“Loạn” hoa hậu, “cháy” người đẹp

Người đẹp ít, giải thưởng nhiều
“Loạn” hoa hậu, “cháy” người đẹp

Vài năm lại đây, mật độ tổ chức các cuộc thi nhan sắc ngày càng dày đặc. Nhưng vấn đề chất lượng thí sinh, chất lượng các cuộc thi lại là việc đáng quan tâm và lo ngại…

Nhiều người đẹp tham gia các cuộc thi có tầm cỡ

Nhiều người đẹp tham gia các cuộc thi có tầm cỡ

“Thợ” thi

Trước kia, các cuộc thi nhan sắc thường thu hút rất đông người đẹp tham gia. Hầu hết đều là những người đẹp lần đầu bước lên sân khấu và khi họ đăng quang, cũng có nghĩa là bắt đầu cho sự nghiệp biểu diễn trên sân khấu. Vì lẽ ấy, cuộc thi Hoa hậu VN do Báo Tiền Phong tổ chức 2 năm một lần luôn có rất đông thí sinh đăng ký dự thi và cuộc thi trở thành một “thương hiệu” có uy tín…

Phần đông, những tên tuổi “sao” của sàn diễn thời trang thời đó, đều là những người đã đăng quang từ một cuộc thi nhan sắc nào đó rồi mới đi làm người mẫu như: Trương Ngọc Ánh – Người đẹp đêm Noel; Giáng My – Hoa hậu Đền Hùng; Ngô Mỹ Uyên – Giải nhì Diễn viên điện ảnh Văn Thánh; Tống Bạch Thủy – Giải nhất Triển vọng Điện ảnh…

Ngày nay ngược lại, người mẫu từ các sàn catwalk là đội ngũ đông đảo tham gia vào các cuộc thi nhan sắc. Đi thi các cuộc thi sắc đẹp là cách để họ tạo dựng chỗ đứng, tên tuổi. Không được giải ở cuộc thi này, họ kéo sang tham gia cuộc thi khác. Chính vì thế, nhiều tên tuổi trở thành quen thuộc vì thường xuyên đi thi nhan sắc. Có vẻ, các thí sinh đã thành “thợ” thi các cuộc thi sắc đẹp.

Nhẵn mặt thí sinh!

Một năm có quá nhiều các cuộc thi nhan sắc, đó là điều đáng suy nghĩ. Đơn cử chỉ trong vòng 6, 7 tháng qua, đã có rất nhiều cuộc thi sắc đẹp: Nào Hoa hậu trang sức, Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, Hoa hậu tài năng Việt, Người đẹp Hoa Anh Đào, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam và tới đây là Hoa hậu du lịch Việt Nam, Hoa hậu Việt Nam… Đó là chưa kể còn một số các cuộc thi người đẹp vùng miền…

Các cuộc thi sắc đẹp liên tục tổ chức, cuộc nọ liên tiếp cuộc kia, đến độ người đẹp không kịp “sản sinh” để tham gia các cuộc thi. Trên thực tế, các cuộc thi này đều phải nhờ đến các công ty đào tạo, quản lý người mẫu để họ cử nhân viên tham gia. Tùy theo mức độ tin cậy của từng cuộc thi mà các công ty người mẫu sẽ quyết định đưa bao nhiêu “gà” tham gia dự thi.

Thường cuộc thi có quy mô lớn họ cử 10 người, nhỏ thì 3 hoặc 5 người. Cũng có khi, ban tổ chức (BTC) cuộc thi nhờ các công ty người mẫu tuyển giúp thí sinh. Chi phí tuyển chọn này do hai bên thỏa thuận. Dù đã được các công ty người mẫu giúp sức, nhưng số lượng thí sinh đăng ký dự thi cũng rất khó vượt qua ngưỡng 100 thí sinh/cuộc thi.

Thế nên mới có chuyện cuộc thi Hoa hậu tài năng Việt phải hủy bỏ vì không đủ số lượng thí sinh đăng ký tham gia, dù BTC đã đến từng trường học tuyển chọn. Còn trong cuộc thi Hoa hậu du lịch Việt Nam 2008, BTC xuống tận các trường cao đẳng, đại học để tuyển. Ngoại lệ, chỉ có cuộc thi Hoa hậu Việt Nam (do Báo Tiền Phong tổ chức), đến nay đã có hơn 1.000 thí sinh trên cả nước đăng ký dự thi, vì cuộc thi này hai năm tổ chức một lần và đã trở thành “thương hiệu” khá uy tín.

Vì không có nhiều thí sinh dự thi như mong đợi nên BTC các cuộc thi hoa hậu thường lo đến mất ăn mất ngủ. Lợi dụng điều này, các công ty người mẫu được dịp “làm eo”: Họ chỉ chịu cho “gà” đi thi với điều kiện “gà” của họ phải lọt vào top 10 hoặc phải được giải phụ này, giải phụ kia.  Nhưng vì “làm gì có người đẹp bất chợt giỏi giang” nên hầu hết các BTC phải đồng ý thỏa hiệp.

Theo một vị trưởng BTC, cứ 100 thí sinh dự thi thì chỉ có khoảng 12 - 13 thí sinh tự do vượt qua được vòng loại. Số còn lại đều do công ty người mẫu tiến cử. Đó là lý do mà các người đẹp cứ kéo nhau từ cuộc thi này sang cuộc thi kia, “khi nào được giải mới thôi”. Chất lượng các cuộc thi sắc đẹp cũng vì thế ngày một giảm và mất đi những điều thú vị của nó. 
 

Người đẹp ít, giải thưởng nhiều

Một điều không thể phủ nhận, giải thưởng cho sắc đẹp ngày một nhiều hơn, giá trị hơn. Nếu giải thưởng cho Hoa hậu Việt Nam 20 năm trước chỉ là một chiếc xe đạp Mifa của Đức, 10 năm sau nâng lên thành một chiếc xe Dream II và bây giờ là 150 triệu đồng.

Giải thưởng “hoành tráng” và có giá trị lớn nhất cho giải hoa hậu thuộc về cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ VN vừa qua, ngôi Hoa hậu nhận tổng trị giá giải thưởng lên đến 210 triệu đồng.

Có cuộc thi, một người đẹp nhận cùng lúc 3 - 4 giải thưởng! Với tình hình “lạm phát” thi hoa hậu như hiện nay, khó mong tất cả các cuộc thi đều đạt chất lượng tốt.

Theo đạo diễn Đinh Anh Dũng, nên chăng danh từ Hoa hậu chỉ để dùng cho các cuộc thi cấp quốc gia, còn lại nên dùng từ Hoa khôi có lẽ hợp lý và dễ phân biệt hơn. “Cứ thi hoa hậu ào ào như hiện nay, sẽ khó tránh được tình trạng cẩu thả về dàn dựng, luộm thuộm về tổ chức và lem nhem trong chấm điểm”. 

Tùng Khanh
(Báo SGGP 12 Giờ)

Tin cùng chuyên mục