Có phải là “Khơi thông dòng văn học”?

* Tất cả câu trích trên từ nhiều tác giả trên những trang web hải ngoại.

Vừa qua, Công ty Văn hóa Phương Nam đã in lại tiểu thuyết “Nguyệt Đồng Xoài” của Lê Xuyên, người chuyên viết truyện feuilleton trên các báo trước giải phóng với ý thức là để “khơi thông cho một dòng văn học vẫn âm thầm chảy vào cội nguồn dân tộc”…

Đây thực sự là một ý tưởng tốt đẹp, nếu như đó là những tác phẩm văn học thực sự. Và người đọc sẽ vô cùng cám ơn người làm sách vì đã có công tìm lại những hạt vàng xưa để cung cấp thêm cho bạn đọc trẻ tuổi những tác phẩm văn học mà do hoàn cảnh lịch sử của dân tộc đã không đến được với bạn đọc.

Trước nay, đã có rất nhiều tác phẩm văn học dù đã lẫn trong lớp bụi thời gian, nhưng khi in lại vẫn được bạn đọc, nhất là giới trẻ trân trọng và yêu quý. Đó là những tác phẩm của các nhà văn nhóm Tự lực Văn đoàn, những tập thơ trữ tình, lãng mạn của nhiều tác giả trong giai đoạn 30- 45. Xa hơn là toàn bộ tác phẩm của nhà văn lão thành Nam bộ Hồ Biểu Chánh với những truyện từng đã được chuyển thể làm phim như: Ngọn cỏ gió đùa, Con nhà nghèo, Chúa tàu Kim qui… Đọc Hồ Biểu Chánh để trân trọng và thấu hiểu tấm lòng của nhà văn với những người nông dân nghèo, dù bấy giờ địa vị của người viết hoàn toàn cách biệt với những nhân vật của ông. Ở đằng sau giọng văn chơn chất ấy, người đọc cảm nhận được cái nghĩa tình sâu nặng của người viết với đồng bào mình, trong một chân lý bất di bất dịch về đạo nghĩa làm người…

Riêng với loạt tác phẩm hơn 10 truyện của Lê Xuyên, khi quyết định cấp giấy phép cho in lại không hiểu Cục Xuất bản có đọc hết và có biết rõ về những tác phẩm này không? Chỉ nói riêng về mặt văn chương thôi, khi đọc quyển đầu tiên “Nguyệt Đồng Xoài” với hơn 1.000 trang, người đọc đã cực kỳ ngán ngẩm với một thứ văn chương lằng nhằng, con cà con kê của loại tiểu thuyết feuilleton trên nhật báo ngày trước theo kiểu “cởi cái nút áo người yêu cả tuần lễ chưa xong” *.

Còn nội dung thì với 1.000 trang ấy có thể tóm tắt về cô gái đẹp tên Nguyệt ở Đồng Xoài, nạn nhân của cuộc chiến tranh tàn khốc, cô mang một vết sẹo dài trên lưng, vết sẹo do phía Mỹ và “quốc gia” gây ra. Và để nuôi hai em nhỏ ăn học, cô quyết định bán mình cho một người Mỹ, một người được miêu tả rất đứng đắn và có ý định cưới cô khi biết cô vẫn còn trinh. Nhưng khi họ chuẩn bị ân ái thì khách sạn nơi anh Mỹ ở bị nổ tung bởi một quả mìn (!). Và Nguyệt chết khi vẫn còn trong trắng. Đoạn kết thương tâm ấy được bỏ lửng ở đó…

Ngày trước giải phóng, truyện feuilleton là đặc sản của báo chí Sài Gòn cũ, nhưng những gia đình gia giáo chỉ cho phép con cái mình đọc truyện của Vũ Hạnh, Sơn Nam, Ngọc Linh, An Khê, còn với truyện của Lê Xuyên thì cấm. Lý do vì hầu hết trong truyện ông đều có nhiều chất sex mà các bậc cha mẹ không muốn con cái mình bị tiêm nhiễm.

Nhưng vấn đề đặt ra ở đây không chỉ là sex (bởi thực ra hiện nay đã có nhiều tiểu thuyết được xuất bản, được ca ngợi còn sex nhầy nhụa hơn nhiều) mà là ở cách nhìn của tác giả. Thời trước, mọi người gọi Lê Xuyên là chú Tư Cầu, và ông cũng tự nhận mình danh xưng ấy. “Chú Tư Cầu” là tên quyển tiểu thuyết mà hiện nay trên các trang web hải ngoại hết sức ca ngợi: “Lê Xuyên từng theo kháng chiến Việt Minh vào bưng biền chống thực dân Pháp năm 1946. Qua “Chú Tư Cầu”, độc giả sẽ thấy Lê Xuyên phát hiện sớm sủa nhất cái chân tướng ích kỷ, ba xạo lập công dâng đảng của những kẻ có đảng tịch cộng sản. Ở đó, cán bộ cộng sản coi dân chúng và đồng ngũ chỉ là hạng người để chúng lợi dụng dọn đường, dọn cỗ cho đám cán bộ Việt Minh cộng sản và đặc biệt là cán bộ chính trị viên của các đơn vị kháng chiến hưởng lợi” *. Và đó chính là lời ca ngợi “chiến hữu” Lê Xuyên, “một người từng bị đẩy vào nhà tù cộng sản gần 7 năm” *.

Có lẽ ở đây không cần bình luận gì thêm, bởi những lời bình luận trên từ những trang web nổi tiếng chống cộng ở hải ngoại đã nói lên tất cả… Cũng từ đó để chúng ta hiểu ra rằng không phải chỉ in lại những tác phẩm cũ là “khơi thông một dòng chảy văn học…” mà có khi còn gây nên những ngộ nhận trong giới trẻ. Những độc giả sinh sau chiến tranh, họ giống như tờ giấy trắng… Trách nhiệm này ai sẽ gánh chịu?!

* Tất cả câu trích trên từ nhiều tác giả trên những trang web hải ngoại.

BÍCH CHÂU

Tin cùng chuyên mục