Sữa “3 không” và các loại sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc : Đã vắng trên quầy sạp

TPHCM: Cơ sở mầm non sử dụng sữa phải có nhãn mác

Chiều 24-9, để tìm hiểu về tác động của thông tin sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc bị nhiễm một số độc tố có thể gây sỏi thận ở trẻ em, cũng như hiệu quả đợt cao điểm kiểm tra thị trường sữa của các cơ quan chức năng, chúng tôi đã tiến hành khảo sát hàng loạt quầy kinh doanh sữa bột tại một số chợ như: Bà Chiểu, Văn Thánh (quận Bình Thạnh), Kim Biên (quận 5)…

Ghi nhận chung là không chỉ người tiêu dùng mà hầu hết tiểu thương đều có vẻ cảnh giác hơn. Khác với tình hình cách đây 2 tuần, hiện nay hầu hết các loại sữa trộn cacao, bột cam dạng rời, không bao bì, nhãn mác, không có hạn sản xuất, hạn sử dụng (thường gọi là sữa “3 không”) gần như đã biến mất khỏi các quầy sạp. Thay vào đó là các loại sữa gói nhãn hiệu Hòa Lan Mặt trời, Hòa Lan cối xay gió… có đóng gói, ghi đủ các thành phần nguyên liệu, hạn sử dụng với giá từ 27.000 – 28.000 đồng/gói 600 gram.

Do “đóng vai” một người cần mua sữa bột với giá rẻ (từ 24.000 – 25.000 đồng/kg) để làm bánh plan, bánh chuối nướng… bỏ mối cho các trường học nên tôi từ chối mua các loại sữa có nhãn hiệu, bao bì được trưng bày vì giá quá cao, khó có lời và yêu cầu tiểu thương giới thiệu sản phẩm khác rẻ hơn… Cũng như tại các chợ khác, tại sạp K.H chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), người bán hàng ngần ngừ hỏi chúng tôi có lấy nhiều không để họ tính. Tuy nhiên ngay sau đó lại từ chối bán với lý do hết hàng.

Tại chợ Kim Biên, nơi từng được xem là một trong những địa điểm cung cấp sữa “3 không” sỉ, ghi nhận chiều qua cũng cho thấy hầu hết các sạp có giấy phép kinh doanh sữa bột cũng không còn trưng bày các loại sữa dạng này. Bà Lưu Thị Kim Nhung, Trưởng ban Quản lý chợ Kim Biên, cho biết từ khi có thông tin về việc sữa nhập từ Trung Quốc có nhiễm độc tố, Ban quản lý chợ đã thường xuyên kiểm tra các quầy sạp kinh doanh sữa và hầu như không còn sạp nào trưng bày các loại sữa “3 không” và sữa nhập từ Trung Quốc về. Tuy vậy, bà cũng không dám khẳng định rằng tiểu thương tại chợ Kim Biên không còn kinh doanh các loại sữa dạng này. Vì theo bà Nhung, hiện nay người bán thường giao hàng tận nơi thông qua điện thoại cho các mối quen và quầy ở chợ chỉ là nơi giao dịch.

Lê Mai Thi

TPHCM: Cơ sở mầm non sử dụng sữa phải có nhãn mác

(SGGP). – Ngày 24-9, Sở GD-ĐT TPHCM đã ra thông báo gởi phòng giáo dục các quận huyện, các trường mầm non trên địa bàn thành phố về việc sử dụng sản phẩm sữa. Theo đó, sở chỉ đạo các phòng giáo dục tăng cường kiểm tra giám sát các cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức ăn tại trường và việc tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm khi chọn mua thực phẩm chế biến thức ăn cho trẻ. Các sản phẩm ăn liền từ sữa (sữa tươi, sữa hoàn nguyên, sữa bột các loại…), các chế phẩm của sữa (phô mai, bơ, yaourt …), các sản phẩm có sử dụng sữa làm nguyên liệu (bánh flan, bánh quy, bánh mì ngọt, rau câu…) phải kiểm tra giấy chứng nhận cơ sở đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà sản xuất. Các sản phẩm phải có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng, bao bì an toàn.

Ngoài ra, trong tình hình khó khăn đối với việc giám sát nguồn nguyên liệu sữa hiện nay, các đơn vị tạm thời không mua các thực phẩm chế biến sẵn (yaourt, bánh ngọt, bánh flan, rau câu…) nếu không tự chế biến được thức ăn cho trẻ.

L.Linh

Hà Nội: Phát hiện thêm 375 tấn sữa Trung Quốc

(SGGP). – Ngày 24-9, đoàn thanh tra liên ngành về sữa do Bộ Y tế chủ trì đã tiến hành kiểm tra đột xuất Công ty cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk) tại KCN Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội. Trước khi kiểm tra, đại diện Hanoimilk cho biết, công ty không nhập khẩu nguyên liệu sữa từ Trung Quốc. Tuy nhiên, qua kiểm tra phát hiện Hanoimilk đã nhập 375 tấn sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc qua cảng Hải Phòng.

Giải trình với đoàn kiểm tra về vụ việc này, ông Trần Đăng Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Sữa Hà Nội thừa nhận, từ đầu năm đến nay, công ty có nhập 375 tấn sữa từ Trung Quốc nhưng chưa hề đưa số nguyên liệu sữa trên vào sản xuất. Theo ông Tuấn, công ty nhập nguồn sữa trên với mục đích thương mại, nghĩa là nhập về để bán cho các cơ sở có nhu cầu. Hiện tại, công ty đã bán cho Công ty CP Hóa chất Á Châu Hà Nội 25 tấn, bán cho Công ty CP Hóa chất Á Châu TPHCM 70 tấn nguyên liệu sữa, có đầy đủ hóa đơn xuất hàng.

Qua kiểm tra kho nguyên liệu của Hanoimilk, sau khi phải yêu cầu công nhân của công ty sử dụng xe chuyên dụng vận chuyển rất nhiều chồng nguyên liệu sữa có nguồn gốc từ Úc, Mỹ, New Zealand xếp phía bên ngoài, đoàn đã phát hiện lô sữa Full cream milk powder (như đã mô tả trong tờ khai hải quan) được xếp trong góc cùng của kho. Trừ đi số hàng đã xuất, tổng số sản phẩm sữa có nguồn gốc Trung Quốc còn tồn trong kho là 280 tấn. Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu lô sữa trên để chuyển đi xét nghiệm làm rõ thành phần, đồng thời niêm phong, yêu cầu công ty không được phép phân phối sử dụng loại sữa này nữa.

* Ngày 24- 9, đoàn thanh tra thực phẩm Sở Y tế TPHCM đã tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất sữa tươi Đại Quang ở 285 Nơ Trang Long, phường 13 quận Bình Thạnh. Tại đây, cả 2 hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng đều đã hết hạn từ cách đây 5 năm. Tiếp tục kiểm tra tại khu vực súc rửa chai có 3 công nhân đang làm việc nhưng đều không đeo khẩu trang, không găng tay. Khu súc rửa chai khoảng 10m2 dơ bẩn, nằm cạnh nhà vệ sinh xuống cấp… Đoàn thanh tra đã lấy mẫu sữa đem đi kiểm nghiệm.

Q. Lập – Tg. Lâm

Tin cùng chuyên mục