Vật vã với nắng nóng

Các tỉnh thành miền Bắc và Trung bộ đang phải chịu đợt nắng nóng khủng khiếp trong mùa hè năm nay 2018 với nền nhiệt độ nhiều nơi lên 40-41°C. Đặc biệt thời gian nắng nóng ngột ngạt kéo dài tới hơn 10 giờ một ngày đã không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân mà còn khiến cuộc sống thường ngày của nhiều người bị đảo lộn, ảnh hưởng, với rất nhiều khó khăn, vất vả.
Vật vã với nắng nóng
Vật vã với nắng nóng
Đua nhau vào viện

Mặc dù là ngày nghỉ cuối tuần nhưng đầu giờ sáng khu khám bệnh theo yêu cầu của Bệnh viện Bạch Mai đã đông nghịt không còn ghế trống, thậm chí phía ngoài hành lang và dưới các gốc cây to cũng đều la liệt người bệnh. Thời tiết nóng bức cùng với số người chờ khám rất đông khiến không khí nơi đây vô cùng ngột ngạt, nhiều người thêm mệt mỏi. Nhễ nhại mồ hôi sau cả giờ chờ đợi tới lượt khám, ông Huy (68 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) ngao ngán: “Thời tiết nắng nóng kéo dài thế này, người khỏe cũng ốm, chứ nói gì tới người già. Mấy hôm nay trời nóng bức quá khiến huyết áp của tôi liên tục lên cao, người rất khó chịu. Tôi tới đây khám bệnh, cứ tưởng sáng chủ nhật vắng người vậy mà từ lúc 7 giờ sáng đã đông lắm rồi...”. Trong khi đó, các bác sĩ của bệnh viện cho biết, vài ngày gần đây thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài đã ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe người dân, khiến số người tới khám và nhập viện tăng đột biến, với trên 3.000 bệnh nhân/ngày. Phần lớn người bệnh nhập viện là người lớn với các bệnh tim mạch, huyết áp, viêm phế quản, viêm phổi, viêm da dị ứng, bệnh đường tiêu hóa.

Không chỉ có Bệnh viện Bạch Mai mà ở nhiều bệnh viện khác như: Lão khoa, Nhi Trung ương, Xanh Pôn, Thanh Nhàn..., số người phải nhập viện điều trị các bệnh do thời tiết nóng bức gây ra cũng tăng cao. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, khu khám bệnh và nhiều khoa: cấp cứu, hô hấp, truyền nhiễm... trở nên quá tải, ngột ngạt vì nhiều trẻ bệnh. Một tay bế đứa bé mới 8 tháng tuổi, tay kia giữ chặt đứa con gái hơn 3 tuổi, chị Thủy (ở Cầu Giấy) than thở: Trời nóng quá nên ở nhà bật quạt và điều hòa suốt ngày đêm khiến 2 con đều bị sốt và ho. Ngồi ngay gần chị Thủy, người nhà một bệnh nhi từ Nam Định đưa con lên khám vì viêm phổi, mệt mỏi nói: “Nóng như rang người thế này, khổ nhất là trẻ nhỏ, rất dễ bị ốm!”. Theo TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, thời tiết nắng nóng gay gắt khiến trẻ bị sốt cao, ho, viêm phế quản, viêm mũi, tiêu chảy... đang tăng khá cao so với trước khiến các bác sĩ và điều dưỡng phải làm việc cật lực để đảm bảo việc khám chữa bệnh cho các cháu. Trong khi đó, tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, vài ngày gần đây, số bệnh nhân cao tuổi đến khám, chữa bệnh cũng tăng khoảng 30% so với ngày thường. Bệnh nhân đến khám chủ yếu là các bệnh tim mạch, huyết áp, viêm phế quản, viêm phổi, viêm da dị ứng, bệnh đường tiêu hóa do thời tiết nóng nực gây ra.

Sinh hoạt đảo lộn

Thời tiết nóng như thiêu đốt không chỉ vào ban ngày mà ngay cả khi trời tắt nắng và kéo dài tới cả đêm nên đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân, thậm chí gây đảo lộn cuộc sống của nhiều người. Nắng nóng nhất là từ 8 giờ đến 18 giờ, khiến nhiệt độ trên đường phố, nhất là ở những tuyến đường không có cây xanh, nhiều nhà cao tầng lên tới 42-43°C, hơi nóng từ mặt đường bốc lên không khác “chảo rang người” nên lượng phương tiện tham gia giao thông cũng giảm. Thậm chí ngay vào giờ cao điểm ở nhiều nút giao thông lớn, không còn quá đông đúc do nhiều người chờ trời tối, tắt nắng mới rời công sở, hay ra đường. Chị Minh Hương, nhân viên Văn phòng UBND quận Đống Đa, chia sẻ, hầu hết anh chị em trong cơ quan đều đi sớm về muộn, không phải vì công việc quá bận mà do thời tiết nắng nóng quá nên nhiều ngày 6 giờ sáng đã ra khỏi nhà đi làm và gần 19 giờ mới rời cơ quan chỉ để tránh ánh mặt trời như thiêu đốt. Trong khi đó, với những người mà công việc gắn bó với mặt đường thì những ngày thời tiết như lửa đốt “quả thật là cực hình”. Anh Nguyễn Xuân Hòa, một Grab Bike, buồn bã: “Nắng quá, mọi người đều tìm ô tô để đi nên suốt 3 ngày qua, tôi chỉ chạy được có vài chuyến xe nên chẳng đủ tiền uống nước”. Trong khi anh Hiếu, nhân viên giao hàng quán ăn, chia sẻ, trời càng nóng, công việc càng cực nhọc vì lượng hàng đặt, giao hàng tăng đột biến do nhiều người ngại ra đường. Có những ngày, anh phải đưa món ăn tới hàng chục điểm khác nhau trong thành phố và toàn vào lúc buổi trưa nên hơi nóng từ mặt đường bốc lên cảm giác ngạt thở đến ngất xỉu.
Mặc dù ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành chưa xảy ra tình trạng cắt điện, mất nước nhưng tại một số khu dân cư trong những ngày nóng thiêu đốt cũng đã xảy ra không ít sự cố cháy nổ cầu chì, nhảy automat do người dân sử dụng quá nhiều máy điều hòa… Thời tiết nóng bức gay gắt cũng là cơ hội làm ăn của nhiều cửa hàng kinh doanh máy lạnh, quạt mát, máy tạo hơi ẩm. Tại phố Nguyễn Lương Bằng, nơi chuyên bán các thiết bị làm mát, nhiều cửa hàng nơi đây tới 23 - 24 giờ vẫn mở cửa vì chưa hết khách mua hàng. 

Trong khi đó, tại các vườn hoa, công viên, nhất là các siêu thị, trung tâm thương mại lớn: Aeon, Lotte, BigC, Vincom... khách đông nghịt tới tối khuya. Nhiều người tới đây không phải mua sắm mà để… trốn nóng vì những khu vực này có máy lạnh. Thời tiết nóng bức không chỉ khiến các bể bơi quá tải mà tại hồ Tây, hồ Linh Đàm và sông Hồng cũng trở thành những điểm bơi lội công cộng đông nghịt người dù khu vực này rất nguy hiểm với người bơi.

Tin cùng chuyên mục