Có một nhà văn Hà Nội tên “Muỗi Sài Gòn”

Chừng mươi mười lăm năm trước, khi tham gia làm một chuyên đề về báo chí Hà Nội, tôi đến 177 Bùi Thị Xuân, Hà Nội để hỏi chuyện nhà báo Vũ Đức Toa, người có chân trong Ban biên tập tờ Dân ý, tờ báo công khai do Ban cán sự nội thành của Thành ủy Hà Nội chủ trương (5-1954) và sau đó làm chủ nhiệm tờ Niềm vui cũng của Thành ủy. Tờ Dân ý đặt trụ sở tại 87 phố Thuốc Bắc, còn tờ Niềm vui đặt ở 73 Hàng Bồ.

Ông Vũ Đức Toa khi ấy (1992) đã 78 tuổi (ông sinh năm 1915 tại Vụ Bản - Nam Định) nhưng còn rất tinh tường. Ông ăn mặc xuề xòa, đầu đội chiếc mũ mềm kiểu bộ đội. Khi tôi đưa tấm “các” làm quen, ông ngạc nhiên hỏi: “Anh là bộ đội? Chắc anh muốn hỏi về cái xưởng chế tạo vũ khí mang tên Phan Đình Phùng của tôi những năm đầu cách mạng?”. Tôi thưa không. Tôi nói, tôi chỉ hỏi ông về mấy tờ báo được xuất bản trong lòng Hà Nội bị tạm chiếm những năm từ 1947 - 1954. Chuyện trò quanh quẩn thế nào lại “quy” về cái bút danh Muỗi Sài Gòn của ông.

Ông kể, ông vốn là một kỹ sư (học Trường Kỹ nghệ Hải Phòng những năm 30), một nghệ sĩ tạo hình (từng học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương), một nhà giáo (từng là giáo viên Trường Trưng Vương, Trường THPT Hoàn Kiếm)... Nhưng rốt cuộc cái nghề mà ông yêu thích nhất ấy là nghề cầm bút.

Qua tìm hiểu những tờ báo xuất bản ở Hà Nội thời tạm chiếm, tôi được biết cái tên Muỗi Sài Gòn xuất hiện đồng thời với sự ra đời, hoạt động của các tờ Dân ý, Niềm vui, Tia sáng... Muỗi Sài Gòn (Vũ Đức Toa) luôn đi cạnh những tên tuổi Hoàng Công Khanh, Vũ Khắc Khoan, Sĩ Tiến, Nguyễn Tường Phượng, Lương Xuân Nhị, Bùi Xuân Phái, Hoàng Lập Ngôn, Phạm Tăng, Trần Văn Lai, Hoài Việt, Nguyễn Bắc, Thi Thi Tống Ngọc, Sao Mai, Ngân Giang, Nguyễn Đỗ Cung, Mạnh Quỳnh...

Bấy giờ nói đến Muỗi Sài Gòn người ta nghĩ ngay đến một nhà thơ trào phúng viết khỏe, viết đều, vừa dí dỏm lại vừa sâu cay. Thơ ông luôn phê phán kịp thời những thói hư tật xấu của người đời, giễu cợt những kẻ trưởng giả học làm sang, kệch cỡm; đặc biệt là bọn quan lại chức dịch hống hách; ăn của đút lót - bọn “cướp ngày”. Bạn đọc bấy giờ khoái những cái tên Tú Mỡ, Tú Sụn, Tú Lỡm, Muỗi Sài Gòn... Trên tờ Tia sáng (xuất bản đầu những năm năm mươi) dân chúng đặc biệt thích thú với những “cú đốt”, “cú châm” của “muỗi” Sài Gòn.

Nhưng Muỗi Sài Gòn không chỉ có “đốt” có “châm”, có thơ đả kích, châm biếm mà ông còn là một dịch giả, một nhà nghiên cứu sưu tầm văn học nổi tiếng trên đất Hà thành. Hôm tôi đến thăm ông, ngày 27 tháng 9 năm 1992 ông có “biếu” (chữ dùng của ông) tôi cuốn Chinh phụ ngâm do ông dịch theo ba thể thơ tứ tuyệt, lục bát và lục bát gián thất (NXB Văn hóa, 1992).

Cầm cuốn sách tôi hết sức ngạc nhiên bởi vì lâu nay Chinh phụ ngâm đã có tới bốn bản dịch của các bậc kiệt hiệt mà tên tuổi đã trở nên quá quen thuộc với bạn đọc như Phan Huy Ích, Đoàn Thị Điểm... ấy là việc “dịch” Chinh phụ ngâm ra “tiếng ta” - theo cách nói của giáo sư Hoàng Xuân Hãn.

Việc dịch Chinh phụ ngâm ra “tiếng Tây” cũng đã có những bản dịch của Riu Anlây, Phạm Xuân Thái (tiếng Anh), Hoàng Xuân Nhị, Bùi Văn Lăng, Lê Văn Chất, Nguyễn Ngọc Ngoạn, Aben đờ Misen (tiếng Pháp)... lại thêm ngạc nhiên nữa, khi ông - Muỗi Sài Gòn vốn là một nhà trào phúng, chỉ biết tiếng Pháp, chỉ biết đúc, đục đẽo, gọt; chỉ biết “gõ đầu trẻ” sao lại “dám” dịch không chỉ một mà đến ba bản dịch Chinh phụ ngâm?

Như thấy trước được sự “thắc mắc” của tôi, ông phân trần rằng, bởi ông quá yêu văn học cổ nước nhà. Và để chứng minh tấm lòng của ông với văn học cổ Việt Nam, ông trân trọng đưa tôi xem bộ sưu tập 30 bản Chinh phụ ngâm, 20 bản Thơ văn Nguyễn Trãi, 10 cuốn viết về Lê Quý Đôn, 5 cuốn về Hồ Xuân Hương...; đặc biệt là 70 bản Truyện Kiều!

Vừa lần lượt giới thiệu với tôi những thứ “của gia bảo”, những “báu vật”, ông vừa tiếc nuối: “Mất 40 bản Kiều anh ạ! Giá không bị mối xông (do nhà quá chật hẹp - TG) tôi đã có 110 bản Kiều!”. Tôi không dám tin ở mắt mình nữa, thú thực thế, và buột miệng một câu thật vô duyên: “Những thư viện lớn nhất nước mình chắc cũng không có được những cuốn sách như thế này!”. Ông im lặng bảo tôi, nếu tôi có quen biết giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đỗ Bảo (con trai danh họa Nguyễn Đỗ Cung) thì hãy “nói khéo” giúp ông kiếm giùm bản Kim Vân Kiều tiếng Pháp của Aben đờ Misen...

Muỗi Sài Gòn kể, khi Sài Gòn mới giải phóng, ông đã từng lang thang khắp phố hè, ngõ hẻm để săn sách. Món đồ mà ông tha từ thành phố phương Nam mới giải phóng ra thủ đô, về căn nhà nhỏ phố Bùi Thị Xuân không phải là những quạt máy, búp bê, rổ rá nhựa, sườn xe, bột ngọt... mà là những bao tải sách báo. Ông tỏ ra rất nuối tiếc khi phải chia tay với cả đống sách báo cũ vì nạn mối mốc, vì nhà chật và vì cả sự túng thiếu tiền bạc...

Theo ông, ba bản dịch Chinh phụ ngâm - một cuốn sách mỏng, có vẻn vẹn 50 trang khổ 19x13cm mà giáo sư Phong Lê trong lời giới thiệu đã từng phải thốt lên là “một điều đáng kính trọng và đáng kinh ngạc”, có được cũng chẳng dễ dàng gì. Việc chuyển hàng trăm câu thơ ra ba thể lục bát, tứ tuyệt và lục bát gián thất là rất khó, đòi hỏi cả ở sự hiểu biết và lòng kiên nhẫn.

Cái khó khác, không kém là vấn đề kinh tế. Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đất nước còn rất khó khăn, cuộc sống của người về hưu trăm bề thiếu thốn, ấy vậy mà Muỗi Sài Gòn phải bỏ ra 2,5 triệu đồng để in Chinh phụ ngâm! Đó là món tiền không phải nhỏ lúc bấy giờ. Chỉ riêng việc này đã thấy ông nặng lòng với văn chương nói riêng, với văn học dân tộc, với di sản của ông như thế nào.

Chinh phụ ngâm (ba bản dịch) in năm  trước (1992) thì năm sau, Muỗi Sài Gòn - Vũ Đức Toa về với tiên tổ. Tôi đã không kịp đến gia đình anh Nguyễn Đỗ Bảo để hỏi xem gia đình anh có còn giữ được bản Kim Vân Kiều tiếng Pháp của Aben đờ Misen không? Và cũng không có dịp, có cơ hội để thấy lại những “báu vật” - những bản Kiều, những cuốn Chinh phụ ngâm, những tập thơ của bà chúa thơ Nôm... trong tủ sách của ông.

Không biết hiện những “di sản” này ở đâu, còn hay mất? Tôi viết những dòng này để tưởng nhớ Muỗi Sài Gòn, để tỏ lòng kính trọng với những ai đã và đang trân trọng, đã và đang nặng lòng với văn chương, với di sản mà cha ông để lại.

Ngô Vĩnh Bình

Tin cùng chuyên mục