Syria: Chiến sự quyết liệt

Hãng Reuters ngày 5-3 đưa tin, phe nổi dậy tại Syria đã kéo đổ bức tượng đồng của cha Tổng thống Bashar al-Assad và dùng búa đập tượng sau khi chiếm được thành phố Raqqa, một trong những thành phố lớn nằm phía Đông Bắc Syria. Phe này cũng thừa nhận cuộc chiến tại Syria đang chuyển sang bước ngoặt mới khi quân đội chính phủ đã chiếm lại nhiều vị trí quan trọng tại Aleppo, cho thấy thế giằng co ngày càng quyết liệt giữa hai bên.
Syria: Chiến sự quyết liệt

Hãng Reuters ngày 5-3 đưa tin, phe nổi dậy tại Syria đã kéo đổ bức tượng đồng của cha Tổng thống Bashar al-Assad và dùng búa đập tượng sau khi chiếm được thành phố Raqqa, một trong những thành phố lớn nằm phía Đông Bắc Syria. Phe này cũng thừa nhận cuộc chiến tại Syria đang chuyển sang bước ngoặt mới khi quân đội chính phủ đã chiếm lại nhiều vị trí quan trọng tại Aleppo, cho thấy thế giằng co ngày càng quyết liệt giữa hai bên.

  • Giằng co

Đây là lần đầu tiên phe đối lập chiếm được một thành phố có ý nghĩa chiến lược trong cuộc xung đột Syria kéo dài gần 2 năm qua, bởi từ khu vực này lực lượng chống chính quyền Assad có thể đánh chiếm nhiều thành phố khác. Sự kiện kéo đổ bức tượng đồng chân dung cha Tổng thống Assad ở quảng trường trung tâm thành phố Raqqa gợi nhớ tới cảnh người dân tức giận kéo đổ tượng Saddam Hussein tại Iraq năm 2003 khi chính quyền này sụp đổ.

Phe nổi dậy giật đổ bức tượng cha của Tổng thống Assad.

Phe nổi dậy giật đổ bức tượng cha của Tổng thống Assad.

Phe nổi dậy đang kiểm soát một số quận ở nhiều thành phố lớn của Syria như Aleppo, Homs và Deir el-Zour, cũng như các vùng ngoại ô của thủ đô Damascus. Tuy nhiên, quân đội chính phủ Syria đã bác bỏ báo cáo cho rằng thành phố Raqqa đã rơi vào tay quân nổi dậy. Quân đội Syria cũng tuyên bố đã tái chiếm tuyến đường quan trọng nối từ tỉnh Hama đến Aleppo, giúp vận chuyển vũ khí và hỗ trợ hậu cần phục vụ cho cuộc chiến chống lại phe nổi dậy. Trong khi đó, tại khu vực phía Bắc Syria, giao tranh vẫn diễn ra với thế giằng co thuộc về hai phía khi có nhiều thông tin phương Tây cho rằng phe nổi dậy đã mở nhiều vụ tấn công nhằm giành quyền kiểm soát.

Quân đội chính phủ Syria tái chiếm Aleppo.

Quân đội chính phủ Syria tái chiếm Aleppo.

Tuy nhiên, tình hình chiến sự căng thẳng trong nước với ưu thế đang nghiêng về phe nổi dậy nhờ sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Mỹ và châu Âu vẫn chưa thể làm Chính phủ Syria chùn bước. Trong cuộc phỏng vấn mới nhất với Sunday Times, ông Assad khẳng định không từ chức và sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện ngay cả khi cuộc chiến còn kéo dài. Ông cũng khẳng định cuộc chiến này không còn là chuyện giữa quân chính phủ và phe đối lập mà là chuyện giữa một quốc gia và “quân khủng bố.” Theo ông Assad, quân đội chính phủ có thể giành thắng lợi trong các trận chiến sắp tới. Liên quan đến kế hoạch triển khai quân tại Syria, Tổng thống Assad đã bác bỏ thông tin cho rằng Nga, Iran và lực lượng Hezbollah ở Lebanon đã gửi binh sĩ tới nước này giúp sức quân chính phủ.

  • Chiến sự lan sang Iraq?

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây cũng khẳng định sự ra đi của ông Assad là điều không thể. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon và đặc phái viên chung LHQ-Liên đoàn Arập (AL) về Syria Lakhdar Brahimi cho biết, tổ chức toàn cầu này sẵn sàng làm trung gian cho cuộc hòa đàm giữa chính quyền và phe đối lập Syria.

Đang xuất hiện một số lo ngại cho rằng cuộc khủng hoảng tại Syria có dấu hiệu lan sang nước láng giềng Iraq với những vụ nổ súng, pháo kích tại khu vực biên giới hai nước. Hơn 40 binh sĩ Syria, 7 binh sĩ Iraq thiệt mạng trong trận phục kích xảy ra ngày 4-3 nhằm vào một đoàn xe quân sự của Syria tại Iraq.

Trước đó, vào cuối tuần qua, chính quyền Iraq cũng thông báo, một binh sĩ nước này đã thiệt mạng và 3 người khác bị thương trong các vụ bạo lực liên quan tới xung đột tại Syria. Kể từ khi cuộc khủng hoảng tại Syria bùng phát hồi đầu năm 2011, Iraq đã nhiều lần từ chối yêu cầu của một số nước phương Tây và khu vực kêu gọi Tổng thống Syria từ chức. Nhưng các nhà phân tích cho rằng Iraq sẽ không thể đứng ngoài lề, bởi những lợi ích của nước này có liên quan chặt chẽ với Iran, một đồng minh của chính quyền Tổng thống Assad.

Trên thực tế, cuộc khủng hoảng tại Syria đã làm sâu sắc hơn tình trạng chia rẽ và đối đầu tôn giáo giữa hai cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite và Sunni. Vì thế, những xung đột phát sinh từ cuộc khủng hoảng tại Syria có thể làm sâu sắc hơn những tư tưởng phe phái và sắc tộc tồn tại lâu nay tại khu vực Trung Đông. 

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục