GS-TS Lê Thị Quý: Phải xử hành vi bạo lực gia đình như bạo lực xã hội

Thời gian gần đây, dư luận xã hội liên tục bị “sốc” với rất nhiều vụ việc xảy ra mang tính chất bi kịch gia đình. Từ các vụ việc rất trầm trọng như vợ giết chồng hay ngược lại, cha giết con và ngược lại, đến các vụ việc nảy sinh xuất phát từ mâu thuẫn trong gia đình đều gây nên nỗi lo bất ổn về đạo đức xã hội, giá trị xã hội. PV Báo SGGP đã trao đổi với GS-TS Lê Thị Quý, chuyên gia đầu ngành xã hội học nghiên cứu về giới và gia đình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển, về vấn đề này.
GS-TS Lê Thị Quý: Phải xử hành vi bạo lực gia đình như bạo lực xã hội

Thời gian gần đây, dư luận xã hội liên tục bị “sốc” với rất nhiều vụ việc xảy ra mang tính chất bi kịch gia đình. Từ các vụ việc rất trầm trọng như vợ giết chồng hay ngược lại, cha giết con và ngược lại, đến các vụ việc nảy sinh xuất phát từ mâu thuẫn trong gia đình đều gây nên nỗi lo bất ổn về đạo đức xã hội, giá trị xã hội. PV Báo SGGP đã trao đổi với GS-TS Lê Thị Quý, chuyên gia đầu ngành xã hội học nghiên cứu về giới và gia đình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển, về vấn đề này.

* Phóng viên: GS suy nghĩ gì về các vụ việc mang tính chất bạo lực gia đình xảy ra trong thời gian qua, đang có xu hướng gia tăng?

GS-TS Lê Thị Quý.

GS-TS Lê Thị Quý.

* GS LÊ THỊ QUÝ: Từ trước tới nay chúng ta không có những thông tin đầy đủ về bạo lực gia đình, chúng ta không biết rõ số lượng, hành vi, hình thức, các biểu hiện của bạo lực gia đình.

Vì vậy, nếu so sánh về mặt con số thì không thể nói rằng tăng hay giảm, dù có ý kiến cho rằng đang có xu hướng tăng nhưng chúng tôi, với công việc nghiên cứu khoa học về vấn đề này, cũng khó có bằng chứng khẳng định bạo lực gia đình tăng hay giảm. Tuy nhiên, hiện nay truyền thông đã thông tin nhiều và chi tiết về vấn đề này, đặc biệt là các vụ bạo lực nghiêm trọng, nên người dân hiểu hơn mức độ tàn nhẫn của các vụ bạo lực này. Với tư cách nhà nghiên cứu, tôi cho rằng hiện nay bạo lực gia đình đã được phanh phui, chứ không hẳn tăng về mặt cơ học. Phải thừa nhận, trước đây trong thời chiến tranh cũng như bao cấp, bạo lực gia đình ít hơn, có lẽ lúc đó cả đất nước, người dân phải quan tâm những vấn đề lớn hơn.

Còn hiện nay, với sự vào cuộc của truyền thông, sự hiểu biết của xã hội ngày càng văn minh, người ta bắt đầu phanh phui các vụ bạo lực gia đình, vì thế chúng ta càng cảm thấy rõ mức độ tàn nhẫn của sự hành hạ lẫn nhau, sự quẫn trí, bế tắc trong suy nghĩ của con người, tất cả trộn lẫn với nhau tạo nên những dạng bạo lực hết sức nguy hiểm mà chúng ta đã thấy.

Phải nói là hình thức bạo lực gia đình hết sức dã man, có nhiều vụ chúng ta không tưởng tượng nổi như báo chí đã đề cập trong thời gian qua. Trong nghiên cứu của tôi đề cập rất rõ là mọi thành viên trong gia đình đều có khả năng trở thành nạn nhân và cũng đều có khả năng trở thành tội phạm. Tuy nhiên, nạn nhân của bạo lực gia đình chủ yếu vẫn là phụ nữ, trẻ em, người già, họ là những người yếu thế trong gia đình.

* Thưa GS, đâu là nguyên nhân khiến các vụ bạo lực trong gia đình dẫn đến các bi kịch của xã hội ngày càng trở nên nghiêm trọng?

* Nguyên nhân lớn là do bất bình đẳng giới, vì thế nạn nhân chủ yếu vẫn là phụ nữ, trẻ em. Có những người đàn ông cho mình cái quyền dạy vợ, đánh vợ, thậm chí là giết vợ. Vụ ở Thanh Xuân chẳng hạn, người chồng hành hạ vợ với tất cả hành vi dã man nhất; ở Hải Phòng có vụ cha chồng kề dao vào cổ con dâu chỉ vì sinh con một bề...

Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy, kể cả những vụ vợ giết chồng cũng do người vợ tự vệ, bị hành hạ quá thì quẫn lên, giận chồng rồi giết con; hoặc bị hành hạ, lao lực quá thì tự tử, giết chồng. Còn nguyên cớ dẫn đến các vụ việc này thì rất nhiều, đầu tiên phải kể đến do say rượu. Rượu là nguyên cớ chính, hầu hết các vụ bạo lực gia đình đều do người chồng, người cha say rượu, nghiện rượu. Khi đi nghiên cứu, chúng tôi đã từng đặt câu hỏi với một ông say rượu: tại sao khi say rượu, trông thấy chủ tịch xã ông không đánh mà lại về đánh vợ? Họ trả lời rằng mình có quyền đánh vợ, cho nên rượu chỉ là cớ để họ thực hiện sự gia trưởng của mình. Nhiều người đàn ông mượn rượu để lặp đi lặp lại hành vi bạo lực gia đình, dẫn đến tình trạng vợ giết chồng, con giết bố chỉ vì uẩn ức quá. Vì thế, tôi đề nghị chúng ta phải chống hành vi say rượu nhiều hơn nữa.

* Ngoài nguyên nhân đó, GS có đồng ý còn do đạo đức xã hội xuống cấp?

* Đó là nguyên nhân chúng ta vẫn thường nói đến. Đạo đức xã hội xuống cấp thể hiện đầu tiên ở sự bất hiếu. Trước đây chỉ có bạo lực xuôi là cha mẹ đánh con cái, còn bây giờ con cái hành hạ, đánh đập, bỏ rơi cha mẹ rất nhiều, đó là dạng bạo lực ngược. Thực trạng này có nguyên nhân từ sự buông lỏng giáo dục của gia đình, xã hội. Có thể gia đình vẫn chăm chú giáo dục, nhưng trong một môi trường phức tạp thì ảnh hưởng rất lớn đến gia đình. Có nhiều ý kiến cho rằng đạo đức xã hội xuống cấp do giáo dục gia đình bị coi nhẹ, tôi cho rằng đúng nhưng chưa đủ, vì gia đình không phải một ốc đảo trong xã hội, gia đình bị ảnh hưởng rất nhiều từ môi trường xã hội. Gia đình không thể đóng hết các cánh cửa xã hội lại để giáo dục con cái, mà phải để tiếp xúc xã hội. Tác động của xã hội rất rõ ràng, trực diện, phim ảnh hiện nay tràn lan cảnh khiêu dâm, bạo lực. Vì thế bản thân xã hội cũng có lỗi đối với gia đình. Dĩ nhiên, giáo dục gia đình là chủ chốt, vì đó là nơi hình thành nhân cách của con người.

* Vậy theo GS, ngoài tăng cường chức năng giáo dục gia đình, giáo dục xã hội, cần có giải pháp gì để hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, giảm các bi kịch thương tâm?

* Khi xem xét các nguyên nhân, chúng ta phải tính đến cả những kẻ thù giấu mặt. Trong các vụ việc thương tâm của người phụ nữ liên quan đến trinh tiết, sinh đẻ con ra rồi bỏ mặc chẳng hạn…, có nguyên nhân rất nhiều từ đàn ông. Hay những vụ mẹ tự tử kéo theo cả đàn con cùng chết chẳng hạn, thực ra họ bị bức tử dẫn đến nghĩ quẩn. Khi đó, người mẹ bị lên án về mặt đạo đức, còn đưa ra pháp luật không biết xét xử ra sao, vì thiếu chứng cớ. Cần hiểu những người phụ nữ đó hay bị chồng hành hạ hàng ngày, họ không chịu nổi nên phải tự tử, thực ra là họ bị bức tử. Những sự việc như vậy khiến chúng ta thấy xót xa, nhưng khi tòa án xử lại không thỏa đáng. Có những vụ xử không nghiêm minh khiến tính răn đe của pháp luật rất yếu.

Tôi quan điểm, khi tòa án xử một vụ án tại gia nào đó là xử cho cả xã hội, để răn đe cả xã hội chứ không chỉ xử cho nạn nhân và tội phạm. Chúng ta hay căn cứ vào sự bãi nại của nạn nhân dành cho tội phạm để giảm án, tôi cho về mặt xã hội như vậy không được. Không thể đồng ý bãi nại cho các hành động phi nhân tính đối với bất cứ ai. Tôi đã nhiều lần thể hiện quan điểm này và đề nghị truyền thông vào cuộc nhiều hơn, bởi thực tế, nhiều bãi nại xuất phát từ sự o ép đối với nạn nhân, nhất là trong các vụ án bạo lực gia đình.

Cách xử của tòa án cần phải xem xét cả về Luật Phòng chống bạo lực gia đình và Luật Hình sự. Có nhiều trường hợp tội phạm nặng nhưng lại xử nhẹ, cứ nhởn nhơ như không; giết người dã man, nhưng khi ra tòa đều hối hận, xin giảm án và hứa trở về thành người cha tốt, người mẹ tốt. Sự trừng trị phải vì an ninh của xã hội. Chúng ta cần phải thay đổi cách hành xử và tôi cho rằng hành vi bạo lực gia đình cũng phải được xử nặng như bạo lực xã hội. Các vụ việc đó phải được quy kết vào hành vi có tính chất dã man nhất.

* Xin cảm ơn Giáo sư! 

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục