Nhân đọc Bên thắng cuộc của Huy Đức - Hãy tôn trọng lịch sử

Tôi được đọc Bên thắng cuộc của Huy Đức qua giới thiệu của một bạn thế hệ 7X, là con một gia đình Công giáo, mấy lần trầy trật chuyện vào Đảng, đang làm việc tại một cơ quan nhà nước. Nói về quyển sách, bạn trẻ này tỏ vẻ không hài lòng, chỉ gọn lỏn một câu: “Dẫu sao cũng phải tôn trọng lịch sử”. Nhiều trang mạng cũng đồn thổi đây là một quyển sách hay, đáng đọc. Có người nói đã đọc một hơi 9 tiếng liền với hơn 400 trang giấy. Còn tôi, nhìn qua các đề mục như “Cải tạo”, “Nạn kiều”…, tôi thơ thẩn mấy ngày vào lúc rỗi mới xem hết sách.

Tôi được đọc Bên thắng cuộc của Huy Đức qua giới thiệu của một bạn thế hệ 7X, là con một gia đình Công giáo, mấy lần trầy trật chuyện vào Đảng, đang làm việc tại một cơ quan nhà nước. Nói về quyển sách, bạn trẻ này tỏ vẻ không hài lòng, chỉ gọn lỏn một câu: “Dẫu sao cũng phải tôn trọng lịch sử”. Nhiều trang mạng cũng đồn thổi đây là một quyển sách hay, đáng đọc. Có người nói đã đọc một hơi 9 tiếng liền với hơn 400 trang giấy. Còn tôi, nhìn qua các đề mục như “Cải tạo”, “Nạn kiều”…, tôi thơ thẩn mấy ngày vào lúc rỗi mới xem hết sách.

Tôi viết bài này không nhằm để tranh luận hay bút chiến mà chỉ nói lên những suy nghĩ về dòng lịch sử mà tôi cũng như tác giả đã có dịp đi qua. Được biết tác giả trong độ tuổi 50, tức cùng thế hệ với tôi, và ngày anh nghe tin giải phóng miền Nam khi đang đánh vật nhau với bạn ven đồi cũng là ngày mà tôi và những người thân cùng bạn bè trong xóm nghèo kéo nhau đến “hôi” từng lon bơ, hộp sữa, thanh pho mát… trong kho hàng Mỹ ở bên kia chân cầu Sài Gòn rồi lại kéo ngược về kho gạo cạnh dinh tỉnh trưởng Gia Định (nay là UBND quận Bình Thạnh) để chen nhau mỗi người kiếm vài chục ký khuân về nhà.

Trước đó, những ngày anh còn đi học hay nô đùa ở quê nhà miền Bắc cũng là dạo tôi được người anh cả chở ra quận 1 xem “ký giả đi ăn mày”, xem sinh viên biểu tình... Đó cũng là dạo những đêm tối trời, mưa rả rích, mật vụ ở bót Hàng Keo kéo vào lùng sục xóm Long Vân Tự, rồi vào đồng Ông Cộ (nay là đường Bùi Đình Túy) để tìm “Việt cộng” đêm trước mới treo cờ giải phóng…

Giải phóng và cách mạng đối với tôi thật mới mẻ. Anh chị tôi đi thanh niên xung phong, còn tôi ở nhà nộp sổ xếp hàng để mua bo bo, bột mì; lân la qua nhà bác bị niêm phong vì “đánh tư sản” để hóng chuyện; chen nhau mua cân thịt, xấp vải tiêu chuẩn; nghe những người bạn học ở trường Võ Thị Sáu kể chuyện gia đình đang kiếm “cây” để đi vượt biên… Có lẽ tôi còn rành rẽ chuyện sau ngày giải phóng Sài Gòn hơn cả tác giả Bên thắng cuộc, bởi dấu ấn những tháng ngày khó khăn ấy tôi và hàng triệu người dân thành phố này đã từng trải qua và vẫn còn in trong ký ức. Đó là những tháng ngày chòi đạp, thậm chí là đau thương. Bạn tôi vượt biên, cả lớp ngẩn ngơ, rồi cũng lại ân cần chia sẻ nhau những vất vả thời bao cấp, vẫn cắp cặp đến trường, và ngày nay không ít người đã thành đạt. Với ai đó, xa Tổ quốc hay không quan tâm đến thời cuộc thì Bên thắng cuộc như một bữa tiệc tư liệu ngồn ngộn, thấy ngon vì mới ăn lần đầu. Còn với những người đã đi qua dòng chảy lịch sử ấy, dường như đó chỉ là ký ức của quá khứ, là nỗi đau của vết thương chiến tranh chưa dễ gì khép miệng, lành lặn ngày một ngày hai, không có gì mới mẻ, thậm chí dễ gây hoài nghi do cách viết, cách nhìn nhận một chiều, một phía và khó có thể kiểm chứng về mặt tư liệu.

Tôi chỉ thật sự hiểu về cách mạng khi có dịp đến thăm nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc, đi thăm lại đường Trường Sơn... Hòa bình, bao gia đình hội ngộ mừng vui trong nước mắt, nhưng không gian nghĩa trang Hàng Dương vẫn lặng lẽ bao nấm mồ với hai chữ “Vô danh”. Những chuồng bò, chuồng cọp vẫn còn loang lổ vết máu của những người tù do đòn thù, trên tường vẫn còn in đậm câu thơ của những người chưa hề biết điện thoại di động, nhà lầu xe hơi, sẵn sàng hy sinh xương máu của mình cho thế hệ tương lai “bước lên lầu tự do”. Và còn đó những cựu tù sống trong tàn phế của thể xác, bệnh tật vì hậu quả của những đêm tra tấn. Còn đó tượng đài sừng sững của 10 cô gái Đồng Lộc, của hang Tám Cô hiu quạnh một bát nhang. Còn đó hình ảnh chị Năm Hồng quên ăn mất ngủ, băng rừng lội suối đi tìm hài cốt đồng đội. Còn đó nỗi trăn trở của một Nguyễn Ngọc Hoài trong “Một thế giới khác” khi chưa tìm ra hài cốt liệt sĩ. Nên hiểu thế nào về sự hy sinh ấy? Chắc chắn sự hy sinh ấy không vô nghĩa, hơn thế càng khiến cho thế hệ sau phải khâm phục, ghi tâm khắc cốt.

Nhiều đêm tôi tự nhủ: Đua chen trong cuộc sống vật chất, chúng ta vẫn còn có lỗi khi chưa đưa được các anh các chị về với quê hương, gia đình. Gần 40 năm hòa bình, xương cốt các anh các chị vẫn còn phải nằm đâu đó trong rừng Trường Sơn hay trên đất bạn Lào, Campuchia. Những mẩu tin nhắn con tìm cha, vợ tìm chồng, anh tìm em… vẫn còn xuất hiện trên đài như một nỗi đau ray rứt lòng người. Nên hiểu thế nào về những đau thương - mất mát - thiệt thòi này?

Có thể lúc này lúc khác, Đảng có sai lầm. Cuộc sống khó khăn, đôi khi tôi cũng mất lòng tin vào đường lối của Nhà nước. Nhưng đó là một chuyện khác, không thể “vơ đũa cả nắm”, phủ nhận những hy sinh cống hiến của những người đi trước cho cuộc chiến vĩ đại của dân tộc. Tôi càng tâm đắc với nhận định của tác giả Nguyễn Đức Hiển (báo Pháp Luật TPHCM) khi cho rằng: “Để có bản tin giải phóng trên loa phóng thanh mà cậu bé 13 tuổi nghe khi đang vật nhau với bạn ven đồi, phải trả giá bằng trăm ngàn mất mát, đau thương, chứ không đơn giản chỉ là việc húc đổ cổng Dinh Độc lập và cắm cờ trên nóc”. Cần đánh giá trung thực và công bằng với lịch sử!

Một điều quan trọng: Nhìn lại quá khứ của cuộc chiến tranh, xin đừng xem đây là cuộc chiến của 2 người anh em Nam - Bắc để khoét sâu chia rẽ, vì đây là cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của cả dân tộc. Tôn trọng lịch sử, khép lại quá khứ, nhìn về tương lai là thái độ đúng đắn và cần thiết hiện nay. Lời tâm tình của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong bài viết “Mãi mãi là sao sáng dẫn đường” mới đây có lẽ cũng là suy nghĩ, tâm tư của hàng chục triệu người Việt Nam hiện nay: “Thái độ cần thiết hiện nay, dù có khác biệt nào chăng nữa, thì tất cả các giai tầng xã hội, các tầng lớp nhân dân cần hành động với một động cơ duy nhất, đó là vì lợi ích của dân tộc, vì sự ổn định chính trị, vì sự bình yên của xã hội để làm ăn và phát triển kinh tế, cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình đại đoàn kết, hòa giải và hòa hợp dân tộc. Mọi hành động phá hoại mục đích đó hoặc khoét sâu thêm những bất đồng để đẩy đất nước đến bờ vực của sự hỗn loạn phải bị loại trừ và lên án… Sức mạnh của chúng ta phải là sức mạnh của lòng dân, của tinh thần đoàn kết, nhất trí toàn dân tộc. Đất nước sẽ không thể đứng vững bởi sự chia rẽ. Sự chia rẽ dân tộc chính là cơ hội cho những kẻ xâm lược”. 

VĂN SÁCH
(Bình Thạnh, TPHCM)

Thông tin liên quan

>> Nhân đọc Bên thắng cuộc của Huy Đức - Nguy hiểm của sự lập lờ 

Tin cùng chuyên mục