Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Tổng Thư ký Liên hiệp quốc

Sáng 26-7 (theo giờ New York), tại Trụ sở Liên hiệp quốc (LHQ) ở TP New York, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp với Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon. Tại cuộc gặp, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã thông báo với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang những ưu tiên phát triển của LHQ; đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đóng góp tích cực vào ổn định và phát triển của khu vực và thế giới. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam coi trọng vai trò ngày càng lớn của LHQ và LHQ có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, nhất là trong chủ trương tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, là thành viên xây dựng, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Tổng Thư ký Liên hiệp quốc

(SGGP).- Sáng 26-7 (theo giờ New York), tại Trụ sở Liên hiệp quốc (LHQ) ở TP New York, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp với Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon. Tại cuộc gặp, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã thông báo với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang những ưu tiên phát triển của LHQ; đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đóng góp tích cực vào ổn định và phát triển của khu vực và thế giới. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam coi trọng vai trò ngày càng lớn của LHQ và LHQ có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, nhất là trong chủ trương tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, là thành viên xây dựng, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

        Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ mong muốn của các thành viên LHQ về một chương trình nghị sự sau năm 2015 phù hợp, mở ra thời kỳ phát triển quốc tế mới, hướng tới sự thịnh vượng, bền vững và công bằng cho tất cả các nước. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam quyết tâm và tiếp tục hợp tác chặt chẽ với LHQ trong chu kỳ hợp tác mới phù hợp với các ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và lợi thế so sánh của từng tổ chức thuộc LHQ nhằm duy trì những thành quả thực hiện các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs). Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng bày tỏ Việt Nam mong muốn LHQ phát huy tốt vai trò to lớn trong việc duy trì hòa bình, ổn định trên thế giới cũng như trong khu vực, thúc đẩy đối thoại, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển chung của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon.


Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, việc Việt Nam quyết định sẽ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ (PKO) là một dấu mốc quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Vì thế, Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của cá nhân ngài Tổng Thư ký và Ban Thư ký trong quá trình Việt Nam chuẩn bị và tham gia hoạt động này. Mặt khác, Việt Nam rất quan tâm và là nước tham gia tích cực vào hợp tác Nam - Nam, hợp tác khu vực và tiểu khu vực. Đề nghị Tổng Thư ký LHQ hỗ trợ các chương trình, hoạt động hợp tác của Việt Nam trong khuôn khổ này, trong đó có ASEAN, Ủy hội sông Mekong. Bên cạnh đó, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng mong muốn LHQ quan tâm hỗ trợ thêm về thông tin, kinh nghiệm, tư vấn chính sách, công nghệ và tài chính để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước...

Tổng Thư ký Ban Ki-moon hoan nghênh việc Việt Nam quyết định tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ và bày tỏ mong muốn cùng thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa LHQ và Việt Nam vì các mục tiêu phát triển dài hạn.

        Việt Nam - Hoa Kỳ hợp tác toàn diện vì lợi ích chung của hai nước và khu vực

Cuối buổi chiều ngày 25-7 (giờ Washington D.C), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) và có bài phát biểu quan trọng với chủ đề “Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong một châu Á - Thái Bình Dương năng động và thịnh vượng”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rằng, trong lòng một khu vực châu Á - Thái Bình Dương năng động và giàu tiềm năng, mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã thực sự được mở rộng và nâng tầm trên nhiều lĩnh vực, cả bề rộng, bề sâu cũng như hiệu quả của các lĩnh vực đó. Việc tăng cường quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ nằm trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đưa các mối quan hệ với các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, ổn định của Việt Nam.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao đổi với các nhà giáo dục Hoa Kỳ.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao đổi với các nhà giáo dục Hoa Kỳ.

        Đẩy mạnh hợp tác giáo dục - đào tạo

Trước khi gặp Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, Chủ tịch nước đã có gặp các nhà lãnh đạo Quỹ Hỗ trợ giáo dục đại học Việt Nam của Hoa Kỳ, đại diện một số trường ĐH Hoa Kỳ và phát biểu tại cuộc tọa đàm “Quản trị và sáng kiến trong giáo dục đại học - cơ hội cho Việt Nam”. Đây là cuộc tọa đàm với những người ủng hộ sáng kiến Đại học Fulbright tại Việt Nam.

Phát biểu tại đây, Chủ tịch nước cho rằng, trong 18 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đã phát triển quan hệ trên nhiều lĩnh vực, trong đó hợp tác giáo dục đã trở thành là một lĩnh vực hợp tác ưu tiên. Hai nước đang triển khai các chương trình hợp tác có hiệu quả như Chương trình Fulbright, Chương trình Liên minh Giáo dục đại học ngành kỹ thuật (HEEAP), Chương trình đưa giảng viên, sinh viên giỏi đi học tiến sĩ tại các trường đại học có uy tín ở Hoa Kỳ để làm nguồn giảng viên cho các trường đại học, cao đẳng theo các chương trình của Chính phủ Việt Nam, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ đưa giáo viên tình nguyện đến Việt Nam dạy tiếng Anh hoặc giảng dạy, nghiên cứu chuyên ngành tại Việt Nam. Rất nhiều sáng kiến hợp tác đang được triển khai từ phía chính phủ cũng như các tổ chức, cá nhân của cả hai bên để hiện thực hóa các tiềm năng hợp tác về giáo dục - đào tạo giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Nếu như cách đây 10 năm, chỉ có trên 3.000 sinh viên Việt Nam học tập tại Hoa Kỳ, đến nay, con số này đã tăng gấp 5 lần, trên 15.000 em, đứng đầu các nước ASEAN và đứng thứ 8 trong số các nước gửi sinh viên sang Hoa Kỳ học tập.

Trao đổi với các nhà giáo dục Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, Chính phủ Việt Nam coi giáo dục là quốc sách hàng đầu để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng phát triển nguồn nhân lực, nhân tố quyết định sự phát triển. Phát triển giáo dục đại học của Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định, đóng góp vào những thành tựu của công cuộc đổi mới và phát triển. Để phát triển giáo dục đại học của Việt Nam, Việt Nam coi Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu. Hoa Kỳ có nền giáo dục đại học và sau đại học hiện đại và ưu việt hàng đầu thế giới, với nhiều giảng viên, nhà khoa học danh tiếng trong nhiều lĩnh vực. “Nhân cuộc gặp gỡ này, tôi kêu gọi các quý vị nỗ lực nhiều hơn nữa để tăng cường quan hệ giáo dục, hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam về trao đổi giảng viên, sinh viên, hợp tác nghiên cứu; đề xuất các ý tưởng, giải pháp nâng cao hiệu quả và chất lượng hợp tác về giáo dục đào tạo giữa hai nước; thúc đẩy việc đàm phán để tiến tới ký kết một hiệp định hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ” - Chủ tịch nước phát biểu.

* Trong chiều 26-7, tại New York, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có các cuộc tiếp xúc với các nhà nghiên cứu kinh tế của Hoa Kỳ, cựu chiến binh hai nước, bạn bè Hoa Kỳ và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ. Trước đó, Chủ tịch nước đã có cuộc gặp thân mật với gia đình cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton.

TRẦN LƯU (từ New York)

- Thông tin liên quan:

>> Việt Nam và Hoa Kỳ xác lập quan hệ đối tác toàn diện

>> Vì một châu Á - Thái Bình Dương năng động và thịnh vượng

Tin cùng chuyên mục