Sức sống đờn ca tài tử

Mạch ngầm phù sa nơi phố thị
Sức sống đờn ca tài tử

Đờn ca tài tử - “đặc sản” của vùng đất phương Nam - vẫn có sức sống mãnh liệt trong thời hội nhập văn hóa. Không chỉ lan tỏa sâu rộng ở vùng sâu, vùng xa với mênh mang sông nước, giờ đây, nó còn khơi mạch thành dòng chảy mạnh mẽ ngay ở nơi đô thị TPHCM.

Một tiết mục trong chương trình giao lưu tìm hiểu về đờn ca tài tử tại quận 6, TPHCM.

Một tiết mục trong chương trình giao lưu tìm hiểu về đờn ca tài tử tại quận 6, TPHCM.

Mạch ngầm phù sa nơi phố thị

Nằm giữa vườn cây thoáng đãng, yên tĩnh, căn nhà nhỏ của nghệ nhân dân gian Lê Khắc Tùng (Thanh Tùng) ở huyện Hóc Môn rộn vang tiếng đàn, lời ca của các “học trò”, lớn nhất 60 tuổi, nhỏ nhất 9 tuổi. Càng về đêm, những tiếng đàn dường như càng lúc càng sâu lắng, thấm đẫm.

Từ 5 năm qua, từ sáng đến chiều tối, nơi đây trở thành điểm hẹn của những người yêu đờn ca tài tử không chỉ ở TPHCM, mà còn rất nhiều người đến từ các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh. Có người ở Bến Tre, công việc làm ăn khá bận rộn nhưng cứ mỗi chủ nhật lại đến nhà thầy Tùng để học. Anh Trương Văn Minh nhà ở huyện Củ Chi cho biết, trước anh có học vọng cổ, cải lương nhưng hơn 1 năm nay thì tìm đến thầy Tùng học ca tài tử, bởi thầy có cách dạy khoa học, dễ nhớ dễ hiểu lại rất chân tình.

Anh Đặng Thành Được theo học 5 - 6 năm nay, ngón đờn kìm và đờn sến đã rất thuần thục, giờ anh đang tiếp tục chinh phục đàn tranh. Chị Nguyễn Thị Thu Hằng cũng vậy, qua hơn 4 năm chị đã sử dụng thuần thục 5 loại nhạc cụ tranh, bầu, kìm, cò và guitare. Ngoài hàng trăm học trò khắp cả nước, nghệ nhân dân gian Thanh Tùng còn truyền dạy âm nhạc tài tử cho nhiều người Việt đang sinh sống ở Mỹ, Pháp, Canada…

Từ nhiều năm trước, khi còn công tác tại Trung tâm Văn hóa huyện Hóc Môn, không chỉ tích cực tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật, nghệ nhân dân gian Thanh Tùng còn chiêu mộ bạn tri âm tri kỷ tổ chức xây dựng các đội nhóm, CLB đờn ca tài tử tại cái nôi nhạc tài tử huyện Hóc Môn và các quận huyện khác. Nhẩm tính, ông đã có công gầy dựng trên 40 CLB, đội nhóm tài tử với hàng trăm hội viên. Không chỉ tại TPHCM, ông và bạn trong nghề còn tích cực gầy dựng phong trào âm nhạc tài tử hỗ trợ các tỉnh thành bạn Đồng Nai, Bình Dương, Long An, An Giang… Thế nên, dù đã trên 50 năm gắn bó với âm nhạc tài tử, giờ dòng máu tài tử trong ông vẫn đầy nhiệt huyết, vẫn mạnh mẽ tuôn trào.

“Sắc trắng tinh khôi sắc vàng óng ánh, ký ức năm xưa nằm trên đôi quang gánh nay đã theo con vào mỗi… băng chuyền”. Những tràng pháo tay vang lên không ngớt khi NSƯT Phượng Loan xuống vọng cổ ngọt ngào bài Ngọc đời con vẫn nâng niu (tác giả Châu Giang). Hình ảnh chân thật và tự hào về những người nông dân của thế kỷ 21 đang ngày đêm chung tay xây dựng nông thôn mới qua từng câu từng chữ hiện lên thật giản dị, thật đẹp.

Bất chấp cơn mưa rất to và nhiều tuyến đường còn ngập nước, những hàng ghế bên dưới tự lúc nào đã đông kín khán giả. Đây là một trong những chương trình giao lưu, tìm hiểu về đờn ca tài tử tại quận 6, TPHCM do Trung tâm Văn hóa TPHCM và Đài Truyền hình TPHCM tổ chức.

Mong mỏi không còn xa

Ngày nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ chính thức được tổ chức UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có lẽ không còn xa. Từ năm 2011, hồ sơ quốc gia về loại hình nghệ thuật này đã được hoàn chỉnh và trình UNESCO. Đây là một tin vui với âm nhạc truyền thống, là niềm tự hào của dân tộc.

Nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật đờn ca tài tử, Sở VH-TT-DL TPHCM và Trung tâm Văn hóa TPHCM vừa tổng kết cuộc vận động sáng tác lời mới cho nhạc tài tử Nam bộ, bài ca vọng cổ và chặp cải lương.

Cuộc thi đã khơi nguồn cảm hứng sáng tạo với bộ môn nghệ thuật độc đáo, qua đó làm giàu thêm kho tàng tác phẩm âm nhạc tài tử, tăng thêm sức sống đồng thời đưa âm nhạc tài tử Nam bộ đến với đông đảo người mộ điệu. “Trên 700 tác phẩm của các tác giả chuyên nghiệp lẫn không chuyên đến từ TPHCM và 17 tỉnh, thành trong cả nước tham gia chỉ sau hơn 6 tháng phát động cuộc thi là một sự thành công ngoài mong đợi.

Kết quả trên cũng minh chứng cho sức lan tỏa mạnh mẽ của nghệ thuật đờn ca tài tử”, soạn giả Ngô Hồng Khanh, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi nhận định.

Mới đây, làm việc tại TPHCM, Bộ VH-TT-DL đã chỉ đạo 21 tỉnh, thành tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu, giải thích về giá trị của nghệ thuật này đến với công chúng và khách quốc tế. Theo đó, Đoàn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ sẽ tham gia trình diễn trong dịp Festival di sản Quảng Nam (tháng 6-2013), trình diễn tại hội nghị của Hội đồng âm nhạc truyền thống thế giới lần 43 tại Thượng Hải, Trung Quốc (tháng 7-2013), kế hoạch trình diễn giao lưu tại Pháp (tháng 11-2013)...

Bên cạnh đó, DVD Đờn ca tài tử Nam bộ, Việt Nam (bản tiếng Việt) và DVD The art of Đờn ca tài tử music and songs of southern Vietnam (bản tiếng Anh) cũng đang được hoàn thiện và sẽ giới thiệu đến công chúng. Bộ VH-TT-DL cũng chỉ đạo các địa phương in ấn tờ gấp và quyển tài liệu bằng tiếng Việt, Anh, Pháp giới thiệu về lịch sử, văn hóa, âm nhạc của đờn ca tài tử. Gần nhất, Liên hoan đờn ca tài tử Nam bộ sẽ được tổ chức vào tháng 8 tới đây tại Cà Mau.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục