Quyền đình chỉ công tác bộ trưởng

Trong 3 ngày qua, đường dây nóng Báo SGGP nhận được nhiều cuộc gọi của bạn đọc nêu thắc mắc: Bộ trưởng là thành viên của Chính phủ, nhưng tại sao Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ không ký quyết định tạm đình chỉ công tác của Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn, mà là Chủ tịch nước ký?

Sáng ngày 23-7-2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký quyết định tạm đình chỉ chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn. Quyết định của Chủ tịch nước ghi rõ: “Tạm đình chỉ công tác Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn do có vi phạm khuyết điểm và Bộ Chính trị đã có thi hành kỷ luật về Đảng tại Quyết định 806-QĐNS/TW ngày 16-7-2018”. 

Quyền đình chỉ công tác bộ trưởng ảnh 1 Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa ký quyết định về việc tạm đình chỉ công tác Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn. Ảnh: TTXVN

Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 28 Luật Tổ chức Chính phủ 2015 về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, thì Thủ tướng trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ. Trong thời gian Quốc hội không họp, Thủ tướng trình Chủ tịch nước ký quyết định tạm đình chỉ công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

Quốc hội là cơ quan hoạt động chủ yếu thông qua hình thức họp công khai mỗi năm 2 kỳ. Hiện tại, Quốc hội khóa 14 đã kết thúc kỳ họp thứ 5 vào ngày 15-6-2018. Dự kiến kỳ họp thứ 6 sẽ được tổ chức vào cuối tháng 10-2018. Áp dụng khoản 3 Điều 28 Luật Tổ chức Chính phủ 2015, trong thời gian Quốc hội không họp, Thủ tướng đã trình và Chủ tịch nước ký quyết định tạm đình chỉ công tác Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn. Việc Chủ tịch nước ký ban hành quyết định này là phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành.

Tin cùng chuyên mục