Cần lắm… những chiếc áo phao!

Cần lắm… những chiếc áo phao!

(SGGP-12G).- Để đến trường, nhiều học sinh ở xóm Gò Ổi (xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) phải tự mình đánh sõng (thuyền nhỏ) qua sông giữa bốn bề nước trắng. Trong khi chính quyền địa phương đang nỗ lực hình thành một “bến đò chính quy” thì mơ ước nhỏ nhoi của người dân nơi đây là có được chiếc áo phao hộ thân cho con em mình khi đến lớp mùa mưa vẫn chỉ là… mơ ước!

Trẻ thơ giữa dòng nước xoáy

Đến bờ sông Kỳ Lộ vào giữa trưa trong cơn mưa tầm tã, gọi đến khản cổ vẫn không thấy có bóng dáng của bất kỳ chiếc đò ngang nào. Chờ hơn nửa giờ đồng hồ mới được ông Võ Văn Tùng, một người dân xóm Gò Ổi, cho đi nhờ trên chiếc ghe nhỏ.

Đúng lúc giờ tan trường, chúng tôi tận mắt chứng kiến những chiếc sõng nhỏ bé xuất hiện giữa mênh mông nước. Ông Tùng cho biết: “Khách muốn qua sông chỉ còn cách chờ đúng lúc người dân trong xóm quẩy sõng để xin đi ké. Ở đây, sõng là phương tiện duy nhất giúp mọi người đi lại. Chính vì vậy, việc học của các cháu gian nan lắm”.

Cần lắm… những chiếc áo phao! ảnh 1

Em Nguyễn Chánh Tiên (lớp 4D, Trường Tiểu học Xuân Quang 2) đội mưa, tự tay quẫy sõng đưa chị gái đến trường

Xóm Gò Ổi, xã Xuân Quang 2 tứ bề toàn nước, là phần đất tách biệt với phía bên kia sông Kỳ Lộ. Vào mùa hè, khi con nước xuống chừng mắt cá, học sinh trong xóm đến lớp chỉ cần lội là qua. Tuy nhiên, từ tháng 9 trở đi, nước sông lênh láng, sõng là phương tiện duy nhất giúp các em gắn bó với con chữ. Gần chục năm qua, ở xóm Gò Ổi không có lấy một “tay chèo chuyên nghiệp” nào làm nhiệm vụ đưa rước học sinh.

Điều đáng ngạc nhiên nhất là ở xóm Gò Ổi này, có nhiều học sinh cao chưa bằng nửa cây dầm phải tự… bơi sõng đi học! Em Võ Trọng Tuyên, học sinh lớp 6B, Trường THCS Hoàng Văn Thụ, cho biết: “Suốt 6 năm qua, ngày nào em cũng tự bơi sõng sang sông”.

Em Nguyễn Chánh Tiên, học sinh lớp 4D, Trường Tiểu học Xuân Quang 2, hồn nhiên nói : “Lũ lớn cháu không dám, còn lũ nhỏ tự cháu bơi sõng đưa chị cháu sang sông cùng đi học”. Nhìn chiếc sõng chở hai chị em Tiên chòng chành giữa những đợt sóng sùi bọt đục ngầu, ai nấy cũng đều ớn lạnh…

Trên đường đến trường, các em còn phải tiếp tục vượt qua “ải” suối Tre (thuộc thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang2). Cầu suối Tre thường ngập quanh năm, chỉ cần đợt mưa lớn chừng hơn 30 phút là cầu ngập giữa dòng sông. Chị Trần Thị Thọ, một người dân trong thôn cho biết: “Năm nào cũng có người gửi mạng dưới chân cầu này nên chưa bao giờ yên tâm”. Chị Thọ lo âu cũng phải vì con chị cũng giống như nhiều đứa trẻ khác trong thôn, dù đã học lớp 6, làm sao chống lại dòng nước xiết?!

Ước mơ vẫn là… mơ ước!

Các em học sinh qua sông đến trường trong mùa nước lớn nhưng tuyệt nhiên trên sõng không có bất kỳ phương tiện cứu hộ nàơ. Hằng năm các cơ quan, tổ chức có tránh nhiệm ở tỉnh Phú Yên đều có các đợt cấp áo phao, hướng dẫn kỹ thuật chèo đò khi lũ lớn cho người dân ở các vùng ven sông nhưng không hiểu tại sao tất cả những “tay chèo” bất đắc dĩ ở xóm Gò Ôỉ này gần chục năm nay đều “ngoài vùng phủ sóng”?!

Anh Nguyễn Văn Tiến, ba của em Tuyền, bức xúc nói: “Xóm Gò Ổi có 30 nóc nhà, nếu yêu cầu Nhà nước xây cầu bắc qua con sông Kỳ Lộ rộng lớn e rằng khó thực hiện được. Chúng tôi chỉ mong bọn trẻ có áo phao hộ thân mà thôi!”. Rồi anh Tiến phân tích: “Dù bơi sõng quen nghề cỡ nào nhưng khi ra đến giữa sông gặp đám chà từ trên lao thẳng xuống thì không tài nào tránh được”.

Cần lắm… những chiếc áo phao! ảnh 2

Phụ huynh Nguyễn Văn Tiến (xóm Gò Ổi, Xuân Quang 2) vác sõng bơi sông, đưa con đến trường

Hầu hết các hộ dân ở Gò Ổi đều thuộc diện nghèo, sống cả đời không có mảnh đất cắm dùi nên phải đến chỗ sâu bậc nhất của một huyện miền núi dựng tạm ngôi nhà tranh vách đất để sinh cơ lập nghiệp. Có hộ nghèo đến nỗi không có tiền thuê thợ giỏi đóng cho con một chiếc sõng tốt để qua sông. Vì vậy, đành tự tay đóng lấy những chiếc sõng với chất liệu gỗ dễ mục, sẽ rất nguy hiểm cho người sử dụng.

Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2 Lê Văn Hùng băn khoăn: “Trong khi chính quyền địa phương đang nỗ lực hình thành một “bến đò chính quy” thì việc trang bị cho các em những chiếc áo phao là rất cần thiết, nhưng việc này vẫn ngoài tầm tay của xã. Sắp đến, xã sẽ tiếp tục kiến nghị mạnh với cấp trên để đáp ứng yêu cầu chính đáng của bà con”.

XUÂN HUY – HOÀI NAM     

Tin cùng chuyên mục