Trọn nghĩa - vẹn tình

Làm dịu nỗi đau chiến tranh
Trọn nghĩa - vẹn tình

Chiều 27-12, các đại biểu tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc đã tham dự buổi giao lưu với những điển hình tiêu biểu. Các điển hình tham gia giao lưu không chỉ mang đến đại hội những câu chuyện lay động trái tim mà còn là những bài học cuộc sống bình dị, sâu sắc. Chắc chắn, những câu chuyện lay động trên sẽ tiếp tục được viết tiếp bởi trái tim và khối óc của những điển hình trọn nghĩa - vẹn tình, biến cái không thể thành có thể.

Em Hồ Thị Hiếu Hiền thuyết minh đoạn phim của mình về đại hội tại buổi giao lưu. Ảnh: MINH ĐIỀN

Em Hồ Thị Hiếu Hiền thuyết minh đoạn phim của mình về đại hội tại buổi giao lưu. Ảnh: MINH ĐIỀN

Làm dịu nỗi đau chiến tranh

Thượng tá Trần Hữu Lưu, Đội trưởng Đội quy tập mộ liệt sĩ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị mang đến đại hội cảm xúc đặc biệt với câu chuyện 15 năm vượt dãy Trường Sơn đi tìm đồng đội. Sinh ra trên tuyến lửa Vĩnh Linh, nơi phải chịu nhiều đau thương mất mát trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tháng 2-1982, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện tân binh, được biên chế vào Sư đoàn 968, làm nhiệm vụ quốc tế ở đất bạn Lào. Di chứng của những năm chiến đấu trên đất bạn là “nỗi đau da cam” mà ông và những người đồng đội khác phải chịu đến tận bây giờ. Do phải công tác xa, việc chăm sóc các con khuyết tật phải cậy nhờ vào người vợ tảo tần, bà con cô bác lối xóm và cả những người đồng chí, đồng đội... Thế nhưng, vượt lên tất cả, ông đã trọn vẹn ân nghĩa với đồng đội của mình.

Câu chuyện của ông Lưu gây xúc động mạnh cho các đại biểu tham gia buổi giao lưu. “Mùa khô năm 2000, dân làng báo tin có mộ liệt sĩ. Từ điểm cất bốc đến điểm tập kết 30km, đường khó đi. Lần đó bốc được 28 mộ, anh em mừng quá, vác hài cốt trên vai về điểm quy tập. Nhưng đúng lúc đó rừng bị cháy, cả đơn vị phải mang hài cốt xuống hố bom trú. Hôm đó anh em không nấu cơm vì sợ lửa làm cháy rừng. Bao nhiêu nước dùng chỉ để phòng cháy. Đêm đó cả đội nhịn đói, mai lại hành quân đưa hài cốt liệt sĩ về. Tuy vậy nhưng vẫn thấy hạnh phúc”, ông Lưu chia sẻ. Ông Lưu tâm sự, tìm liệt sĩ trên đất Lào gặp khó khăn, thông tin thất lạc nhiều, đường sá xa xôi, địa bàn thay đổi, ngôn ngữ bất đồng. Thế nhưng vì tình cảm với đồng đội, ông Lưu cùng đồng đội đã vượt qua bao nhiêu gian truân để tìm lại đồng đội.

15 năm, ông cùng đồng đội khảo sát, quy tập được 2.168 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 217 hài cốt có tên và quê quán, 210 hài cốt có tên, 112 hài cốt có quê, 68 hài cốt chỉ có phiên hiệu đơn vị... Bấy nhiêu đó chưa đủ. Ông vẫn muốn tìm được nhiều, nhiều hơn những hài cốt đồng đội mình, góp phần làm dịu nỗi đau chiến tranh. Phần giao lưu của ông Lưu càng gây ấn tượng khi một người bạn Lào gọi điện cho ông từ Lào để chia sẻ những cảm xúc của mình khi xem trên truyền hình câu chuyện về việc đi tìm đồng đội của ông. Được yêu cầu phát đi một thông điệp, ông chỉ nói ngắn gọn: “Trọn nghĩa nhân dân, vẹn tình đồng đội”.

Biến cái không thể thành có thể

Các đại biểu dự đại hội đã giao lưu với ông Phạm Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, người đã từng nổi tiếng với câu chuyện đấu tranh chống tham nhũng, bị mất hết chức nhưng vẫn quyết tâm đấu tranh đến cùng. Ông đã viết thư gửi Bí thư Thành ủy TP Hà Nội, tố cáo những khuất tất, vì vậy đã được “trả” lại các chức vụ sau hơn 500 ngày bị cách chức. Một đại biểu hỏi, nếu con mình tham nhũng, ông có chống không? Ông Bình thắng thắn: “Nếu con tôi tham nhũng, nó sẽ phải chịu trách nhiệm”.

Ông Đỗ Quý Hạo, chủ trang trại khoai lang Ba Hạo, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang cũng đã gây nhiều cảm xúc với câu chuyện về sản xuất khoai lang, một sản phẩm tưởng chừng đơn giản nhưng rất thiết thân trong cuộc sống hàng ngày. Hiện trang trại của ông đang có 52ha, một năm trồng 2 vụ khoai lang xuất khẩu, sản lượng 2.500 tấn/năm.

Xuất thân từ một gia đình nông dân, học hết lớp 7, ông vào bộ đội. Trở về đời thường, khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, ông phải đi làm thuê và mót lúa rơi kiếm sống. Sau khi tích lũy được ít vốn, ông mua ruộng trồng khoai lang. Lúc đầu, ông cũng như bao bà con nông dân khác, chân lấm tay bùn, cần cù, một nắng hai sương trên đồng ruộng mà vẫn thiếu trước, hụt sau. Trăn trở mãi ông cũng tìm ra chân lý: Mình mãi nghèo vì thiếu kiến thức khoa học. Vì thế mà ông đi tìm kiến thức cho mình. Ông tìm đọc sách các môn Toán, Hóa, Sinh từ lớp 8 đến lớp 12. Rồi nghiên cứu giáo trình, giáo án của các trường ĐH-CĐ. Trong 15 năm ông vừa làm, vừa xin vào học dự thính tại 3 trường đại học, với những môn học thật cần thiết cho việc làm nông của mình. Những việc học hành mệt mỏi đó đã giúp ông từ một ông nông dân trở thành một nhà sáng chế. Ông bẫy dẫn dụ bọ hà Pheoromon, nhử cho chúng bò lên lá khoai rồi dùng thuốc phun đạt kết quả cao; chế tạo phân bón lá cho phù hợp với từng thời kỳ sinh trưởng của cây khoai lang... Học thêm nhiều, biết thêm nhiều nhưng ông chỉ quyết tâm gắn bó với cây khoai lang, thương hiệu “Khoai lang Ba Hạo” ra đời từ đó.

Từ một nông dân, ông trở thành một tỷ phú. Đó là câu chuyện điển hình của một người ham học, tự mày mò để thành công. Thông điệp của ông là hãy biến cái không thể thành cái có thể. “Những việc tôi đã làm, nhiều người từng cho là không thể nhưng thực tế tôi đã thành công”, ông lý giải cho những nỗ lực phi thường của mình. Thật khó tin khi một người nông dân, trình độ lớp 7, nhưng sau khi tự học đã thành một tỷ phú, một nhà sáng chế, sử dụng công nghệ thành thạo, được vinh danh là điển hình sáng tạo Việt Nam, giải thưởng Sao Thần nông, giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Kiên Giang...

Câu chuyện biến cái không thể thành cái có thể của ông Đỗ Quý Hạo tiếp tục được trải dài hơn qua câu chuyện của PGS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức - người đã góp phần viết lên mốc son cho nền y học Việt Nam: ghép tạng người chết não cho người sống. Ông Quyết chia sẻ, ngành ghép tạng của Việt Nam còn khá mới mẻ, trình độ bác sĩ Việt Nam không thua kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Vấn đề còn lại chỉ là công nghệ, là quyết tâm chinh phục đỉnh cao của y học thế giới. Ông vẫn chưa thể quên cảm xúc với thành công của ca ghép tạng từ người chết não hồi tháng 5-2010 vừa qua. Được lựa chọn một dãy số, ông đã chọn dãy số: “1 = 2+2+2+1” tức là những bộ phận tạng của một người đã chết não có thể cứu sống được 7 người khác, với những nhu cầu ghép tạng khác nhau. Anh Trần Ngọc Thanh (Điện Biên), bệnh nhân được cứu sống từ ca mổ lịch sử đầu tiên ấy cũng đã xuất hiện tại đại hội để tri ân PGS Nguyễn Tiến Quyết…

Em Hồ Thị Hiếu Hiền (Trường THCS Tây Sơn, quận Hải Châu, Đà Nẵng), người đoạt giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế lần thứ 39 năm 2010 do Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) tổ chức, đồng thời là người đoạt giải đặc biệt cuộc thi làm phim quốc tế dành cho trẻ em châu Á, đã thể hiện tài năng làm phim của mình khi giới thiệu với đại hội những thước phim mà em ghi được về ngày khai mạc đại hội. Đích thân Hiếu Hiền làm người dẫn chuyện cho những đoạn phim của mình. “Em sẽ mang những hình ảnh chiếu cho các bạn trong lớp xem, để các bạn hiểu rõ hơn về không khí của đại hội”, Hiền cho biết.

Lâm Nguyên


Mong có nhiều hơn nữa những tấm gương tỏa sáng

Bên lề Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII, phóng viên Báo SGGP đã ghi nhận cảm xúc của các đại biểu đến từ TPHCM - địa phương có số lượng đại biểu đông nhất (52 đại biểu) về dự đại hội lần này.

* Võ Văn Anh, Chủ tịch Hội Thanh niên khuyết tật TPHCM : Chúng tôi thật sự xúc động vì xã hội ngày càng quan tâm tới người khuyết tật khi hôm nay, ở đây có sự góp mặt của những người thiếu may mắn như chúng tôi. Không riêng tôi mà nhiều đại biểu rất xúc động khi được gặp gỡ những vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và những điển hình ưu tú của đất nước. Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII thể hiện một thông điệp kêu gọi mọi người phấn đấu đạt nhiều thành tích hơn nữa góp phần vào việc xây dựng và bảo vệ đất nước.

* BS Nguyễn Ngọc Quế, Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ TPHCM: Đến dự đại hội lần này, tôi rất cảm phục những tấm gương vượt khó. Giữa cuộc sống bộn bề, vẫn có rất nhiều tấm gương bình dị, tỏa sáng. Tôi mong rằng, sau đại hội, mỗi người, mỗi đơn vị sẽ đẩy mạnh công tác thi đua tại đơn vị, trong bản thân từng người, để đại hội sau sẽ có nhiều hơn nữa những điển hình tiên tiến.

* NSƯT Kim Cương, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi TPHCM: Là một trong 52 đại biểu đại diện TPHCM dự đại hội, tôi cảm thấy hạnh phúc, hãnh diện. Được tiếp xúc, giao lưu với nhiều điển hình tiên tiến thuộc các giới, các tầng lớp, các dân tộc, những cá nhân, đơn vị ưu tú trên cả nước, tôi thấy những đóng góp của mình còn quá nhỏ nhoi. Tôi tự nhủ, mình phải làm được nhiều hơn nữa để góp sức cùng xã hội chăm lo cho những mảnh đời thiếu may mắn.

* Anh hùng Lao động Trần Văn Nhiều: Tôi rất vui vì thấy đất nước ngày càng có nhiều người giỏi, nhiệt tình đóng góp cho cái chung. Tôi nghĩ, để phong trào thi đua yêu nước ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu, chúng ta nói phải đi đôi với làm, làm nhiều hơn nữa và khi làm phải làm tới cùng, làm nghiêm túc.

Vân Anh ghi

Tin cùng chuyên mục