ những người không hiểu biết gì về thực trạng quản lý tài sản nhà nước như thế nào mới tỏ ra nghi ngờ. Thực tế hiện nay không hề có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, thực hiện chủ sở hữu nhà nước. Bây giờ, thử hỏi một bộ trưởng xem tình hình một công ty thuộc bộ ra sao, chỗ nào lỗ, chỗ nào đang sinh lời… chắc chắn không bộ trưởng nào nói được. Nếu muốn biết, họ lại phát công văn đi hỏi. Trong khi lẽ ra nhà đầu tư cần phải biết được tất cả những điều đó để thực hiện đúng chức năng chủ sở hữu nhà nước tại DN.

* Theo ông nói, vậy các bộ đang là chủ quản các DNNN sẽ bị ảnh hưởng, ông có lo họ sẽ phản đối đến cùng hay không?

* Chắc chắn họ sẽ phản đối. Bởi việc thành lập ủy ban không chỉ thay đổi cách thức phân bổ nguồn lực, mà còn thay đổi cách phân bổ quyền lực. Hiện các bộ đang thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước. Nếu ủy ban được thành lập chắc chắn các bộ sẽ mất đi thẩm quyền và những lợi ích kèm theo.

Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh rằng, khi đưa tài sản nhà nước về quản lý tập trung, hiệu quả sử dụng và giá trị của tài sản nhà nước sẽ tăng thêm. Điều này tốt hơn cho phát triển và ngân sách. Ủy ban cũng sẽ mở ra một không gian mới về sử dụng tài sản nhà nước và cơ hội mới cho khu vực tư nhân phát triển. Ngoài ra, các DNNN nếu có ủy ban, họ chỉ có một cơ quan chỉ đạo. Chế độ báo cáo, giải trình sẽ tốt hơn, quyền tự do kinh doanh sẽ được mở rộng hơn, ít đi những cam kết hành chính vào quản trị nội bộ cũng như các hoạt động kinh doanh.

* Vậy ủy ban sẽ theo mô hình nào?

* Câu hỏi này không dễ trả lời. Căn cứ vào chức năng thì thấy rằng, có một số mảng như đầu tư, quản trị, theo dõi, giám sát việc đầu tư tài sản ở các tập đoàn, tổng công ty… rồi cơ cấu lại danh mục đầu tư nhà nước vào những ngành, những nghề quan trọng của đất nước, ở những khu vực mà nhà nước chưa làm, tư nhân chưa đầu tư. Nếu đặt vấn đề kinh tế nhà nước vẫn có vai trò dẫn dắt nền kinh tế, thì phải tìm kiếm mô hình và cách thức vận hành của ủy ban. Từ đó, thiết kế nghị định về cơ cấu, cách thức vận hành, giám sát, đánh giá hoạt động trong việc thực hiện chức năng đầu tư, kinh doanh trong nền kinh tế. Chúng tôi đang rất cần thêm những sáng kiến chân thành từ các chuyên gia và toàn xã hội, bởi yêu cầu quản lý tập trung tài sản nhà nước đã rất cấp bách.

* Với những yêu cầu như thế, chắc chắn nhân lực của ủy ban sẽ phải rất… đặc thù?

* Đó sẽ là những CEO, chuyên viên đầu tư tài chính, phân tích, dự báo, quản trị rủi ro… Việt Nam hiện nay có đầy đủ những con người như thế để tuyển dụng. Vấn đề là chúng ta có cởi mở để tuyển dụng họ không mà thôi. Tôi cũng chưa hình dung một cách cụ thể. Nhưng chắc chắn một điều, nếu “bốc” mấy ông vụ trưởng ở các bộ sang cơ quan này thì sẽ không hiệu quả. Bởi họ vẫn mang tư duy truyền thống, tư duy cũ về quản lý hành chính nhà nước. Nếu áp tư duy hành chính cho cơ quan này, thì chúng ta đã nhìn thấy trước thất bại.

* Nếu được thành lập, Ủy ban sẽ thực hiện tư cách sở hữu một khối tài sản khổng lồ, vậy Ủy ban sẽ chịu trách nhiệm và chịu sự giám sát thế nào?

* Giám sát chắc chắn là một yếu tố quyết định sự thành bại của cơ quan này. Nhiều quyền lực thì giám sát cần phải mạnh và hiệu quả, đảm bảo Ủy ban phục vụ lợi ích chung. Phải tính đến cơ chế kiểm soát quyền lực. Để thực hiện được giám sát, cần phải thiết lập được một hệ thống thông tin đầy đủ về tài sản của hệ thống DNNN. Kết quả đầu tư, kinh doanh phải được nắm chắc, công khai hóa và báo cáo thường xuyên để đánh giá sự tuân thủ các mệnh lệnh, pháp luật và đánh giá rủi ro trong đầu tư. Chế độ công khai, minh bạch thông tin cũng phải được tuân thủ để các chuyên gia, thị trường, báo chí… giám sát. Những điều này sẽ giảm đến tối đa sự lạm dụng quyền lực của Ủy ban.

* Xin cảm ơn ông!

PHAN THẢO - THANH GIANG

Tin cùng chuyên mục