Mở không gian cho gánh hàng rong

Viện Nghiên cứu và phát triển TPHCM (HIDS) vừa đề xuất, bên cạnh việc đưa ra khu vực nghiêm cấm hàng rong, các quận huyện cần xác định nơi đủ điều kiện và cho phép gánh hàng rong hoạt động, đi kèm đó là các quy định quản lý người bán....
Người bán hàng rong được phép kinh doanh trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm (quận 1) theo giờ Ảnh: KIỀU PHONG
Người bán hàng rong được phép kinh doanh trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm (quận 1) theo giờ Ảnh: KIỀU PHONG
Vỉa hè đa chức năng
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng HIDS, các đề xuất nêu trên xuất phát từ kết quả đề tài nghiên cứu khoa học về quản lý, sử dụng vỉa hè do HIDS thực hiện. Kết quả nghiên cứu đã được HIDS báo cáo với UBND TP và Thành ủy TPHCM. Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu là Thạc sĩ Nguyễn Mai Anh, Phòng Nghiên cứu quản lý đô thị (thuộc HIDS), nhận xét nếu hiểu vỉa hè đơn giản chỉ dành cho người đi bộ, hạ tầng kỹ thuật và xem nhẹ hoặc loại trừ các chức năng khác sẽ tạo ra xung đột không đáng có. Song, dù có loại trừ thì các chức năng khác vẫn tồn tại. “Vỉa hè là không gian công cộng, liên quan đến các vấn đề kinh tế - xã hội của TP. Các hoạt động trên vỉa hè đã diễn ra trong suốt quá trình lịch sử của một TP nên không thể tách rời hoặc bỏ qua các vấn đề kinh tế - xã hội”, Thạc sĩ Nguyễn Mai Anh bày tỏ.
Vì vậy, kết quả nghiên cứu kiến nghị chính quyền TP sử dụng vỉa hè đa chức năng, trên cơ sở hài hòa nhu cầu của nhiều đối tượng và tạo cảnh quan sống động. Điều này sẽ làm nên sức sống và là nét văn hóa độc đáo cho TP. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đề xuất lập thứ tự ưu tiên sử dụng vỉa hè, trước tiên là dành cho người đi bộ, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật. Tiếp đó, cho phép để xe tự quản trước nhà; trưng bày hàng hóa, bàn ăn/uống. Cuối cùng là dành cho gánh hàng rong. Để thực hiện mục tiêu trên, HIDS đề xuất 7 nhóm giải pháp, trong đó phải xác định nơi được phép sử dụng tạm vỉa hè ngoài mục đích giao thông. Khi đó, tùy bề rộng của vỉa hè, lưu lượng giao thông mà cho để xe tự quản (vỉa hè rộng tối thiểu 3m), để xe kèm trưng bày hàng hóa/bàn ăn (rộng tối thiểu 4m), để xe kèm bán hàng rong (rộng tối thiểu 4,5m)… Trong các trường hợp này, chiều rộng phần vỉa hè phải chừa cho người đi bộ 1,5m, được phân định với khu vực sử dụng tạm qua thiết kế, kẻ vạch.
Ngược lại, một số khu vực sẽ cấm tuyệt đối việc đậu xe tự quản trước nhà và cấm hàng rong như khu trung tâm TP giới hạn bởi các trục đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng, Hai Bà Trưng, Nguyễn Thị Minh Khai; toàn tuyến đường Lê Duẩn, Lê Lợi. Các tuyến đường trong khu vực thương mại - tài chính, khu vực trung tâm văn hóa - lịch sử thuộc khu trung tâm hiện hữu (930ha) cũng nghiêm cấm bày hàng hóa và cấm cả hàng rong trên vỉa hè. Hàng rong cũng bị cấm ở vỉa hè thuộc các tuyến đường hay xảy ra ùn ứ giao thông, trước mặt tiền và xung quanh cơ quan nhà nước, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng…
Hợp thức hóa hàng rong
Trước khi có các đề xuất nêu trên, nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài đã khảo sát 57 đoạn đường ở 19 quận. Nhóm còn khảo sát các hộ kinh doanh buôn bán trên vỉa hè; hàng rong cố định và hàng rong di động ở trung tâm (quận 1), quận kế cận trung tâm (quận Gò Vấp), quận nội thành phát triển (quận Bình Tân) và các điểm nóng về lấn chiếm vỉa hè như quanh khu vực chợ Thái Bình (quận 1), chợ An Đông (quận 5), Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5, 11), Bệnh viện Nhi đồng 1 (quận 10). Nhóm cũng tham khảo kinh nghiệm quy hoạch, quản lý và tổ chức không gian trên vỉa hè, cũng như kinh nghiệm quản lý người bán hàng rong tại Hà Nội, Bangkok (Thái Lan), Singapore, Đài Bắc (lãnh thổ Đài Loan), Hồng Công (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Toronto (Canada) và một số nghiên cứu của Ấn Độ.
Thạc sĩ Nguyễn Mai Anh khẳng định, hàng rong hiện hoạt động tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TPHCM. Kinh nghiệm của nhiều TP trên thế giới, đây là đối tượng không thể loại bỏ. Ở đó, họ chuyển từ cấm sang cho phép hàng rong hoạt động thông qua việc lồng ghép hàng rong vào quá trình quy hoạch và lập các tổ chức đại diện của người bán hàng rong. Vì vậy, kết quả nghiên cứu đề xuất chính quyền TPHCM xác định không gian cho gánh hàng rong ở những nơi đủ điều kiện. Bên cạnh đó, Sở Công thương cần tham mưu UBND TP ban hành quy định về khu vực hoạt động, giấy phép hoạt động dán ở nơi dễ nhận biết… nhằm đưa người bán hàng rong vào khuôn khổ. Trong đó, xác định giới hạn được phép kinh doanh, bán hàng rong trên vỉa hè để không gây lộn xộn, mất mỹ quan và không cản trở người đi bộ. Trong các hoạt động kể trên, nếu có vi phạm như lấn khỏi vạch giới hạn thì người sử dụng vỉa hè sẽ bị chế tài nặng, thậm chí bị rút giấy phép.
Đề tài cũng đề xuất UBND TP phân cấp cho các quận huyện ban hành danh mục các tuyến đường cấm hoạt động tạm thời trên vỉa hè, các khu vực cho phép bán hàng rong, trưng bày hàng hóa hay để xe tự quản trên vỉa hè. Để thực hiện điều này, Sở GTVT phải dự thảo quyết định quy định về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP (theo Quyết định số 74 của UBND TPHCM ngày 23-10-2008) và xây dựng mức phí sử dụng tạm thời vỉa hè theo diện tích.

Tin cùng chuyên mục