Thấy gì ở sân khấu hôm nay?

Thấy gì ở sân khấu hôm nay?

Nhiều năm nay, đời sống sân khấu ở TPHCM được xem là năng động nhất nước, các điểm diễn luôn có vở diễn mới để khán giả tha hồ chọn lựa. Thế nhưng, sau quãng thời gian mải chạy theo doanh thu, giờ đây một số nghệ sĩ, đạo diễn, “bầu” sân khấu nhìn lại, ai nấy giật mình: sân khấu hôm nay, đáng lo hơn đáng mừng. Tại sao?

Nhiều đất diễn

Thấy gì ở sân khấu hôm nay? ảnh 1

“Bàn tay của trời”, vở diễn hấp dẫn khán giả ở Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần nhờ kịch bản hay, đạo diễn chăm chút cho từng vai diễn.

Hiện nay, dường như mỗi khi ra mắt một vở diễn mới, hầu hết các sân khấu đều nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ công chúng. Một số đơn vị nghệ thuật còn năng động, mở rộng hoạt động, đưa kịch dài về các tỉnh, thành biểu diễn, thu hút đông đảo khán giả đón xem.

Sân khấu Kịch Phú Nhuận đưa vở Người vợ ma (tác giả Xuyên Lâm, đạo diễn Thái Hòa) về diễn ở các tỉnh, thành: Bình Phước, Biên Hòa, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Mỹ Tho, Cần Thơ, Kiên Giang, Long Xuyên, Sóc Trăng và Cà Mau; Sân khấu Kịch Sài Gòn đưa vở Quỷ (tác giả Vương Huyền Cơ, đạo diễn NSƯT Trần Ngọc Giàu) đến Vũng Tàu, Bình Phước, Cần Thơ, Đồng Nai, Sóc Trăng… Còn Nhà hát Kịch TPHCM thì lưu diễn ở miền Trung và Tây Nguyên với 2 vở Niềm tin bị đánh cắp (tác giả Hoàng Linh Hương, đạo diễn Hoàng Duẩn) và Người thi hành án tử (tác giả Phạm Văn Quý, đạo diễn Khánh Hoàng); Sân khấu kịch Nụ Cười Mới cũng đang đưa vở kịch Ông bà vú (tác giả Vương Huyền Cơ, đạo diễn Hữu Lộc) đến miền Trung biểu diễn.

Đó là điều đáng mừng cho đời sống sân khấu hiện nay. Bởi nhờ có một đời sống sân khấu sôi động như thế, không những mang lại những giá trị văn hóa tinh thần cho người dân mà còn góp phần tạo nên tên tuổi của nhiều diễn viên, đạo diễn trẻ cho sân khấu tương lai. Tuy nhiên…

Nhưng đáng lo

Bên cạnh những điều đáng mừng ấy, sân khấu cũng đang bộc lộ một số điều đáng lo ngại. Hiện nay, có vẻ như một số người làm sân khấu đang chạy theo “mốt” đưa cảnh “nóng” lên sàn diễn vừa làm “tươi mát” vở diễn, vừa tạo sự tò mò, kéo khán giả đến rạp đông hơn. Tuy nhiên, theo một số đạo diễn, cảnh “nóng” là con dao hai lưỡi, nếu xử lý khéo, là nghệ thuật, hấp dẫn và ngược lại. Bởi khác với điện ảnh, sân khấu là nơi giao lưu trực tiếp với khán giả, xử lý sao cho vừa phải, tăng hiệu quả mà không bị trần trụi, gợi dục là điều không đơn giản. Mặt khác, nếu sân khấu lạm dụng cảnh “nóng” để câu khách thì thật đáng buồn.

Ngoài ra, sân khấu cũng đang tồn tại một vấn đề, đó là việc một số nam nghệ sĩ thường xuyên đóng những vai nữ trên sân khấu. Hiện tượng này xuất hiện nhan nhản trên sàn diễn. Điều nguy hại hơn là ở sân khấu thiếu nhi. Có thể, qua những vai nữ ấy, các nam nghệ sĩ muốn chứng minh một điều, họ là nghệ sĩ tài năng, có thể hóa thân trong nhiều nhân vật? Nhưng khổ nỗi, cái tài năng õng ẹo, đầy chất nữ tính ấy cứ xuất hiện liên tục trên sàn diễn thì quả thật đáng lo ngại. Nhiều phụ huynh có con em yêu thích các thần tượng nam nghệ sĩ chuyên sắm vai nữ, tỏ ra băn khoăn: trẻ nhỏ thường hay bắt chước, vô tình biến cháu thành một người “nam không ra nam mà nữ không ra nữ”, sau này sẽ rất khổ!.

Vấn đề then chốt vẫn là kịch bản

Thấy gì ở sân khấu hôm nay? ảnh 2

“Cánh đồng gió” vở kịch không cảnh nóng, không nam giả nữ vẫn thu hút khán giả trên Sân khấu kịch Phú Nhuận.

Trước thực trạng hiện nay, chắc chắn các “bầu” sân khấu đều có những hoạch định riêng cho sự tồn tại và phát triển của đơn vị.

Theo NSƯT Hồng Vân – Giám đốc Sân khấu Kịch Phú Nhuận: “Khi có được vở kịch hay, có thể diễn đi diễn lại nhiều lần. Cho nên, chúng tôi đã xác định, từ nay trở đi, mỗi năm sẽ chỉ đầu tư dàn dựng từ 2 – 3 vở diễn mới để vở được chăm chút hơn, chất lượng hơn…”.

Còn NSƯT Việt Anh khẳng định: “Cái mà sân khấu chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục làm, đó là hướng đến những vở diễn có chất lượng nghệ thuật, bởi qua những vở diễn ấy, khán giả được lợi và diễn viên cũng học hỏi được rất nhiều điều hay”.

Về lâu dài, muốn cho sân khấu phát triển một cách mạnh mẽ, bền vững, theo NSƯT Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hồi đồng nghệ thuật – Hội Sân khấu TPHCM, các cơ quan chức năng, quản lý văn hóa cần tổ chức những hội thảo, tọa đàm, để những người làm sân khấu cùng ngồi lại với nhau, đánh giá điểm mạnh, yếu của sân khấu, “mổ xẻ” từng vấn đề thì mới mong phát triển. Nếu mạnh ai nấy làm như hiện nay, chẳng biết tương lai sân khấu sẽ ra sao?

Còn NSƯT Trần Minh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM cho rằng, cái khó nhất hiện nay là vấn đề kịch bản. Khi không có kịch bản hay, đạo diễn, diễn viên có giỏi cách mấy cũng đành chịu thua.

Nhiều sân khấu hôm nay còn đang phải đối diện với tình trạng “chảy máu” chất xám. Hiện nay, phim truyền hình đang phát triển rầm rộ và với công nghệ làm phim mới, thu tiếng trực tiếp, các diễn viên kịch luôn được nhiều đạo diễn phim ưu tiên mời gọi. Vì thế, diễn viên phải chạy sô nhiều, dành thời gian tập luyện vở diễn mới rất ít. T

heo NSƯT Trần Ngọc Giàu, thời gian tập luyện quá ít, đã làm ảnh hưởng đến chất lượng vở diễn, càng khiến cho nhiều vở diễn cứ nhàn nhạt, thiếu chiều sâu.

VÂN AN

Tin cùng chuyên mục