Tái hiện tập tục dựng cây Nêu

Ngày 3-2, làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tổ chức lễ dựng cây Nêu ngày tết tại Quảng trường Khu các làng dân tộc tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Đây là hoạt động mở đầu chuỗi các hoạt động của ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” được tổ chức tại đây trong dịp đón xuân Quý Tỵ.
Tái hiện tập tục dựng cây Nêu
  • TPHCM đồng loạt khai mạc chợ hoa

(SGGP).- Ngày 3-2, làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tổ chức lễ dựng cây Nêu ngày tết tại Quảng trường Khu các làng dân tộc tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Đây là hoạt động mở đầu chuỗi các hoạt động của ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” được tổ chức tại đây trong dịp đón xuân Quý Tỵ.

Lễ dựng cây Nêu và lễ hạ Nêu là phong tục đẹp, giàu ý nghĩa của nhiều dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Cây Nêu có một vị trí đặc biệt, không chỉ để trừ ma quỷ mà còn là biểu tượng của cây vũ trụ, chuyên chở những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp. Cây Nêu được dựng tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một cây tre cao khoảng 5 - 6m. Sau khi tiến hành lễ cúng, các nhà nho viết câu đối, chọn tranh tết và trang trí khánh nhà Phật, chuông, cá chép mã… lên ngọn cây Nêu.

Người dân thả cá ngày cúng ông Táo trên kênh Bến Nghé, TPHCM. Ảnh: Trần Duy Phú

Người dân thả cá ngày cúng ông Táo trên kênh Bến Nghé, TPHCM. Ảnh: Trần Duy Phú

Cùng ngày, lễ hội ông Công - ông Táo theo nghi thức truyền thống lần đầu tiên đã được người dân làng gốm Bát Tràng - Hà Nội tái hiện. Lễ hội dân gian ông Công - ông Táo do làng gốm cổ Bát Tràng thực hiện với các nghi thức dân gian, truyền thống. Trước tiên là nghi lễ rước “ông đầu rau” - được làm từ trấu và đất sét. “Ông đầu rau” cao 1,2m, do Hội Nghệ nhân thợ giỏi làng gốm Bát Tràng chế tác. Cùng với đó là phần rước cá chép với chiều dài 3,5m, do nghệ nhân dân gian Hà Nội thực hiện cùng 12 mâm sản vật, lễ vật của địa phương gồm bánh chưng, bánh dày, bánh đậu xanh, kẹo sìu, bánh cu đơ, bánh cáy, bánh phu thê, bưởi ngọt, nhãn, mâm ngũ quả…

Lễ rước bắt đầu từ làng gốm Bát Tràng với 9 xe kiệu, đội tế nam - tế nữ, sênh tiền và bà con, nghệ nhân làng Bát Tràng qua tượng đài Lý Thái Tổ, đền Ngọc Sơn… và dừng tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam - nơi diễn ra hội hoa, chợ tết. Lễ hội nằm trong khuôn khổ Hội hoa chợ tết tôn vinh làng nghề và hàng nông sản chất lượng cao do thành phố Hà Nội tổ chức.

* Cùng ngày, tại TPHCM đồng loạt các chợ hoa tại Công viên 23-9, Công viên Lê Văn Tám quận 1, Công viên Gia Định quận Gò Vấp đã được khai mạc cùng với gần 65 chợ hoa tại 17 quận, huyện trên địa bàn TPHCM. Các loại hoa cây kiểng chủ đạo là mai, đào, tắc, cúc đại đóa, cúc mâm xôi, hồng… Tuy nhiên, do mới ngày đầu nên sức mua còn khá chậm. Tại Công viên 23-9 có loại kiểng treo ngược gây được nhiều chú ý vì khá lạ. Ngoài ra còn có nhiều loại hoa được giới thiệu nhập từ Thái Lan như anh thảo, thu hải đường… Tại Hội chợ Hoa xuân Phú Mỹ Hưng với chủ đề “Hoa đồng cỏ nội” cùng các hoạt động lễ hội diễn ra trong 6 ngày, từ ngày 3 đến 8-2 (ngày 23 đến 28 tháng chạp) tại khu hồ Bán Nguyệt quận 7.

Tối 3-2, tại Cần Thơ đã khai mạc “Ngày hội bánh dân gian Nam bộ lần 2 - 2013”. Ngày hội quy tụ nhiều loại bánh, các loại chè cùng trò chơi dân gian với sự tham gia của nhiều nghệ nhân và đặc sản trong khu vực. Trong suốt thời gian diễn ra ngày hội (từ 2 đến 4-2), các nghệ nhân sẽ biểu diễn viết thư pháp, thi gói bánh tét, cách làm một số loại bánh dân gian (đổ bánh xèo, gói bánh tét, làm bánh hỏi, quết bánh phồng, giã cốm dẹp…). Tại ngày hội, nhiều loại bánh và trò chơi dân gian chỉ còn ở một vài vùng nông thôn sâu, có nguy cơ thất truyền đã được phục dựng.

Trước đó, tối 1-2, Ban tổ chức chương trình Tết quân dân TP Cần Thơ đã đưa ra bán đấu giá đòn bánh tét dài 9m, nặng khoảng 220kg với 6 loại nhân bánh kết hợp đặc trưng nhiều vùng miền trong cả nước. Công ty TNHH Xuân Khánh thuộc Thành đội Cần Thơ đã đấu giá thành công với mức giá 130 triệu đồng để gây quỹ ủng hộ người nghèo xã Đông Thắng (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ). Chương trình “Sắc xuân miệt vườn” của Bảo tàng Cần Thơ đã thu hút nhiều khách trong ngoài nước đến tham quan, thưởng thức.

Chương trình viết thư pháp từ thiện đón tết cổ truyền do Báo SGGP Hoa văn phối hợp cùng Chi hội Thư pháp thuộc Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc TPHCM với sự tài trợ của Hội quán Tuệ Thành đã được tổ chức sáng 3-2. Đây là lần thứ 4 Báo SGGP Hoa văn tổ chức chương trình nhằm gây quỹ hỗ trợ người dân nghèo đón tết. Chương trình đã tiếp nhận hơn 190 triệu đồng.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục