Việc bảo tồn Đàn Xã Tắc tiếp tục gây tranh cãi

(SGGP).- Trong khi Ban Quản lý dự án trọng điểm đô thị Hà Nội đang nghiên cứu để chọn phương án tối ưu cho nút giao thông khu vực Đàn Xã Tắc, trong đó xem xét phương án xây cầu vượt hoàn toàn bằng thép thay vì 5 nhịp cầu thép và 6 nhịp bê tông được đặt ra để tránh ảnh hưởng đến di tích Đàn Xã Tắc thì ngày 8-5, cuộc tọa đàm “Đàn Xã Tắc Thăng Long có nên bảo tồn không?” do Tạp chí Tia Sáng tổ chức đã thu hút sự tham gia của đông đảo nhà khoa học, nhà nghiên cứu, kiến trúc sư.

Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Hồng Kiên (người phụ trách khai quật khảo cổ học di tích Đàn Xã Tắc) cho rằng thời gian gần đây, nhiều thông tin không chính xác về di tích Đàn Xã Tắc được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chính vì vậy, tại cuộc tọa đàm này, TS Kiên đã thuyết trình toàn bộ quá trình khảo cổ, khai quật di tích Đàn Xã Tắc và những câu chuyện xung quanh di tích này.

Theo GS Nguyễn Văn Hảo, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, những vết tích kiến trúc trước kia khai quật được không có một đặc điểm nào của Đàn Xã Tắc Thăng Long và ủng hộ việc xây cầu vượt qua đoạn này vì không lo Đàn Xã Tắc bị xâm phạm. GS Hảo nhấn mạnh: “Những dấu tích phát lộ không có chứng cứ nào cho thấy đây là Đàn Xã Tắc. Như vậy chúng ta chưa tìm ra Đàn Xã Tắc, mà nếu tìm ra cũng đã bị hủy hoại nặng nề. Chúng ta có nên khoanh vùng để bảo tồn không?”.

Còn ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Giao thông Vận tải Hà Nội, cho rằng những gì chưa ước lượng được của Đàn Xã Tắc thì không nên công bố, gây hoang mang cho người dân. Cũng có ý kiến cho rằng làm cầu vượt qua Đàn Xã Tắc là đứng trên bàn thờ tổ tiên. Nếu như vậy đường máy bay thì sao, phải chăng chúng ta lại khoanh vùng cấm bay qua Hà Nội? Rõ ràng là không thể được….

Điều đáng tiếc là các đại biểu tham dự tọa đàm chủ yếu trong lĩnh vực khảo cổ mà ít chuyên gia ở lĩnh vực giao thông và cuộc tọa đàm dù diễn ra nhiều giờ xong xem chừng chỉ làm rối thêm nội dung tranh luận về bảo tồn Đàn Xã Tắc.

Vĩnh Xuân

Tin cùng chuyên mục