Làm việc ở Liên Xô cũ, lương hưu ra sao?

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM trả lời thư bạn đọc về lương hưu khi làm việc ở nước ngoài và việc đang lãnh lương hưu mà chuyển định cư ra nước ngoài thì việc nhận lương hưu một lần được tính cụ như thế nào...
* Tôi có thời gian 6 năm (1987-1993) được xí nghiệp cử đi lao động hợp tác ở Liên Xô cũ. Nay tôi sắp về hưu, vậy thời gian làm ở nước ngoài 6 năm của tôi giờ tính như thế nào? Khi hoàn thành thời gian làm việc ở nước ngoài, tôi chuyển ra làm việc cho xí nghiệp tư nhân. Tôi vừa có thời gian làm việc ở doanh nghiệp nhà nước và thời gian làm việc ở doanh nghiệp tư nhân thì cách tính lương hưu ra sao?
(Bạn đọc có email nguyendim…@gmail.com)
- Bà NGUYỄN THỊ THU, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM: Về việc tính cộng nối thời gian làm việc ở nước ngoài với thời gian công tác có đóng BHXH để tính hưởng BHXH, theo Khoản 4, Điều 23 Nghị định số 115/2015, người lao động thuộc biên chế của các cơ quan, đơn vị nhà nước được cử đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, nếu sau khi về nước không được đơn vị cũ tiếp nhận lại và chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc, trợ cấp một lần thì được xem xét tính cộng nối thời gian làm việc trong nước trước khi đi làm việc ở nước ngoài và thời gian làm việc trong thời hạn ở nước ngoài với thời gian công tác có đóng BHXH sau này để tính hưởng BHXH. 
Theo Khoản 3, Điều 35 Thông tư số 59/2015 của Bộ LĐTB-XH, thành phần hồ sơ đề nghị tính thời gian được cử đi hợp tác lao động có thời hạn ở nước ngoài theo hiệp định của Chính phủ, gồm: a) Lý lịch gốc, lý lịch bổ sung, các giấy tờ gốc có liên quan đến thời gian làm việc, tiền lương của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; Lý lịch do người lao động khai khi được đơn vị khác tiếp nhận. b) Bản chính “Thông báo chuyển trả” hoặc “Quyết định chuyển trả” của Cục Hợp tác quốc tế về lao động (nay là Cục Quản lý lao động ngoài nước) cấp, hoặc giấy xác nhận về thời gian đi hợp tác lao động để giải quyết chế độ BHXH của Cục Quản lý lao động ngoài nước. c) Giấy xác nhận chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc, trợ cấp một lần sau khi về nước của cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý người lao động trước đi công tác, làm việc có thời gian ở nước ngoài. Trường hợp cơ quan, đơn vị đã giải thể thì cơ quan, đơn vị quản lý cấp trên trực tiếp xác nhận. Nếu ông/bà thuộc trường hợp nêu trên, cần cung cấp các hồ sơ, giấy tờ gốc có liên quan theo quy định tại Thông tư 59 và nộp hồ sơ theo Phiếu giao nhận hồ sơ 624 tại cơ quan BHXH nơi đang tham gia để xem xét, giải quyết theo quy định.
Về mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, đề nghị ông/bà tham khảo Khoản 3, Điều 20 Thông tư 59/2015.
Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, áp dụng theo Khoản 3, Điều 62 của Luật BHXH và Khoản 3, Điều 9 Nghị định 115/2015. 
* Nếu đang lãnh lương hưu mà chuyển định cư ra nước ngoài thì việc nhận một lần được tính cụ thể thế nào? Trường hợp ủy quyền cho người khác lãnh giùm thì được lãnh như thế nào và lãnh đến lúc nào; nếu người đó qua đời ở nước ngoài, làm sao Nhà nước biết?
 (Một bạn đọc tên Tâm)
- Mức trợ cấp một lần đối với người đang hưởng lương hưu ra nước ngoài để định cư được tính theo thời gian đã đóng BHXH, trong đó mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 được tính bằng 1,5 tháng lương hưu đang hưởng, mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi được tính bằng 2 tháng lương hưu đang hưởng; sau đó mỗi tháng đã hưởng lương hưu thì mức trợ cấp một lần trừ 0,5 tháng lương hưu. Mức thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu đang hưởng.
Theo Quyết định số 828 ngày 27-5-2017 của Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, trường hợp ủy quyền cho người khác lãnh thay thì người hưởng lập giấy ủy quyền theo mẫu 13-HSB hoặc hợp đồng ủy quyền theo quy định của pháp luật. Thời hạn của giấy ủy quyền theo thỏa thuận của người ủy quyền và người được ủy quyền, nếu không thỏa thuận thì thời hạn ủy quyền là 1 năm kể từ ngày xác lập việc ủy quyền. Trường hợp người hưởng qua đời thì người được ủy quyền có trách nhiệm thông báo kịp thời cho cơ quan BHXH, nếu vi phạm phải hoàn trả số tiền đã nhận và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Bạn đọc gửi câu hỏi theo địa chỉ: Ban Chính trị - Xã hội, Báo SGGP, số 432 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM; hoặc điện thoại 0914 446618, email: duongloan@sggp.org.vn

Tin cùng chuyên mục