Taikomochi - nét độc đáo của nghệ thuật Geisha

Taikomochi - nét độc đáo của nghệ thuật Geisha

Trước đây, khi nhắc đến Geisha, người ta thường chỉ nghĩ ngay đến những cô gái Nhật trong bộ áo kimono xinh đẹp với cử chỉ quyến rũ, nụ cười, giọng hát làm say đắm lòng người. Ít ai biết rằng, nghệ thuật Geisha còn mang lại tiếng cười sảng khoái, trí tuệ từ các Taikomochi – nam nghệ nhân trong nghệ thuật Geisha…

Taikomochi trong nghệ thuật Geisha

Nhân kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, Trung tâm nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á phối hợp với trường ĐH KHXH-NV tổ chức buổi giao lưu trình diễn nghệ thuật Taikomochi của nghệ nhân Shozo Arai.

Không ít người ngạc nhiên khi biết rằng Taikomochi chính là một phần quan trọng của nghệ thuật Geisha. Phạm Như Lan, sinh viên Khoa Đông phương cho biết: “Mình bất ngờ vì luôn nghĩ Geisha phải là nữ, nay người trình diễn lại là nam, nhưng khi xem trình diễn Taikomochi xong, mình rất thích vì nó mang lại tiếng cười thoải mái cho người xem”.

Taikomochi - nét độc đáo của nghệ thuật Geisha ảnh 1

Nghệ nhân Shozo Arai. Ảnh: T.L.

Geisha, theo tiếng Nhật, gei là “thuộc về nghệ thuật” và sha là “người”, từ ghép geisha có nghĩa là người của nghệ thuật. Geisha xuất phát từ văn hóa yến tiệc của người Nhật xa xưa. Ngày xưa, người nông dân tuy quanh năm làm lụng vất vả nhưng họ cũng dành thời gian để nghỉ ngơi, tổ chức lễ hội tụ tập lại vui chơi, ca hát, ăn uống. Đây còn là cơ hội để họ bày tỏ lòng cảm ơn trời đất, tổ tiên.

Điều này được thể hiện trong rất nhiều nghi thức sinh hoạt của người Nhật và tất nhiên cả trong nghệ thuật trình diễn Geisha.

Các Geisha được đào tạo nhiều kỹ năng truyền thống như múa cổ điển, hát và sử dụng các nhạc cụ, cắm hoa, thêu, trà đạo, thư pháp, thơ ca, giao tiếp, phong cách hầu rượu và nhiều kỹ năng khác. Các kỹ năng này sẽ được tiếp tục học hỏi và hoàn thiện trong suốt cuộc đời của Geisha. Và một Geisha được đánh giá thành công trong nghề nghiệp phải thể hiện được vẻ đẹp, sự duyên dáng, tài năng nghệ sĩ, sức quyến rũ, nghi thức xã giao hoàn hảo, và sự tao nhã. Geiko, Maiko là từ dùng để chỉ những nữ nghệ nhân Geisha.

Trong vai trò này, những nam nghệ nhân phục vụ trong các bữa tiệc được gọi là Taikomochi. Họ có vai trò quan trọng, không thể thiếu trong các buổi biểu diễn của Geisha, vì mang lại không khí vui vẻ và giúp các Geiko phô diễn tài năng.

Những tiếng cười mang tính trí tuệ

Taikomochi có nghĩa là “người mang theo cái trống bên mình”, mặc dù họ không mang theo cái trống nào cả. Có thể gọi họ một cách thân mật là các chú hề vì mang đến niềm vui cho mọi người. Nhưng tiếng cười của Taikomochi không phải từ các hành động ngờ nghệch như, thường thấy ở các chú hề mà mang tính trí tuệ.

Các nghệ nhân Taikomochi thông qua những câu chuyện mang tính “thời sự” nhưng kể theo phong cách hài hước, vui tươi. Cái khó nhất trong nghệ thật Taikomochi là phải làm sao trả lời được tất cả câu hỏi của khách một cách dí dỏm mà không làm mất lòng.

Ngoài ra, nghệ nhân còn phải biết sử dụng ngôn ngữ hình thể, những cử chỉ duyên dáng mà hài hước. Shozo Arai là một trong năm nghệ nhân Taikomochi hàng đầu của Nhật, ông toát lên được cái thần của Taikomochi ngay cả khi không biểu diễn khiến ai nhìn thấy ông cũng phải nhoẻn miệng cười. Vì đây là một môn nghệ thuật không dễ theo đuổi, đòi hỏi diễn viên phải có năng khiếu, đồng thời phải bổ sung, cập nhật kiến thức về cuộc sống liên tục mới có thể trình diễn. Nghệ nhân Shozo Arai theo học từ khi mới mười mấy tuổi, đến năm 40 tuổi mới đủ trình độ biểu diễn trước công chúng.

Ikuo Mizuki, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM cho biết, năm 2007, nghệ nhân Arai đã chủ trì tổ chức một buổi biểu diễn tại Đại học Warszawa (Phần Lan). Năm nay, nghệ nhân đến Việt Nam là lần xuất ngoại thứ hai. Mỗi cuộc trình diễn là một dịp tốt cho các sinh viên chuyên nghiên cứu về nền văn hóa phương Đông tiếp thu thêm kiến thức. Ông hy vọng trong tương lai sẽ tổ chức thêm nhiều buổi giao lưu trao đổi văn hóa hơn nữa để hai nước hiểu nhau hơn và hợp tác nhiều hơn. 

MAI BỬU HOÀNG HƯNG

Tin cùng chuyên mục