Nguồn nhân lực công nghệ cao, thu hút bằng cách nào?

Trăn trở ngày về
Nguồn nhân lực công nghệ cao, thu hút bằng cách nào?

TPHCM đã xác định lấy khoa học - công nghệ (KH-CN), trong đó công nghệ cao là nhân tố quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhưng cơ chế chính sách hỗ trợ chưa tạo ra một môi trường làm việc thuận lợi cho những người trẻ… Đây là trăn trở lớn nhất được nhiều trí thức trẻ nêu lên tại Hội thảo “Trí thức trẻ tham gia phát triển công nghệ cao” do Khu Công nghệ cao TPHCM (Khu CNC), Thành đoàn và Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM phối hợp tổ chức mới đây.

Lĩnh vực công nghệ sinh học đang rất cần người giỏi.

Lĩnh vực công nghệ sinh học đang rất cần người giỏi.

Trăn trở ngày về

Lấy học vị Tiến sĩ ngành Vật liệu tại Hàn Quốc, TS Phan Bách Thắng trở về nước và công tác tại Khoa Khoa học vật liệu (ĐH KHTN TPHCM), tuy nhiên đã có thời điểm anh đứng trước lựa chọn về nước hay ở lại tiếp tục nghiên cứu cùng những giáo sư giỏi về vật liệu học.

Theo TS Phan Bách Thắng, hiện có rất nhiều trí thức trẻ Việt Nam sau khi nhận học vị ở nước ngoài đã quyết định không trở về nước làm việc. Họ chọn làm việc tại các công ty hoặc tiếp tục nghiên cứu khoa học theo chương trình sau tiến sĩ. Thù lao trả cho đối tượng này tham gia chương trình sau tiến sĩ ở một số nước châu Âu trong khoảng 2.500 - 4.500 EUR/tháng, tại châu Á khoảng 2.000 - 3.500 USD/tháng.

Thời gian gần đây, một số trường đại học ngoài hệ thống Đại học Quốc gia đã có mức khởi điểm cho tiến sĩ về công tác tại đơn vị là trên 10 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, số lượng tuyển dụng thành công còn rất thấp vì công việc chủ yếu là giảng dạy, rất ít cơ hội nghiên cứu khoa học.

Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Dụng Tài, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư - Phát triển - Công nghệ Việt Empire Casting, cho biết: “Khi ở lại, chúng tôi cũng không cần quá bận tâm tìm kiếm nguồn tài trợ cho các đề tài, lại được làm việc trong môi trường đầy đủ trang thiết bị, dễ dàng phát triển chuyên môn nhờ sự hướng dẫn của các chuyên gia hàng đầu thế giới. Công việc chủ yếu của các tiến sĩ trẻ khi về nước là công việc “bàn giấy” trong khi đó ở nước ngoài, lấy học vị tiến sĩ chỉ là bước khởi đầu của quá trình nghiên cứu tạo sản phẩm công nghệ cao”.

Tìm cách làm hiệu quả

Việt Nam có khoảng 5.000 sinh viên đang du học tại các nước theo diện học bổng của Nhà nước và hơn 38.000 viên du học tự túc. Riêng ở TPHCM, chương trình đào tạo 300 (giai đoạn 2001 - 2005) và 500 (giai đoạn 2006 - 2010) thạc sĩ, tiến sĩ ở Mỹ, Anh, Australia vẫn còn tiếp tục. Nhiều người cho rằng đây là lực lượng có bầu nhiệt huyết, có sức khỏe, kiến thức hiện đại, có khả năng tiếp thu và phát triển các kiến thức mới để phục vụ đòi hỏi mới.

Nhưng theo TS Tạ Đình Uyên, người từng có thời gian làm việc tại NASA, hiện công tác tại Trường ĐH Quốc tế, muốn thu hút được lực lượng có trình độ này, TPHCM phải có những hỗ trợ cụ thể và rõ ràng hơn nữa. Đơn cử tại Mỹ, chương trình SBIR 1 là chương trình hỗ trợ 70.000 USD để đưa ra ý tưởng khoa học, những phát minh về mặt lý thuyết để đăng báo. Sau khi chứng minh được ý tưởng có khả năng thành công, họ sẽ được hỗ trợ thêm 500.000 đến 700.000 USD để sản xuất sản phẩm đầu tiên ra thị trường (SBIR 2). Nếu thành công, Chính phủ sẽ hỗ trợ thành lập công ty. “Nhờ mô hình hỗ trợ như vậy, chúng tôi toàn tâm toàn ý phát triển sản phẩm mà không vướng bận đến chuyện tiền bạc. Chính vì vậy, Khu CNC, với khát vọng là trái tim KH-CN của TPHCM, phải trở thành nơi đứng đầu, khuyến khích người trẻ tham gia nghiên cứu. Đặc biệt, không chỉ hỗ trợ chế tạo, sản xuất, Khu CNC phải là cầu nối đưa ý tưởng đó thành sản phẩm ra thị trường. Một Khu CNC muốn phát triển bền vững phải có năng lực nội sinh mạnh”, TS Uyên kiến nghị.

Còn TS Vũ Thị Hạnh Thu, hiện công tác tại Trường ĐH KHTN TPHCM nhận định, với các tiến sĩ trẻ mới ra trường, không cần lương bổng quá cao. Cái họ cần là một môi trường làm việc thuận lợi. Tránh để họ rơi vào hoàn cảnh “ngồi tháp ngà, lĩnh lương công chức”. Khu CNC với lợi thế về cơ sở hạ tầng, nên chủ động tập hợp, tạo ra các nhóm nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia, với từng dự án, chương trình nghiên cứu hẳn hoi… đó là cách làm mang lại hiệu quả cao hơn so với việc các tiến sĩ trẻ tự đề xuất đề tài và nghiên cứu độc lập như hiện nay.

Mới đây, Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển CNC đến năm 2020. Mục tiêu của chương trình đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp CNC đạt khoảng 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và đến năm 2020 là 40%. Để thực hiện nhiệm vụ kể trên, Nhà nước sẽ bồi dưỡng nghiệp vụ và nâng cao trình độ chuyên môn cho 500 lãnh đạo chủ chốt của các dự án sản xuất sản phẩm CNC, 10.000 kỹ sư và những người làm công tác nghiên cứu. Ngoài ra, Nhà nước cũng sẽ huy động 500 chuyên gia nước ngoài, 1.000 chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài, tham gia hoạt động CNC tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu và sản xuất sản phẩm CNC của Việt Nam.

Tường Hân

Tin cùng chuyên mục