Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

Sẽ tranh luận công khai 3 vấn đề chính với Thiền sư Lê Mạnh Thát

Thông tin liên quan

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP trong ngày 15-3, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, Thường vụ hội đã họp bàn các vấn đề liên quan và cho rằng, tất cả những phát hiện mới về lịch sử dân tộc đều đáng trân trọng, tuy nhiên để khẳng định một vấn đề cần có những tranh luận công khai, minh bạch về mặt khoa học, cần có những cứ liệu khoa học xác đáng, đủ sức thuyết phục.

Với trách nhiệm của mình, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam quyết định sẽ tiến hành thảo luận công khai về những vấn đề mà Thiền sư Lê Mạnh Thát đưa ra. Hiện nay Thường vụ hội đã giao cho nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam liên hệ với Thiền sư Lê Mạnh Thát để tiến hành thảo luận theo 1 trong 2 phương thức: Tổ chức một hội thảo bàn tròn mang tính chuyên gia với sự có mặt của thiền sư cùng những bạn đồng nghiệp của thiền sư và một số nhà khoa học đầu ngành về lịch sử và những ngành liên quan như khảo cổ học, thư tịch Hán Nôm, ngôn ngữ học...; tổ chức thảo luận công khai trên Tạp chí Xưa và Nay (cơ quan ngôn luận của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam).

Tại đây các học giả có thể tham dự bằng các bài viết tham gia thảo luận, sau đó hội sẽ tiến hành tổng kết một cách khách quan, trung thực. Nếu thấy cần thiết, Tạp chí Xưa và Nay sẽ dành toàn bộ nội dung để đăng các bài thảo luận, tranh biện trong một thời gian, đảm bảo chuyển tải hết nội dung cuộc tranh luận khoa học này và những vấn đề liên quan.

Theo GS Phan Huy Lê, do các công trình nghiên cứu của Thiền sư Lê Mạnh Thát liên quan đến rất nhiều vấn đề, nên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đề nghị tập trung vào 3 vấn đề lớn mà Báo Thanh Niên đã nêu lên và dư luận xã hội đang chờ đợi ý kiến của giới sử học: 1. Thời An Dương Vương và nước Âu Lạc có tồn tại trong lịch sử hay không? 2. Cuộc xâm lược của Triệu Đà và thời kỳ đô hộ của nhà Triệu, nhà Hán cho đến khởi nghĩa Hai Bà Trưng có thực hay không? 3. Sự ra đời và phát triển đến trình độ cao của chữ viết thời Hùng Vương đã có cơ sở khẳng định chưa?

Cơ sở tư liệu cần mở rộng cho tất cả các nguồn sử liệu liên quan, từ tư liệu thành văn trong thư tịch của ta, của Trung Quốc, trong hệ thống kinh và văn học Phật giáo, cho đến tư liệu khảo cổ học và các tư liệu văn học truyền khẩu trong kho tàng văn hóa dân gian. “Đây là những vấn đề về lịch sử dân tộc nên cần thảo luận trên cơ sở phương pháp luận của khoa học lịch sử. Vì vậy, cuộc thảo luận cần đảm bảo tính dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, trung thực trên tinh thần thân ái, tôn trọng lẫn nhau, cùng chung sức tìm tòi, khám phá sự thật lịch sử, với ý thức trách nhiệm cao của giới sử học trước nhân dân và lịch sử dân tộc!” - GS Phan Huy Lê nhấn mạnh.

Trần Lưu

Thông tin liên quan

Về việc “Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động”- Kết luận quá vội vàng, chưa đủ chứng cứ khoa học và thiếu sức thuyết phục 

Tin cùng chuyên mục