Vụ Vietnam Airlines phải bồi thường 5,2 triệu euro

Những cán bộ liên quan nói: vô can!

Những cán bộ liên quan nói: vô can!

Mới đây, trong cuộc họp báo về những dư luận tiêu cực tại Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA), Tổng giám đốc VNA Nguyễn Xuân Hiển cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến việc phải bồi thường 5,2 triệu euro thuộc trách nhiệm của thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm của VNA. Thực chất, ai phải chịu trách nhiệm chính trong vụ việc này?

  • Ai tư vấn cho lãnh đạo VNA không dự tòa?

Những cán bộ liên quan nói: vô can! ảnh 1

Các tài liệu liên quan đến trách nhiệm của VNA đến nay cho thấy, việc VNA không đến dự phiên tòa xét xử vụ luật sư người Ý M. Liberati kiện VNA dẫn đến VNA thay vì phải bồi thường 90.000 USD như ban đầu đã bị tuyên phải bồi thường trên 5,2 triệu euro xuất phát từ nội dung một công văn nội bộ của doanh nghiệp này.

Sau khi nhận được giấy mời dự tòa, ông Nguyễn Hải, Trưởng ban Tiếp thị hành khách của VNA đã ký văn bản, trong đó nói: “Ban Tiếp thị hành khách không hề tuyển dụng ông Liberati. Vụ việc tranh chấp này hoàn toàn không hề liên quan đến Ban tiếp thị hành khách. Chuyện ông Liberati ủy quyền cho ông Morsillo thay mặt tại tòa án kiện đòi giải quyết tranh chấp về tiền công lao động chỉ đơn thuần là vụ việc giữa ông Liberati và Công ty Falcomar”.

Do nhận định này mà ngày 30-11-1995, khi phiên tòa tiến hành, VNA đã không có đại diện tham dự. Vậy, người đã viết những dòng trên nói gì về trách nhiệm của mình?

Ông Nguyễn Hải hiện đang làm đại diện cho 8 hãng hàng không nước ngoài. Từ Bangkok, ông Hải cho biết, công văn trên là công văn nội bộ, trả lời Ban Đối ngoại- Hành chính về quan hệ của riêng Ban Tiếp thị hành khách với Falcomar.

Ông Hải cho rằng, mình không hề đại diện cho VNA và cũng không tham mưu về việc có nên đi dự phiên tòa hay không, do vậy, ông không đồng tình với phát biểu của một số lãnh đạo cũ và mới của VNA cho rằng, quyết định không cử đại diện tham dự phiên tòa xuất phát từ sự tham mưu của mình.

  • Tổng giám đốc “cũ”... không biết (!?)

“Là người đứng đầu, cấp dưới không báo cáo cho tôi biết, trước nỗi đau tại sao Nhà nước bị mất tài sản, tôi nhận thấy trách nhiệm có liên quan, còn liên quan đến mức độ nào, kính mong Thủ tướng và các cơ quan cấp trên xem xét trên cơ sở thời điểm và hoàn cảnh xảy ra để có phán xét hợp tình hợp lý nhất”- ông Lê Đức Tứ, Tổng giám đốc VNA thời kỳ 1993-1998 đã viết như vậy trong bản tường trình của mình.

Trả lời phỏng vấn báo giới, ông Nguyễn Xuân Hiển, Tổng giám đốc đương nhiệm của VNA cho biết, trách nhiệm trong vụ thua kiện 5,2 triệu euro tại Italia xuất phát từ thời ông Lê Đức Tứ và người liên quan là Trưởng ban Tiếp thị hành khách Nguyễn Hải.

Bản tường trình của ông Tứ cho thấy, vụ kiện của luật sư Liberati xảy ra vào thời kỳ Tổng Công ty Hàng không (cũ) do ông Nguyễn Hồng Nhị là TGĐ; ông Đào Mạnh Nhương là Phó TGĐ phụ trách thương mại. Đến tháng 4-1993, Tổng Công ty Hàng không (cũ) giải thể, chia thành 20 đơn vị thành viên khác nhau.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (mới) – tức Vietnam Airlines – VNA (mới) - được thành lập do ông Lê Đức Tứ làm TGĐ chỉ là một trong số 20 đơn vị thành viên này. VNA có tư cách pháp nhân riêng nhưng được Cục Hàng không dân dụng giao tiếp tục thực hiện những hợp đồng đã ký kết còn hiệu lực trong lĩnh vực vận tải hàng không và đòi cho Nhà nước các khoản nợ có địa chỉ mà các đối tác đang nợ của hàng không Việt Nam.

Ông Lê Đức Tứ cho rằng, VNA (mới) không chịu trách nhiệm với bất kỳ một hợp đồng nào của Tổng Công ty Hàng không (cũ) đã hết hiệu lực. Thời điểm có giấy triệu tập của Tòa án Roma, VNA không có bất kỳ tài liệu nào về công việc mà ông Liberati đã thực hiện. Việc ai giao nhiệm vụ và ủy quyền cho Falcomar và M.Liberati quan hệ, đàm phán giữa Hãng Hàng không Alitalia (Italia) và VNA thì ông Tứ không biết.

Kiểm điểm về trách nhiệm cá nhân, ông Lê Đức Tứ cho rằng, thời kỳ xảy ra vụ kiện (1991-1992), ông chỉ là Phó TGĐ kiêm Đoàn trưởng Đoàn bay 919 nên “tôi không biết, tôi không chịu trách nhiệm”. Năm 1994-1995, khi ông làm TGĐ và là thời điểm có giấy triệu tập của Tòa án Roma thì theo trình tự thủ tục “khi văn phòng đối ngoại nhận được giấy triệu tập, xin ý kiến cơ quan tham mưu có liên quan, trình Phó TGĐ phụ trách thương mại, sau đó xin ý kiến TGĐ”.

Nhưng khi đó, Văn phòng đối ngoại không biết có vụ việc nêu trên, không có tài liệu nào được lưu giữ cũng như ai là người tham gia; Ban Tiếp thị hành khách trả lời không liên quan với phiên tòa. Văn phòng đối ngoại không trình để xử lý tiếp, do vậy TGĐ không biết để cử đoàn đi dự phiên tòa!
Hiện nay, 5,2 triệu euro tiền bồi thường, là tài sản của Nhà nước và nhân dân ta, đã phải nộp cho Tòa án Paris để chờ giải quyết. Thế nhưng, kỳ lạ là ai cũng vô can!?  

NHÓM PV

Thông tin liên quan

Phó TGĐ Nguyễn Thành Trung: Không liên quan đến VNA 

Mỗi suất làm tiếp viên hàng không : 20.000 USD

Những vụ việc xảy ra tại VNA

VNA bị hố vì tham rẻ!

Biến cam kết thành hiện thực

Chưa biết có thắng nhưng cứ kháng án! 

Tin cùng chuyên mục