Dân Hà Nội lo kẹt đường

Dân Hà Nội lo kẹt đường

Ngày mai 1 - 8 là thời điểm chính thức mở rộng Hà Nội bằng việc sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình) về thủ đô.

Điều mà nhiều người dân ở cả khu vực Hà Nội cũ và vùng Hà Nội mở rộng tỏ ra lo lắng là sau khi sắp xếp, bố trí lại trụ sở làm việc của các cơ quan, công sở mới ở cả TP Hà Đông và trung tâm Hà Nội thì tình hình đi lại của người dân sẽ ra sao trước tình trạng tắc đường kẹt xe ngày càng trở nên nóng bỏng hiện nay?

Điểm “nóng” đường Nguyễn Trãi

Ông Nguyễn Đăng Kính, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hà Tây, đồng thời là đại biểu Quốc hội, bày tỏ nỗi niềm mà nhiều người dân ở Hà Đông muốn được chia sẻ. Ông nói: “Khi chưa sáp nhập Hà Tây - Hà Nội, tuyến đường Nguyễn Trãi đã ùn tắc rất trầm trọng. Sau khi sáp nhập, cụ thể là Hà Nội “mới” bố trí một số cơ quan, công sở vào làm việc tại TP Hà Đông thì tình trạng kẹt xe, ùn tắc còn phức tạp gấp 3 - 4 lần”.

Dân Hà Nội lo kẹt đường ảnh 1

Đường vành đai 3 Pháp Vân - Mai Dịch (Hà Nội) là huyết mạch để xóa sổ nạn ùn tắc cho toàn khu vực phía Tây Hà Nội cũng đã ì ạch suốt 5 năm nay.

Theo Sở GTVT Hà Nội, trong các tuyến đường hiện nay, ùn tắc nghiêm trọng và kéo dài nhất là tuyến Nguyễn Trãi nối Hà Đông và Hà Nội.

Khảo sát của Sở GTVT Hà Tây, cách đây hơn 10 năm, lưu lượng xe cộ qua lại trên đường Nguyễn Trãi mới chỉ có 9.000 - 10.000 lượt xe/ngày nhưng đến thời điểm hiện tại, đã tăng lên khoảng 8 lần.

Theo ông Lưu Xuân Bình, Phó trưởng phòng Hành chính Sở GTVT Hà Tây, sau khi bố trí các cơ quan, công sở làm tại TP Hà Đông thì lưu lượng xe cộ trên đường Nguyễn Trãi có thể tăng lên 2 - 3 lần nữa.

Đường Nguyễn Trãi sẽ ùn tắc không chỉ vào giờ cao điểm mà suốt từ sáng đến chiều, trở thành cái “nút cổ chai” khổng lồ. Bởi nhu cầu từ trung tâm Hà Nội vào Hà Đông và ngược lại, từ Hà Đông đổ ra trung tâm Hà Nội đều tăng lên.

Còn đường cao tốc Láng - Hòa Lạc (tương lai sẽ là đường nội thành Hà Nội mở rộng) thì hiện cũng đang thi công dang dở. Năm 2007, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã đến thị sát công trường và chỉ đạo chậm nhất đến cuối năm 2009 phải hoàn thành. Nhưng hiện nay các nhà thầu cũng đang “đắp chiếu” máy móc vì giá cả tăng, xăng dầu đắt đỏ.

Song, nhức nhối hơn cả vẫn là tuyến đường vành đai 3 Hà Nội. Cách đây 5 năm, tuyến đường đã bắt đầu được động thổ. Bất cứ người Hà Nội nào cũng hiểu rằng, nếu công trình này khai thông sẽ giảm đáng kể tình trạng ách tắc và quá tải cả xe cộ lẫn hàng hóa cho tuyến quốc lộ 1A mới (đoạn Pháp Vân - Thanh Trì) cũng như cao tốc Thăng Long - Nội Bài nằm ở phía Bắc thủ đô Hà Nội.

Thế nhưng, dự án đã bị đình hoãn, trở thành tuyến đường “rùa bò” chậm nhất Hà Nội, trong đó, chỉ riêng đoạn đường từ cao tốc Láng - Hòa Lạc, Trung tâm Hội nghị quốc gia (Mỹ Đình) đến Pháp Vân, quốc lộ 1A, cầu Thanh Trì vẫn gần như “giậm chân tại chỗ”.

Phải dồn lực cho các dự án giao thông

Thực ra, quy hoạch mạng lưới giao thông cho Hà Nội mở rộng đã được tính đến từ cách đây nhiều năm trước. Theo ông Tô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, từ cách đây 6 - 10 năm, đã có ít nhất là 4 dự án đường được mở mới hoặc kéo dài từ khu vực Hà Nội cũ về phía TP Hà Đông nói riêng, Hà Tây nói chung, gồm: cao tốc Láng - Hòa Lạc, đường Lê Văn Lương - Láng Hạ kéo dài và hai tuyến đường sẵn có là đường Nguyễn Trãi và quốc lộ 32 Hà Nội - Sơn Tây.

Mới đây, thêm tuyến đường thứ 5 được lập quy hoạch là đường Hoàng Quốc Việt kéo dài về TP Sơn Tây, cắt vành đai 4 tại huyện Đan Phượng (Hà Tây). Trong đó, dự án đường Lê Văn Lương kéo dài từ đường Láng Hạ (Hà Nội), cắt vành đai 3 tại Thanh Xuân Bắc, qua làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) và nối vào đường vành đai 4 tại xã Yên Nghĩa (còn gọi là tuyến đường trục phía Bắc TP Hà Đông) sau khi hoàn thành sẽ giảm tải khoảng 50% lưu lượng xe cộ cho đường Nguyễn Trãi hiện nay.

Tuy nhiên, vấn đề trở nên nan giải, hóc búa là các dự án kể trên đều đang lâm vào tình trạng thi công cầm chừng, dang dở. Bởi vậy, mới đây, trong cuộc họp giữa chính quyền Hà Nội và Hà Tây về việc chuẩn bị triển khai sáp nhập vào ngày 1-8 và trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ TN-MT, ông Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây, đã đề nghị một trong những giải pháp quan trọng hiện nay là phải đẩy nhanh tiến độ của các dự án đã và đang được triển khai, đặc biệt là các dự án về giao thông giữa Hà Nội và Hà Tây, trong đó có tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài.

Điều chắc chắn là sau khi sáp nhập, nhu cầu của hàng vạn dân từ vùng Hà Nội mở rộng kéo về trung tâm Hà Nội cũng như Hà Đông để thực hiện các thủ tục, chính sách sẽ tăng “nóng” so với trước đây, và có thể làm cho hệ thống giao thông ở khu trung tâm vốn đã quá tải càng trở nên tê liệt.

Bởi vậy, điều quan trọng là chính quyền Hà Nội “mới” phải đưa ra được các giải pháp có tính đột phá, kịp thời bằng cách đẩy nhanh và dồn tổng lực cho các dự án giao thông giữa Hà Nội cũ và vùng Hà Nội mở rộng trên cơ sở tuân thủ quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội. 

VĂN PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục