Chiều Phù Tang giữa Sài Gòn…

Chiều Phù Tang giữa Sài Gòn…

(SGGP 12G).- Một ngày mùa hạ, khu vườn thênh thang ngời sắc xanh nhờ những cơn mưa miền nhiệt đới. Chủ nhân khu vườn – người đàn ông trung niên, vóc dáng tầm thước, tóc đã “nửa phần tiêu, muối” - đón khách từ ngoài cổng, đưa chúng tôi vào vườn trên con đường nhỏ thấp thoáng dưới những tàn cây. Bạn đã đến vườn Minh Trân (quận Tân Bình, TPHCM)…

Chiều Phù Tang giữa Sài Gòn… ảnh 1
Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng ký tặng sách cho sinh viên trong một buổi giao lưu> Ảnh M.T.

Khu vườn đang chuẩn bị tiếp khách quý: Hai giáo sư trà đạo đến từ Nhật Bản. Bà và con gái bà sẽ giới thiệu, trình diễn nghệ thuật trà đạo thần thoại của xứ Phù Tang với các khách mời người Việt và người Nhật.

Một bục vuông, cao trải tatami (chiếu Nhật). Một bếp điện nhỏ vỏ gốm bao quanh trông như lò cổ. Một chiếc ấm gang truyền thống. Một dải khăn treo trang trí làm “phông”. Nào có khác gian tiếp khách của một ryokan (nhà) Nhật xưa là mấy. Hầu như chẳng ai để ý rằng cái “góc Phù Tang” ấy nằm ở tầng dưới một chiếc nhà sàn, với hàng cột gỗ mộc mạc mà chắc chắn, tường kính lộng quanh.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng rời Sài Gòn du học Nhật Bản khi vừa tròn 18 tuổi, giữa lúc cuộc chiến đang diễn ra ác liệt trên quê hương. Mười năm sau, với học vị tiến sĩ kinh tế, anh trở thành chuyên viên phát triển của Liên Hiệp Quốc và làm việc cho tổ chức này suốt 15 năm.

Trong thời gian đi học, chàng thanh niên tích cực hoạt động trong phong trào sinh viên chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam và trở về thăm đất nước ngay sau khi chiến tranh vừa kết thúc. Ở nơi là khu vườn rộng hơn héc ta này, xưa kia là một vùng đồng không mông quạnh. Từ cuối những năm 1980, anh cần mẫn đi về bền bỉ san đất, trồng cây.

Giờ đây, quanh vườn Minh Trân mọc lên những tòa nhà cao tầng của Trường Quản trị doanh nghiệp Trí Dũng (đào tào cán bộ quản trị), Công ty Điện tử công nghệ cao Minh Trân (sản xuất linh kiện xuất khẩu), Văn phòng Công ty tư vấn NICD… tất cả đều do anh sáng lập. Những năm trở lại đây, mỗi lần về nước, anh dành thời gian ở lại Việt Nam lâu hơn, ngoài công việc, anh tham gia các hoạt động của Việt kiều trong nước.

Anh cũng chính là người đã chuyển ngữ cuốn hồi ký của ông Honda Soichiro (cha đẻ chiếc xe Honda) từ tiếng Nhật sang tiếng Việt với tựa đề “Biến giấc mơ thành sức mạnh đi tới” (Báo Sài Gòn Giải Phóng và NXB Văn hóa Sài Gòn kết hợp xuất bản, Quỹ Văn hóa Daido Life Foundation Nhật Bản tài trợ).

Trong lời giới thiệu cuốn sách, anh viết: “Tựa đề cuốn sách cũng chính là tâm niệm của riêng tôi trong mọi hoạt động tại quê nhà để góp phần sức lực nhỏ bé xây dựng một đất nước Việt Nam phát triển thực sự, tương xứng với mọi hy sinh to lớn của cả dân tộc trong gần một thế kỷ nay”.

Anh tham gia sáng lập và giữ trách nhiệm trong nhiều năm Hiệp hội Doanh nghiệp Việt kiều, tổ chức Khoa học – Kỹ thuật Việt kiều TPHCM, Câu lạc bộ hợp tác Việt - Nhật… Anh được trao tặng danh hiệu “Vinh danh Nước Việt - 2005”.

Chiều Phù Tang giữa Sài Gòn… ảnh 2

Một góc vườn Minh Trân

Nếu chủ nhân của nó là người năng động bao nhiêu thì khu vườn lại yên bình bấy nhiêu. Vườn Minh Trân phải chăng là giấc mơ hằng đêm về quê nhà trong những tháng ngày xa xứ được vị tiến sĩ Việt kiều này biến thành hiện thực.

Chính diện cửa tam quan lợp ngói dẫn vào vườn là ngôi nhà Huế cổ, cửa gỗ chạm khắc cầu kỳ, đôi rồng chầu minh châu uốn mình trên mái ngói, thanh tịnh hồ sen nhỏ phía trước. Băng qua vạt vườn rộng, ngôi nhà sàn lấp ló giữa những ngọn cây cao vút xanh um.

Khách Nhật Bản, khách quốc tế theo những bậc thang gỗ lên nhà trên không khỏi ngạc nhiên và hứng thú khi bước vào một không gian rộng lớn trưng bày rất nhiều đồ thủ công mỹ nghệ Việt.

Lần theo con đường nhỏ đi sâu vào vườn, một nếp nhà ba gian, bàn gỗ, giường tre, gốm sứ Bát Tràng, tượng chú Tễu gỗ mít, cánh võng lơ là gợi về một vùng quê Bắc bộ. Tất cả để giới thiệu văn hóa Việt Nam với khách.

Còn anh, mỗi lần về nước làm việc anh nghỉ lại trong ngôi nhà gỗ kiểu Nhật nằm phía bên kia vườn, sau khi đi bên rặng trúc, ngang qua những cây mít có chùm trái mũm mĩm như bầy heo con, xuyên dưới dàn thiên lý. Nước theo ống tre rót vào lòng mấy chục chiếc chum to do anh sắp đặt giữa vườn, cất lên muôn tiếng róc rách. Bản hòa âm của thiên nhiên, cỏ cây, của nước của gió, vỗ về tấm lòng đứa con một thời xa quê…

Chiều Phù Tang giữa Sài Gòn… ảnh 3
Giới thiệu trà đạo Nhật Bản ở vườn Minh Trân .Ảnh N.Q.

Hai vị khách đến lễ trà trong bộ kimono rất đẹp. Cô con gái cắp trong tay một chiếc hộp sơn mài nhỏ, bên trong là những “đồ nghề” cần thiết để pha trà: Hộp đựng trà, thìa gỗ múc trà, chổi tre quậy trà, chén trà, khăn lau nhỏ…

Nhìn cô thao tác, ẩm khách tự nhủ: biết bao vẻ đẹp tiềm ẩn cả trong những điều bình dị nhất của cuộc sống, biết bao nguyên cớ để vui sống với đời. Ngôn ngữ văn hóa phải chăng là cây cầu kỳ diệu làm các quốc gia, dân tộc xích lại gần nhau …

Mưa rơi thưa hạt. Hương trà Nhật tỏa nhẹ trong vườn. Người Nhật uống trà với wagashi, tên gọi chung của thứ bánh ngọt truyền thống làm từ bột gạo, bột mì và các loại đậu, đỗ.

Trước khi rót trà, chủ mời khách một chiếc bánh thơm thơm nho nhỏ, vốn là cả một tác phẩm nghệ thuật tinh tế. Người làm wagashi lấy cảm hứng từ thiên nhiên bốn mùa, từ thơ ca, nhạc họa. Một cánh bướm nhỏ, một chú họa mi xinh xinh, một nụ anh đào chớm hé… hình dáng vài chiếc bánh đủ làm cho người ta cảm thấy mùa xuân đang ở đâu đây. Người thợ bánh sáng tác không ngừng. Wagashi trước hết tượng trưng cho sự chung sống hài hòa với thiên nhiên. Quả là thứ thức dùng tao nhã…

Sống có thủy có chung, người Việt Nam định cư lâu năm ở nước ngoài thường tâm niệm mình là đứa con có hai quê, một quê hương nặng công sinh thành, một quê hương có công nuôi dưỡng. Những ngày này anh Nguyễn Trí Dũng đang bận rộn trên đất Nhật để góp phần tổ chức các cuộc giao lưu văn hóa Việt-Nhật được tổ chức lớn nhân dịp 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Những người như anh chính là chiếc cầu nối giữa hai đất nước vì sự hiểu biết và hợp tác.
 
Khi ra đi, quê hương kết thành khối trong lòng trĩu nặng. Ngày trở về, tình yêu lớn lên vì được nhân đôi, mênh mông…

 NINH HÀ - NGUYỄN QUỐC 

Tin cùng chuyên mục